Vui buồn phóng viên thể thao

.

Gần 40 năm gắn bó với nghề báo, tôi có hơn 35 năm đồng hành mảng thể thao. Có lẽ, đó là một sự “chọn lọc tự nhiên” mà theo nhiều người là “nghề chọn người”. Với những người làm báo thể thao như chúng tôi lại coi đó như là “nghiệp". Bởi khi bước vào nghề và nhất là ở một tờ báo Đảng địa phương, không ai xác định cho mình việc theo dõi một ngành cụ thể, mà phải dựa trên quy chế hoạt động của cơ quan…

 Tác giả trả lời phỏng vấn VTV tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc năm 2010, tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: A.V
Tác giả trả lời phỏng vấn VTV tại Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc năm 2010, tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: A.V

Giữ lửa với nghề

Trước năm 1989, sau thời gian thường trú ở huyện miền núi Phước Sơn, tôi được tiếp nhận về tờ Quảng Nam - Đà Nẵng Chủ nhật. Biên chế của ấn phẩm này chỉ có 3 phóng viên - cùng với các anh Nguyễn Trung Dân, Nguyễn Đình Xê - nên chúng tôi phải đảm trách rất nhiều mảng. Đến năm 1989, tôi xin chuyển công tác và được Báo Thể thao Việt Nam tiếp nhận. Lúc bấy giờ, đây là một tờ báo chuyên ngành quy tụ rất nhiều nhà báo giỏi như Vũ Mạnh Hải, Đỗ Hóa, Nguyễn Quốc Hùng, Phan Sang… Cũng thời gian này, tôi được gặp và cộng tác các nhà báo kỳ cựu, ở các tờ báo Thể thao Long An, Bóng đá Ấp Bắc, Bóng đá Đồng Tháp, Thế giới thể thao Long An, Sài Gòn Giải phóng Thể thao...

Sau này, tôi còn có cơ hội cộng tác cho chuyên mục thể thao của các Báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Người Lao động hay Báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bóng đá. Học hỏi kinh nghiệm từ những người thầy, người anh trong nghề, tôi không ngừng nỗ lực với mong muốn mang lại cho bạn đọc những tin, bài, ảnh tốt nhất có thể.

Đến năm 1993, tôi được trở về “ngôi nhà cũ” Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, khi các anh Ngô Quy Nhơn và Đỗ Kỳ ngỏ lời. Vui vì được làm việc trong lĩnh vực yêu thích, đam mê và có nhiều “đất diễn” song so với đồng nghiệp ở những tờ báo chuyên ngành hoặc những tờ báo ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ trong các cơ hội tiếp cận thông tin mà cả trong quá trình tác nghiệp bình thường. Bởi, ngoài những tờ báo chuyên ngành thể dục, thể thao, hầu hết những tờ báo có số lượng phát hành lớn đều hình thành các ban hoặc tổ phóng viên thể thao.

Trong khi đó, tờ báo Đảng địa phương chỉ có một phóng viên duy nhất phụ trách; thậm chí, là phóng viên… kiêm nhiệm, như tôi từng trải qua, hơn 20 năm trong nghề! Càng khó khăn hơn bởi một phóng viên thể thao phải am hiểu rất nhiều môn, từ bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, tennis, điền kinh, bơi lội, bóng rổ cho tới các môn võ, cờ… Không chỉ vậy, thời điểm đó tôi phải làm nhiệm vụ của một phóng viên ảnh lẫn một phóng viên viết.

Bên cạnh đó, do cơ chế và điều kiện khó khăn chung nên hầu hết phóng viên đều không được đầu tư phương tiện tác nghiệp hoặc nếu có thì chỉ được đầu tư ở mức tối thiểu. Nhưng để có được những sản phẩm báo chí tốt nhất có thể, mỗi phóng viên phải tự dành dụm hay tạm ứng trừ dần qua lương để trang bị cho mình những thiết bị tốt nhất, tùy điều kiện của từng người. Và dù rất tiết kiệm song mỗi phóng viên ảnh cũng tốn xấp xỉ gần trăm triệu đồng để có bộ “đồ nghề” đủ đáp ứng yêu cầu công việc.

Tác giả (hàng ngồi, thứ ba bên phải sang) trong một trận giao hữu bóng đá những người làm báo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1993 tại Sân vận động Chi Lăng. Ảnh: T.T
Tác giả (hàng ngồi, thứ ba bên phải sang) trong một trận giao hữu bóng đá những người làm báo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1993 tại Sân vận động Chi Lăng. Ảnh: T.T

… Tìm nguồn vui giữa cái khó!

