Nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tôi đọc lại truyện ngắn đặc sắc Vàng tháp Hời với thông điệp cao đẹp về gìn giữ di sản văn hóa, hồn cốt dân tộc. Đây là một truyện ngắn hay và ý nghĩa, có giá trị lâu dài, vượt qua được thử thách thời gian của nhà văn Vũ Hạnh.
Tranh minh họa truyện ngắn trên Tạp chí Bách Khoa, số 97, ngày 15-1-1961. |
Truyện ngắn Vàng tháp Hời được lấy bối cảnh chính trên quê hương huyện Thăng Bình (Quảng Nam) của nhà văn, “khi làng Đồng Dương còn nguyên hai ngọn Tháp Mẹ, Tháp Con”(1), trong không khí huyền ảo của truyền thuyết dân gian về vua Chăm và kho vàng được cất giấu trong các đền tháp. Điều đó khiến cho sự thèm khát vàng, cổ vật nung nấu trong tâm trí của không nhiều người. Vậy nhưng ít người dám mạo hiểm xúc phạm thần linh tại tháp cổ, bởi “di tích cổ đại được thêu dệt bằng những chuyện ma quái hoang đường, mọi người đều phải đặt lòng tham vàng dưới sự tôn kính”.
Song vẫn có những nhân vật hám lợi, tham lam mà ra sức tàn phá di sản, tiêu biểu như nhân vật ông Cửu Dật và Ta-Khốt. Ông Cửu Dật suốt đời theo đuổi giấc mộng tìm vàng mà tàn phá, đào xới tháp Chăm: “Nhiều pho tượng như thần Ga-nơ-xa đã bị ông chém cụt chiếc vòi voi và bẻ gãy bốn tay để đòi chất ngọc, tượng thần Xi-va bị ông bửa nát đế chân to lớn để hỏi chất vàng và những nàng vũ nữ Áp-xa-ra duyên dáng cũng bị ông khoét bụng để tìm châu báu”. Tàn nhẫn hơn, ông ra tay giết kẻ ăn mày Ta-Khốt để đoạt lấy hòn đá vì nghĩ rằng có vàng bên trong. Khi đập hòn đá ấy, ông phải trả giá đắt vì không thấy vàng đâu, nhưng một con mắt ông bị mù do mảnh đá vỡ văng vào. Cuối cùng, trong đêm mưa bão định mệnh làm đổ ngọn tháp Chăm, ông Cửu Dật vật vã bởi cơn mê sảng về những “oan hồn trỗi dậy gọi mình”, ông “giẫy giụa yếu ớt” rồi chết trong đớn đau, tuyệt vọng.
Cùng như ông Cửu Dật, đó là lão ăn mày tên Ta-Khốt. Ta-Khốt bị lòng tham và nhiều thứ cám dỗ như rượu chè, cờ bạc, phụ nữ... khiến y phải bỏ nhà đi trốn nợ. Ta-Khốt cùng em trai là Kha-Lai đi tìm kho báu trong các tháp Chăm cổ. Đến khu đền tháp ở Đồng Dương, họ đọc các mảnh vỡ của văn bia, có nội dung ghi những gì quý giá nhất nằm dưới giếng sâu và trên đỉnh tháp. Họ nghĩ vàng giấu trong đó.
Kha-Lai lặn xuống giếng cổ để tìm vàng nhưng không thấy, còn Ta-Khốt lại nghĩ người em tìm thấy vàng nhưng giấu đi, nên đã dìm chết Kha-Lai dưới giếng. Ta-Khốt leo lấy hòn đá to trên đỉnh tháp, khi hòn đá rơi xuống thì y cũng ngã theo, nằm thoi thóp trên vũng máu. Những kẻ ác nhân gặp nhau, Ta-Khốt bị ông Cửu Dật giết để chiếm hòn đá. Như vậy, những kẻ tham vàng, hám lợi đều chịu bi kịch với những cái chết đớn đau, khiếp đảm.
Di sản văn hóa kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm linh… của cha ông xây dựng nên. Đó là cơ sở để khẳng định nguồn gốc tổ tiên, bề dày văn hóa, bản sắc dân tộc. Như GS. Hà Văn Tấn đã cảnh báo “một dân tộc mất đi di tích lịch sử - văn hóa là một dân tộc đánh mất trí nhớ. Mà mất trí nhớ thì cũng gần như mất trí”(2). Vậy nhưng các nhân vật trong Vàng tháp Hời vì lòng tham, sự hám lợi mà góp phần làm di sản tháp Chăm cổ quý giá trở thành phế tích.
Điều này được nhà văn Vũ Hạnh khái quát đầy xót xa: “Bao nhiêu công trình trong các tháp xưa đã bị phá hủy bằng những bàn tay đói vàng. Ở đâu người ta cũng chỉ nhìn thấy tấm lòng trục lợi của mình. Hết cả nghệ thuật, hết cả sinh hoạt tinh thần, hết cả ý nghĩa lịch sử, mà chỉ toàn là lòng tham, toàn là thèm muốn, chỉ là giày xéo cho đổ vỡ, phá hoại cho tiêu điều”.
Thông điệp gìn giữ di sản văn hóa của cha ông được Vũ Hạnh gửi gắm từ năm 1961 (thời điểm ấn hành truyện ngắn), vậy nhưng ngày nay vẫn mang tính thời sự. Rất nhiều di sản, di tích ở Việt Nam trong tình trạng xuống cấp, hư hại do thiên nhiên, chiến tranh và con người tàn phá. Các nhà khảo cổ học ở Việt Nam xót xa khi thấy nhiều di tích, nhất là những tháp Chăm cổ phần lớn đã bị đào xới trước đó.
Di tích tháp Chăm ở làng Đồng Dương mà nhà văn Vũ Hạnh đề cập trong truyện ngắn, ngày nay đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương năm 2019. Theo các tài liệu, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II xây dựng từ năm 875, là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Song hiện nãy đã trở thành phế tích, chỉ còn lại cổng tháp Sáng đã xuống cấp nghiêm trọng, đang phải chống đỡ để gìn giữ hình hài. Tỉnh Quảng Nam hiện đã phê duyệt dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng với mức kinh phí 12 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia năm 2025 về “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Phật viện Đồng Dương” nhằm khẳng định giá trị và đề ra giải pháp bảo tồn, phát huy di sản.
Cảm hứng chủ đạo của truyện ngắn Vàng tháp Hời là bi kịch, đó là bi kịch về sự xuống cấp của đạo đức và sự đổ vỡ của ngôi tháp Chăm cổ. Đọc tác phẩm nhiều lần nhưng cảm xúc trong tôi luôn nghẹn ngào, xót xa, nuối tiếc những di sản quý báu của cha ông. Chuỗi những bi kịch với đầy máu và nước mắt trong truyện ngắn là tiếng nói đanh thép nhằm lên án, phê phán cái xấu, cái ác. Từ đó khơi gợi sự thanh lọc tâm hồn, đưa độc giả đến với tình cảm tốt đẹp, cao thượng. Thông điệp gìn giữ nhân phẩm và di sản văn hóa dân tộc của nhà văn Vũ Hạnh không chỉ có ý nghĩa hiện nay mà còn cho cả mai sau.
TS. VŨ ĐÌNH ANH
Giảng viên Học viện Chính trị khu vực III
(1) Các trích dẫn trong truyện ngắn được dẫn từ nguồn: Vũ Hạnh (1961), “Vàng tháp Hời”, Tạp chí Bách Khoa, số 97, ngày 15-1-1961, tr.187-216.
(2) Hà Văn Tấn (2003), “Bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (quý I- 2003), tr.4.