Trong buổi báo cáo tốt nghiệp, tôi xúc động trước dòng chữ một sinh viên dành cho bản thân: “Cảm ơn mình vì đã luôn mạnh mẽ, kiên trì và không bỏ cuộc”. Con người, theo bản năng xã hội, thường có xu hướng bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác - thầy cô, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả những người xa lạ. Thật hiếm khi trong cuộc sống, chúng ta dừng lại để biết ơn chính mình, dù đã vượt bao thử thách.
Mỗi người đều đối mặt với những trận chiến thầm lặng: niềm lo về gia đình, nỗi mệt nhoài của công việc, áp lực từ xã hội, hoặc cả sự bất an… Bản thân ta, dù không hoàn hảo, vẫn là anh hùng trong câu chuyện đời mình. Cựu đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ Michelle Obama từng đề cập: “Là một phụ nữ, chúng ta hãy đầu tư thời gian để tìm hiểu và yêu thương chính mình”.
Trong tự truyện Be coming, bà nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm, lắng nghe nhu cầu cá nhân cũng như ghi nhận những đóng góp của mình. Công tước phu nhân xứ Sussex Meghan Markle cũng từng chia sẻ: “Chúng ta chỉ cần tử tế hơn với bản thân. Nếu ta đối xử với chính mình như cách ta vẫn thường làm với bạn thân, bạn có thể tưởng tượng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn biết bao nhiêu không?”.
Nhưng việc tự biết ơn không phải là điều dễ dàng khi xã hội đề cao sự khiêm nhường. Hành động tự khen ngợi thường bị nhìn nhận như một biểu hiện của sự kiêu ngạo, trong khi cảm ơn người khác là đáng quý. Điều này tạo ra tâm lý phổ biến: luôn ghi nhận người khác nhưng hiếm khi trân trọng bản thân. Vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles là minh chứng tiêu biểu. Tại Olympic Tokyo 2020, quyết định rút lui khỏi một số phần thi để chăm sóc sức khỏe tinh thần của cô đã vấp nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, Simone đã mạnh dạn bảo vệ quyết định của mình, cảm ơn bản thân vì dám ưu tiên sức khỏe trước áp lực thành tích.
Tại chương trình truyền hình thực tế mới đây, một nữ ca sĩ tâm sự từng không thích bản thân trong thời gian dài; thậm chí còn muốn xóa đi chính mình của phiên bản cũ để “xây mới”. Sau đó, cô mới dần học cách yêu thương mình của ngày xưa.
Tình cờ, ngay hôm sau, ở chương trình khác, ca khúc “Khóc” do Lyly và Orange thể hiện có đoạn: “Nên em phải thương lấy em, em biết không/ Không được bỏ rơi chính mình, em biết không/ Em nhớ phải thương lấy em, em biết không…”. Dường như, đây là vấn đề chung của nhiều người. Tâm lý học cũng đã gọi tên trạng thái này là “hội chứng ghét bản than” (self-loathing) - một trạng thái tâm lý mà trong đó người ta tự tạo ra những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác căm ghét chính mình.
Do đó, việc cảm ơn bản thân mang lại nhiều lợi ích không chỉ tinh thần mà còn cả cuộc sống hằng ngày. Khi dừng lại để nhìn nhận và trân trọng những gì đã trải qua, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin hơn, giảm bớt áp lực phải hoàn hảo và từ đó khoan dung với chính mình. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống lành mạnh mà còn góp phần cải thiện các mối quan hệ cá nhân.
Một nghiên cứu từ Đại học California (Berkeley) do giáo sư Robert Emmons - nhà tâm lý học nổi tiếng - dẫn dắt đã chỉ ra rằng những người thường xuyên thực hành lòng biết ơn, bao gồm cả việc biết ơn bản thân, có xu hướng ít bị căng thẳng, có khả năng đối phó với thử thách tốt và sống hạnh phúc hơn. Thực tế, những người biết cách tự trân trọng không chỉ dễ dàng đạt được thành công mà còn duy trì được trạng thái cân bằng trong cuộc sống.
Việc cảm ơn bản thân không chỉ là lời nói sáo rỗng mà nên là các hành động cụ thể, như: chăm sóc sức khỏe, dành thời gian cho sở thích cá nhân, hoặc đơn giản là lắng nghe cảm xúc của mình thay vì luôn dồn nén… “Nữ hoàng truyền hình Mỹ” Oprah Winfrey thường nhắc đến việc viết nhật ký biết ơn hằng ngày. Cô khuyến khích mọi người ghi lại những điều khiến họ cảm thấy biết ơn, từ những điều lớn lao đến những điều nhỏ bé. Việc này giúp cô duy trì sự cân bằng trong cuộc sống bận rộn và luôn nhìn thấy những mặt tích cực để vượt qua các thử thách bằng cái nhìn lạc quan.
Cảm ơn bản thân không phải là điều dễ dàng nhưng là hành trình đầy ý nghĩa. Ngày hôm nay của bạn thế nào? Bạn đã cảm ơn bản thân chưa?!
MỘC TRÀ