Thiện nguyện

.

Thiện nguyện là hành động tự nguyện và hoàn toàn không mưu cầu lợi ích vật chất, thực hiện với tâm huyết và ý nguyện giúp đỡ người khác hoặc cộng đồng. Tình nguyện có thể không phải là một thiện nguyện, nhưng thiện nguyện nhất định phải bắt đầu từ sự tình nguyện. Sự cao cả nhiều khi rất lặng lẽ, giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn, bất hạnh vốn là việc không nên ồn ào. Trong các sự tầm thường thì sự khoe khoang “việc thiện” là sự tầm thường nhất. Cuộc sống xưa nay có những câu chuyện khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Hơn ba chục năm qua nhiều người quen với những cửa hàng Duty Free Shoppers (hàng miễn thuế) mà hầu hết các thành phố trên thế giới, nhất là các sân bay đều có. Đó là hệ thống những shop bán hàng xa xỉ mà sự hiện diện của nó như một đẳng cấp thượng lưu, nhưng ít ai biết người sáng lập ra hệ thống nổi tiếng đó là Chuck Feeney, một tỷ phú người Mỹ. Và người ta nhớ đến ông không phải vì hệ thống cửa hàng miễn thuế, mà chính là quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies mà ông sáng lập năm 1984, và cũng từ đó, ông đã âm thầm hiến gần như toàn bộ gia tài khổng lồ cho việc thiện nguyện.

Trước sự chứng kiến của vợ, ông đã ký bản kết thúc hoạt động của quỹ Atlantic Philanthropies, sau khi hiến số tiền cuối cùng trong số tiền 8 tỷ USD. Lời dặn của ông “Cho đi trong khi còn sống” như một giá trị lan tỏa. Tỷ phú nhưng ông sống trong một chung cư thuê giá rẻ, chiếc đồng hồ ông đeo có giá 15 USD, ông ăn uống đạm bạc, năm người con của ông tất cả đều phải đi làm để cáng đáng một phần học phí. Được biết, cuối năm 2023, trước khi qua đời, ông vẫn sống trong một ngôi nhà thuê nhỏ ở San Francisco và không sở hữu bất cứ chiếc ô-tô hay một ngôi nhà nào riêng.

Thật sự Chuck Feeney không lo lắm về kết quả kinh doanh, điều ông lo nhất là việc sử dụng số tiền mà ông hiến tặng có thật sự giúp được những hoàn cảnh khó khăn ở những nước nghèo, hay giúp được các trường đại học, các cơ sở y tế… ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng Việt Nam, ông giúp hệ thống y tế cơ sở và thư viện trường học hơn 380 triệu USD, ông cũng là người tài trợ rất nhiều cho sinh viên Việt Nam sang Australia du học. Bill Gates và Warren Buffett khác nhau nhiều điểm, nhưng có một điểm giống nhau: cùng ngưỡng mộ và kính trọng nhân cách Chuck Feeney.

Khi cơn bão số 3 (Yagi) gây nhiều tổn thất cho người dân các tỉnh miền Bắc. Với tinh thần tương thân tương ái, cả nước chung tay ủng hộ khắc phục thiệt hại do bão gây ra, nhiều tấm gương thiện nguyện khiến mình cảm phục, trong số đó việc GS. Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) rút số tiền tiết kiệm một đời từ thu nhập giảng dạy và viết sách để ủng hộ đồng bào miền Bắc một tỷ đồng, là tấm gương thiện nguyện cao đẹp. Với ông số tiền rất lớn đó chỉ mong muốn “giúp được gì cho người dân tôi cố gắng làm hết sức” đã đem lại nhiều cảm xúc trong cộng đồng.

Được biết trước đó GS. Lê Ngọc Thạch từng nhiều lần quyên góp ủng hộ các tổ chức khuyến học, từ thiện. Ông là người tích cực kêu gọi ủng hộ 2 tỷ đồng cho giải thưởng Lê Văn Thới; 1 tỷ đồng cho riêng giải thưởng Hóa học xanh của Hội Hóa học Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn đóng góp vào nhiều hoạt động xã hội, cứu trợ, giúp đỡ sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Tôi tin rằng, khi đóng góp vào công việc giúp người ấy GS. Lê Ngọc Thạch, người nhận và cả người cho đều cảm thấy ấm áp, tinh thần thiện nguyện đem lại cho riêng họ niềm hạnh phúc, bởi với họ hạnh phúc là “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).

Còn nhớ, khi cha tôi nằm viện chữa bệnh hiểm nghèo, những ngày vào chăm bệnh cha, tôi hay thấy trên đầu giường của các bệnh nhân (trong đó có cha tôi) những bao thư mà số tiền không nhỏ, cùng sữa bánh các loại. Hỏi ra thì tôi được biết, hằng tuần có những nhóm người thiện nguyện, họ đi từ khoa này đến giường bệnh nọ trong bệnh viện để trao những món quà yêu thương của những tấm lòng thơm thảo một cách âm thầm, họ trao tặng với tất cả tấm lòng cao cả.

Họ không quan tâm đến việc phải lưu lại hình ảnh, không cần ai phải biết và nhớ danh tính, bởi suy nghĩ thôi thúc là họ mong muốn được chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân. Chợt nghĩ đến chuyện ai đó trong ngành y cấu kết nâng giá chiếc máy thở, thuốc điều trị, máy giặt trong bệnh viện lên hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, hay có người đôi chút giúp đỡ cho ai đó thì hay kể lể… càng thấy trân quý ngàn lần những tấm lòng thiện nguyện.

Những người có tâm thiện thường hay vị tha, biết nghĩ đến người khó khổ hơn mình. Bởi với họ nếu không làm được việc thiện thì chí ít không làm điều không phải cũng đủ quý biết bao cho xã hội này. Thế gian có nhiều người làm việc thiện nguyện, nhưng làm âm thầm, giúp người khác nhiều khi không ai biết, tấm lòng của tỷ phú Chuck Feeney, GS Lê Ngọc Thạch và rất nhiều người nữa đã sáng lên như một gợi ý truyền cảm hứng.

Thiện nguyện tự nó là sự khiêm tốn, là đỉnh cao của lòng trắc ẩn, bởi giúp ai để mong được hàm ơn, mong được biết tiếng thì thường là xa lạ với bản chất cao đẹp của thiện nguyện.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.