Mỗi lần về quê, vừa bước chân vào nhà, tôi đã ra ngay đầu ngõ ăn cho được tô cháo bột cá lóc và dĩa bánh bột lọc. Cái thứ bột dai dai, dẻo dẻo ấy lại gây nghiện cả người xa quê và người ở lại. Nó không còn là một món ăn mà là vị quê gây thương nhớ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Ăn thì dễ nhưng để làm ra thứ bột ấy là cả kỳ công. Bây giờ hỏi một người trẻ có khi chẳng ai biết bột được làm ra như thế nào nhưng thế hệ chúng tôi thì hầu như ai cũng từng trải qua ít nhất một đôi lần ngồi nhào bột, nặn bánh. Ngày xưa không biết vì đất đai cằn cỗi hay do đói kém mà người dân quê tôi thích trồng sắn. Dù đất bãi bồi hay đất đồi khô hạn, sắn vẫn lên xanh tốt. “Cấy lúa, lúa trổ ra năn/ Kẻ trộm gặt mất, con ăn bằng gì?/ Con ăn lộc sắn, lộc si/ Con ăn bằng gì cho đến tháng năm?”.
Lá sắn có thể cho gia súc ăn, còn củ sắn thì chế biến ra nhiều món ăn ngon. Trong vườn, nhà nào cũng trồng vài vồng sắn. Sau ba tháng là có thể thu hoạch củ. Nhà nào trồng nhiều thì đem ra tiệm xay xát, còn ít thì tự bào củ sắn bằng máy bào tự chế. Sau khi bào nhuyễn sẽ dùng bao vải trắng hoặc màn tuyn để lọc bột. Lớp bã nấu thức ăn cho heo, còn phần bột sẽ được phơi khô để dùng làm bánh.
Trước khi làm bánh bột lọc, bột được nhồi thật nhuyễn với một ít bột chín để tạo độ dẻo. Sau đó vắt thành viên nhỏ rồi độn nhân tôm, thịt, đậu phụng... vào bên trong và vắt thành tai bèo để trần hoặc gói trong lá chuối. Đó là lúc cả nhà từ lớn tới bé quây quần bên nhau, mỗi người góp một tay cho nhanh. Bánh bột lọc có thể làm bất kỳ thời gian nào nếu rảnh rỗi nhưng thích hợp nhất vẫn là vào mùa mưa. Khi cái lạnh bắt đầu tràn về, cả nhà ngồi quây quần trong căn bếp nhỏ ấm cúng, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Bánh bột lọc chậm tiêu nên ăn vào mùa mưa sẽ khiến no lâu và ấm bụng giữa mùa đói kém.
Tôi nhớ, mỗi lần luộc bánh bột lọc trần xong, mẹ tôi phi chút hành, bỏ ít gia vị, nước mắm đảo qua đảo lại cho dậy mùi thơm, rồi bỏ bánh bột lọc lên xào nhanh, sau đó xếp ra dĩa và rắc thêm chút ngò, hành lá, tiêu, ớt trái xắt nhỏ. Mùi thơm chẳng mấy chốc mà lan từ nhà này sang nhà khác và nghe cả tiếng nhà bên thốt lên “ôi, nhà o H. nấu chi mà thơm quá”. Lúc đó, mẹ tôi không quên bảo tôi mang sang cho hàng xóm một dĩa thật đầy và đẹp mắt, rồi sau đó về nhà mới được ăn. Món ăn dường như ngon hơn khi được sẻ chia với mọi người từ những thứ được làm ra từ cây nhà lá vườn.
2. Không chỉ làm bánh bột lọc, tinh bột sắn còn có thể nấu chè bột lọc khi bọc nhân đậu phụng rang hoặc cùi dừa, ăn vừa béo vừa bùi. Bột lọc còn được cán thành sợi nhỏ để nấu cháo bột hay còn gọi là cháo vạt giường, bánh canh. Nghe thì đơn giản nhưng để nấu cho đúng hương vị đặc trưng của quê nhà cũng lắm công phu. Cá lóc lọc lấy thịt, đem ướp gia vị cùng với củ nén um lên thơm nức mũi, phần xương đem giã nấu lấy nước dùng. Bột lọc nhào thành khối, cán mỏng, cắt sợi. Khi nước dùng được đun sôi thì cho bột vào nấu gần chín rồi mới bỏ thịt cá vào. Bánh canh nóng hổi múc ra tô, rắc thêm một nắm hành xắt mịn, khói bốc lên nghi ngút sẽ ăn ngon từ con bột trắng ngần cho tới miếng cá ngọt thơm. Đặc biệt, bánh canh cá lóc Hải Lăng nổi tiếng khắp vùng. Những ai có dịp đi qua ngã ba Hải Lăng cũng cố gắng dừng xe ghé lại, làm vài tô trước khi tiếp tục lên đường. Nói “vài tô” thì nghe giật mình, nhưng bánh canh cá mà nhất là ở Hải Lăng, đã ăn thì khó dứt.
Người Quảng Trị ăn bánh canh quanh năm, cũng như người Hà Nội ăn phở, người Quảng Nam ăn mì Quảng, người Huế ăn bún bò dù ngày mưa rét hay trời nắng chang chang. Có lẽ vì vị ngon ấy đã thấm vào ruột gan từ những ngày xưa cũ, nên hễ thiếu là không chịu nổi.
Khi xa quê, chẳng ai là không nhớ món bánh canh - cháo bột quê mình. Bột thì thơm, cá thì ngọt, nén thì cay, tiêu thì nồng. Bên cạnh khẩu vị đặc trưng thì món ăn này còn mang trong mình tính cách chịu thương chịu khó và mến khách của người dân nơi đây. Cứ mỗi lần về quê, tôi cũng như nhiều bạn bè xa quê ăn cơm thì ít mà lăn lê ăn bánh canh thì nhiều. Ăn cho đã thèm, bởi cái mùi cháo bột đặc trưng không đâu lẫn được. Mùi củi lửa, mùi bột lọc dẻo thơm, mùi hành nén, vị tiêu xanh cay nồng chan chút ớt ngâm nước mắm thơm lừng hương vị quê hương.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG