1. "Hà Nội là Hà Nội" là tập tản văn của tác giả Nguyễn Trương Quý (NXB Trẻ, in lần thứ 5-2024) cũng là cuốn thứ ba trong bộ 3 sách viết về Hà Nội của anh. Cuốn sách này, như tên gọi của nó, "Hà Nội là Hà Nội", là cuộc tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một thành phố tưởng như đã định hình nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa.
Là một kiến trúc sư đi theo “nghiệp” văn chương, ngay việc viết, Nguyễn Trương Quý vẫn dành nhiều câu chữ liên quan đến góc nhìn kiến trúc. Nhiều người gọi tác giả là người “biên niên” về Hà Nội, hay "người đi tìm tấm thẻ căn cước cho Hà Nội". Và ở “Hà Nội là Hà Nội” cũng vậy, tác giả cho thấy sự quan tâm đến khung cảnh mình đang sống và rất chú ý đến những chi tiết của đô thị, từ các ngôi nhà, di tích, đến đặc trưng các công trình nhận diện Hà Nội. Ở đó, có một lịch sử, một dòng chảy đời sống đằng sau những đặc điểm đó khiến anh tò mò muốn tìm hiểu. Sau này, các câu chuyện cứ thế được bồi đắp như một thao tác thường nhật. Ngày nào anh cũng đọc một thứ gì đó liên quan đến Hà Nội rồi diễn tả lại trong từng trang sách.
"Đừng tưởng lầm rằng “đã nói hết rồi”, còn rất nhiều khoảng mênh mông lịch sử và xã hội ở Hà Nội cần được mổ xẻ thấu đáo... Tôi nhận thấy các tác phẩm trước đây về Hà Nội vẫn mạnh về phẩm chất phong tục, ghi chép. Thế nhưng, vẫn còn nhiều việc cho người viết để cấu hình một cách khoa học hoặc đạt được những tầng sâu tư duy trong cách tiếp cận chủ đề Hà Nội. Ngay mỗi thời lại có một cách tiếp cận chủ đề Hà Nội khác nhau”, tác giả phản biện về cuốn sách “Hà Nội là Hà Nội”.
“Hà Nội là Hà Nội” là bộ ba tác phẩm mà Nguyễn Trương Quý chăm chút khi viết về Hà Nội, cùng với các cuốn đầu - "Tự nhiên như người Hà Nội" và "Ăn phở rất khó thấy ngon".
2. Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam & Tôi (NXB Tri Thức, 10-2024) là cuốn sách mới ra mắt của nhà giáo dục Giản Tư Trung, chia sẻ một số góc nhìn riêng của tác giả và tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ thế giới đến Việt Nam.
Trong đó, chương một nói về triết lý giáo dục, chương hai giới thiệu 10 lý thuyết học tập mà theo tác giả là quan trọng nhất, được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử. Chương ba phân tích các phương pháp sư phạm. Chương bốn mở rộng ra tầm vĩ mô, nói đến các chính sách sư phạm ở một số quốc gia chọn lọc bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Phần Lan, Nhật và Singapore. Phần cuối sẽ là góc nhìn về thực tế sư phạm ở Việt Nam cũng như đề xuất một mô hình giáo dục khai phóng để các thầy cô có thể tham khảo, từ đó có thể tự hình thành nên phương pháp giảng dạy hiệu quả và nhân văn hơn cho riêng mình trong môi trường và hoàn cảnh cụ thể của mình.
Tác giả chọn khai thác “phương pháp sư phạm” vì đây là linh hồn và là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô và từng ngôi trường ở bất cứ nơi đâu. Bởi lẽ, chúng ta muốn đào tạo ra những con người như thế nào thì cần áp dụng những phương pháp sư phạm tương ứng. Đồng thời, theo quan điểm của tác giả thì: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “Khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình”, thế nên, trọng tâm của phương pháp sư phạm chính là “giúp người khác học” thế nào để họ có thể “Tự lực khai phóng” bản thân, có thể “Tự lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng” của chính mình.
Đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau du hành trong một chuyến đi của không gian và thời gian, từ nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam, rồi nhìn lại chính mình; từ soi lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai để có thể vạch ra một “con đường sư phạm” phù hợp cho chính mình, cho ngôi trường mình và cho giáo dục của xứ sở mình trong bối cảnh mới.
MẪU ĐƠN