Núi Nùng sông Nhị đất này còn ghi…

.

Khi nói đến Tổng đốc Hoàng Diệu, người Hà Nội thường nhắc đến hai câu trong Chính khí ca: Trời cao, biển rộng đất dày/ Núi Nùng sông Nhị đất này còn ghi. Các nhà nghiên cứu thì lại thường nhắc đến hai dấu ấn của ông tại đây là Bia Lệnh cấm trừ tệ và Biểu trần tình - tờ biểu ông gửi về triều đình Tự Đức trước khi thắt cổ chết theo thành.

Bia Lệnh cấm trừ tệ tại ô Quan Chưởng (ảnh trái) và toàn văn Biểu trần tình bằng chữ Hán. Ảnh: Tư liệu
Bia Lệnh cấm trừ tệ tại ô Quan Chưởng (ảnh trái) và toàn văn Biểu trần tình bằng chữ Hán. Ảnh: Tư liệu

Bia Lệnh cấm trừ tệ

Năm 1881, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) Hoàng Diệu nhận được phản ảnh của các thân sĩ về tình trạng lý dịch địa phương dung túng và bảo kê cho bọn vô lại, bọn xã hội đen nhằm nhũng nhiễu dân chúng trong các dịp ma chay cưới xin hoặc vòi vĩnh tiền bạc, “cướp cạn” ở các bến sông, các chợ… Ông đã lên án mạnh mẽ và đưa ra những quy định cụ thể bắt buộc người dân và những chức dịch phải triệt để tuân thủ và thực hiện để trừ tận gốc tệ nạn này.

Ngày 12 tháng 4 năm Ất Tỵ (16-5-1881), Lệnh cấm trừ tệ được ban hành, dài gần 1.000 chữ, gồm hai phần.

Phần một trình bày hiện trạng: “Lý dịch các thôn phường có khi dung dưỡng bọn vô lại, cho chúng ứng trực ở điếm canh, chẳng những chúng tuần phòng bất lực mà khi nhà dân các phố có việc đưa ma, chôn cất, bọn chúng đóng ở các nơi trong hạt đều sách nhiễu tang gia, không kể xa gần, đông người hay ít người, sinh sự bắt ép giá cả, ai không chịu thì chúng cản trở việc tống táng…

Lại như bọn ở trại Dưỡng Tế, nhân các buổi cưới xin tang ma tụ tập nhau lại nhũng nhiễu các phố và thường ngày ra các thuyền bè ngoài bến sông, cùng các hàng quán ở chợ, lộng hành ăn cắp, cướp giật.

Tệ hơn nữa, đến cuối năm vào nhà người ta đòi dăm ba quan, không đưa thì sinh sự vu vạ…”. Phần này cũng nêu một số trường hợp cụ thể về tình trạng trên để làm bằng.

Phần hai là các quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tệ nạn:

- Từ nay hễ có việc tống táng thì để tang chủ tùy nghi mà làm, nếu có người ngoài đến giúp thì càng tốt. Còn nếu thuê người thì theo thời giá, cho công bằng và hợp lý.

- Thói sách nhiễu của phu điếm và Dưỡng Tế phải cấm hẳn và quan sở tại phải cho sửa đổi lại phong tục.

- Lệnh đã được ban ra nếu sau này “chỗ nào tình tệ vẫn còn như cũ, phát giác được thì từ bọn can phạm cùng tổng lý bị trừng trị nặng, huyện nha sở tại cũng khó mà chối cãi được lỗi của mình”.

Tổng đốc Hoàng Diệu cũng ra lệnh cho tri huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận phổ biến rộng rãi Lệnh cấm trừ tệ cho toàn dân biết để thi hành bằng cách khắc dựng một tấm bia bằng đá lớn trước nha môn và sao lục nhiều bản giao cho thân sĩ trong địa phương. Dấu tích của bia Lệnh cấm trừ tệ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và tại một bức tường của ô Quan Chưởng đầu phố Hàng Chiếu, Hà Nội.

Tấm bia có ý nghĩa nhiều mặt nhất là để tìm hiểu tình hình văn hóa xã hội một thời và tấm lòng của một vị quan suốt đời lo cho dân cho nước!

Biểu trần tình

5 giờ sáng ngày 26-4-1882 Đại tá Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu. Chỉ 3 giờ sau là y ra lệnh công thành Hà Nội. Dù đang bị bệnh, Hoàng Diệu vẫn lên thành chỉ huy quân sĩ chống trả quyết liệt. Thành bị thất thủ, Hoàng Diệu đã chọn cái chết để nhận trách nhiệm. Trước khi chết ông viết tờ biểu tấu trình mọi việc với vua Tự Đức. Đời sau gọi đây là Biểu trần tình hay còn gọi là Di biểu.

Biểu trần tình hiện còn hai bản có ký hiệu A996 và 1867 được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia ở Hà Nội. Đây là bản văn bằng chữ Hán gồm 436 chữ được viết theo thể tứ lục.

Về nội dung, tuy chỉ là bản văn có 436 chữ nhưng tác giả lại nêu được tương đối đầy đủ “sự cố” thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai. Có thể tóm tắt trong 5 nội dung chính:

Thứ nhất, ông cho biết “Tôi, học vấn thô sơ, ủy dụng rất lớn”; “Một kiếp thư sinh chưa từng lo biên sự”.

Thứ hai, nêu được vị trí quan trọng chiến lược của thành Hà Nội và phê phán gay gắt sự “chỉ đạo” của vua Tự Đức trong việc phòng thủ: “Tôi trộm nghĩ Hà thành là đất cuống họng của Bắc Kỳ, lại là khu yếu hại của bản quốc. Nếu một ngày tan tành như đất lở, thì tất cả các tỉnh lần lượt mất như ngói bong. Tôi lấy làm lo, khẩn tư các hạt, tâu lên triều đình. Xin cho thêm binh, may sớm kịp việc. Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống. Quở tôi việc đem quân dọa dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời. Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan”.

Thứ ba, là tình hình trận chiến: “Quân giặc leo như đàn kiến, súng giặc nổ như sấm rang. Ngoài phố cháy lan, trong thành khí mất”; “Nó đủ ta kiệt; viện tuyệt, thế cùng. Vũ biền thì sợ giặc mà chạy hàng đàn, văn thần thì ngóng chừng mà tan cả lũ”.

Thứ tư, ông tự nhận trách nhiệm và cách xử lý: “Lòng tôi đau như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích; thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân tự quyên sinh, không thể học Tào Mạt hay dọa địch; treo cổ đền trách nhiệm, chỉ mong theo Trương Tuấn chết giữ thành”.

Và cuối cùng là lời “trần tình” cho chọn lựa của mình: “Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thể bắt buộc” hay: “Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm quân môn. Nguyện ánh sáng nhật nguyệt soi tỏ tấm lòng son của tôi mà thôi”.

Biểu trần tình là một tác phẩm đặc biệt. Bởi lẽ, trong tình huống nghiêm trọng như vậy mà Hoàng Diệu vẫn có đủ tỉnh táo để thực hiện một bản điều trần đầy đủ, thuyết phục, xúc động, đầy chất bi tráng. Ở đó thể hiện được đầy đủ khí chất của một người Quảng, đó là dám hy sinh vì đại nghĩa, xem nhẹ cái chết.

Tinh thần dám làm dám chịu trách nhiệm; là tinh thần phản biện, tính trực ngôn. Luôn nói thẳng, phê phán mạnh mẽ nhà vua và ngay cả khi đã chọn cho mình… cái chết.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.