Trở về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia và Báo Đà Nẵng sau này, không chỉ theo dõi các giải đấu thế giới, châu lục, khu vực như World Cup, Olympic, EURO, SEA Games, AFF Cúp, tôi vẫn đảm trách thông tin các giải thể thao địa phương - từ cấp quận, huyện cho tới các giải thành phố - lẫn các giải đấu vô địch quốc gia thường niên. Những năm sau này, Đà Nẵng còn là địa phương được tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế như Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng (DNIM), Cuộc thi Ironman 70.3 Đà Nẵng - Việt Nam hay từng một lần tổ chức Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016). Đồng thời, Báo Đà Nẵng còn tổ chức các giải Việt dã và Chạy vũ trang truyền thống, từ năm 1997 tới nay, cũng như giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng, từ năm 2012 tới năm 2019.

Trước, trong và sau mỗi sự kiện diễn ra ở thành phố, tôi phải lập kế hoạch tuyên truyền và triển khai thực hiện, có khi kéo dài đến cả tháng. Như sự kiện Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5-2016). Một trong những khó khăn nhất là việc lập kế hoạch tuyên truyền World Cup hoặc EURO khi phải tẩn mẩn chuyển giờ của quốc gia đăng cai thành giờ Việt Nam, đồng nghĩa với việc chuyển cả ngày thi đấu. Để sau đó, tính toán thời điểm xuất bản để phân công công việc cho các cộng tác viên lẫn phóng viên thực hiện tin, bài đúng kế hoạch!

Nhưng sau tất cả cực nhọc ấy, mỗi ngày, chúng tôi - những phóng viên thể thao - lại tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi đã mang lại cho bạn đọc “món ăn tinh thần” cần thiết, với tất cả sự nhiệt tình cùng tinh thần trách nhiệm lớn nhất. Với cá nhân mình, tôi cũng phần nào tự hào trong việc góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế, và hơn thế nữa, tôi còn may mắn khi trở thành một trong những “chứng nhân” ở 4 lần đội bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng vào chung kết giải Vô địch quốc gia, với 3 lần giành ngôi Á quân cùng 1 danh hiệu Vô địch (1992), 1 lần đoạt Cúp Quốc gia 1993. Sau đó, còn 1 lần được chứng kiến CLB Bóng đá Đà Nẵng giành Cúp Vô địch Đại hội Thể dục - Thể thao 2016. Rồi còn rất nhiều thành công khác của Thể thao Đà Nẵng như danh hiệu Vô địch của đội Bóng rổ Danang Dragon, CLB SHB Đà Nẵng đăng quang tại V-League 2009… mà bản thân tôi được song hành.

Nhớ lại những lần tổ chức giải Việt dã và Chạy vũ trang truyền thống của Báo cũng như những năm cơ quan tổ chức giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng, không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, mỗi đêm trước ngày khai mạc giải, cùng các anh lãnh đạo Trung tâm Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa & Thể thao thành phố), tôi lặn lội khảo sát lộ trình đường đua, kiểm tra lại khu vực khán đài cùng các khâu chuẩn bị cho ngày khai mạc.

Trong giai đoạn giải tổ chức tại khu vực Công viên Biển Đông, thời tiết tháng 12 luôn là mối đe dọa khi có năm, những cơn gió mạnh từ biển thổi lên khiến khu vực khán đài suýt sập, buộc Trung tâm Thể dục - Thể thao phải thay đổi thiết kế ngay trong đêm để kịp cho lễ khai mạc vào sáng hôm sau. Sau này, khi là thành viên ban tổ chức Giải Việt dã và Chạy vũ trang truyền thống, cũng như giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng, ngoài nhiệm vụ tác nghiệp, tôi còn được Ban Biên tập giao nhiệm vụ tham gia vào các công tác chuyên môn, vốn do ngành thể dục, thể thao đảm trách. Trong đó, có cả việc xây dựng điều lệ giải, giải quyết các sự cố xảy ra trong tiến trình thi đấu giải…

Vất vả nhiều nhưng ngay khi giải kết thúc thành công, tôi luôn nỗ lực hoàn thành nội dung, hình ảnh… kịp thời. Bảo đảm tin bài chất lượng xuất bản trên Đà Nẵng Online cũng như số báo in ngày mai.

Kỷ niệm khó quên của tôi là hai lần được anh Nguyễn Đình Vĩnh - lúc đó đang là Tổng Biên tập - chia sẻ niềm vui khi thành phố khen thưởng các nhà báo tuyên truyền cho sự kiện Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016. Một lần khác, anh hỏi tôi: “Hầu như ngày nào anh cũng phải viết cho chuyên mục thể thao phải không?”. Và khi biết điều đó, anh đồng cảm: “Ừ, để có bài thường xuyên như vậy, cũng khó khăn, vất vả rồi nên quá khó để đòi hỏi cao hơn!”.

Với tôi, những lời động viên, chia sẻ như vậy rất cần thiết và vô cùng đáng quý. Nhưng thôi thì, cũng như con tằm vậy, bản thân tôi đã “rút ruột nhả tơ”, chỉ với mong ước góp phần nhỏ nhoi để làm cuộc sống sinh động hơn mỗi ngày…

GIA LINH

;
;
.
.
.
.
.