Thời trang xanh lên ngôi tại Ấn Độ

.

Ngành công nghiệp thời trang Ấn Độ đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đây là hình ảnh ghép lại của ba cửa hàng thời trang bền vững tại New Dehli, Ấn Độ được tạp chí Vogue phiên bản tại Ấn Độ giới thiệu trên trang web của họ. Ảnh: Vogue.in
Đây là hình ảnh ghép lại của ba cửa hàng thời trang bền vững tại New Dehli, Ấn Độ được tạp chí Vogue phiên bản tại Ấn Độ giới thiệu trên trang web của họ. Ảnh: Vogue.in

Theo khảo sát của trang Statista, từ năm 2021 đã có 89% số người tiêu dùng Ấn Độ cho biết họ đã chọn mua sắm thời trang bền vững - tỷ lệ cao nhất trong số các nước được khảo sát. Thị trường này tại Ấn Độ được dự báo sẽ đạt giá trị 9 tỷ USD vào năm 2025.

Làn sóng tiêu dùng xanh

Dù ngành may mặc Ấn Độ sản xuất hàng tỷ USD quần áo mới mỗi năm, vẫn có một bộ phận đáng kể người dân ở đây đang chuyển sang mua sắm quần áo “second-hand” (đồ đã qua sử dụng) để giảm thiểu tác động môi trường. Theo Hãng tin AFP, tại thủ đô New Delhi, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn quần áo second-hand không chỉ vì giá cả phải chăng mà còn xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường.

Xu hướng này phản ánh nhận thức ngày càng tăng của người dân Ấn Độ về tác động môi trường từ ngành công nghiệp thời trang. Theo nghiên cứu năm 2023 trang Arvo.luxury trích dẫn, 53% người tiêu dùng Ấn Độ nhận thức được các vấn đề môi trường từ ngành may mặc. Đáng chú ý, theo Statista, có tới 45% người Ấn Độ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thời trang được sản xuất công bằng. Điều này cho thấy họ không chỉ quan tâm đến yếu tố môi trường mà còn coi trọng khía cạnh đạo đức trong sản xuất.

Thị trường thời trang bền vững tại Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng, các sáng kiến của chính phủ và sự sẵn có của các vật liệu bền vững. Với dân số đông đảo và di sản dệt may phong phú, Ấn Độ có tiềm năng lớn để phát triển thị trường thời trang bền vững. Như tờ Times of India nhận định, các kỹ thuật thủ công truyền thống, dệt và dệt may của đất nước này có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững phục vụ cả người tiêu dùng trong nước và toàn cầu.

Thách thức và giải pháp

Để thúc đẩy ngành thời trang bền vững phát triển, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp, mà trước hết là cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ bền vững, phát triển chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường tiếp cận thị trường. Bà Kriti Tula, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Doodlage vào năm 2012, chia sẻ với AFP rằng, nhận thức về tính bền vững đã tăng lên đáng kể sau một thập kỷ. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái sử dụng các sản phẩm hiện có.

Cùng với đó, nhiều chiến lược và giải pháp cũng đã được đề xuất. Một trong số đó là "Quyền sửa chữa" (Right to repair) - một khái niệm tương đối mới nhằm thúc đẩy tính bền vững trong thời trang thông qua việc cung cấp dịch vụ sau bán hàng cho người tiêu dùng, bao gồm sửa chữa hoặc tái tạo kiểu dáng một món đồ sau khi bị hao mòn.

Báo Hindustan Times trích dẫn nhận định của chuyên gia thiết kế Renesa Rastogi từ công ty Label RCKC Aurum cho biết, xu hướng thời trang bền vững đang phát triển mạnh tại Ấn Độ thông qua việc sử dụng các chất liệu hữu cơ và tự nhiên, thời trang tối giản, tái chế và tái sử dụng, phong trào thời trang chậm và thủ công truyền thống. Trong khi đó bà Swati Sambyal, chuyên gia về kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh với AFP rằng để quản lý tài nguyên hiệu quả, cần giải quyết cả vấn đề sản xuất và mô hình tiêu dùng. Bà cho biết một số thương hiệu đang chuyển sang sử dụng vải dệt tự nhiên, bao gồm vải từ sợi chuối và dứa.

Tuy nhiên, ngành thời trang bền vững tại Ấn Độ vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức. Theo Arvo.luxury, chỉ 26% số người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các thương hiệu thời trang bền vững, 38% số người được khảo sát cho rằng quần áo bền vững có giá thành cao. Sự chênh lệch về giá giữa thời trang bền vững và thời trang thông thường lên tới 50%. Ngoài ra, nguồn cung vật liệu bền vững cũng là một thách thức lớn. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nguyên liệu bền vững sẽ vượt nguồn cung tới 133 triệu tấn.

Ngành thời trang Ấn Độ là ngành xuất khẩu may mặc lớn thứ 5 thế giới với kim ngạch 15 tỷ USD năm 2023 và tạo việc làm cho 45 triệu người, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới. Con số này tương đương dân số của Tây Ban Nha, cho thấy tầm quan trọng của ngành với nền kinh tế Ấn Độ.

4 bước thúc đẩy thời trang bền vững
1. Giáo dục người tiêu dùng: Ngoài việc nâng cao nhận thức, cần có những nỗ lực giáo dục toàn diện để giúp người tiêu dùng hiểu được giá trị của thời trang bền vững, bao gồm cả lợi ích môi trường, kinh tế và xã hội.
2. Làm cho thời trang bền vững dễ tiếp cận hơn: Các thương hiệu phải nỗ lực cung cấp quần áo bền vững ở nhiều mức giá khác nhau để thu hút đông đảo người dùng.
3. Tăng cường độ nhận diện thương hiệu: Đối với các thương hiệu bền vững, việc tăng độ nhận diện thông qua tiếp thị và nghệ thuật kể chuyện phù hợp với giá trị và lối sống của người tiêu dùng có thể thúc đẩy sự tham gia của họ.
4. Tận dụng chính sách và quan hệ đối tác: Sự hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và khu vực tư nhân có thể tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho thời trang bền vững.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.