Bông nở ở đâu… Bông nở trên cành… Rực vàng ngày Tết… Giữa trời xanh xanh… - Tiếng tụi con nít trong xóm rộn ràng vang khắp con đường gập ghềnh.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Âm thanh vui tươi như cơn gió mát hong khô mồ hôi cho những chuyến hàng vất vả nhẹ bớt gánh lo. Nghe khúc đồng dao, lòng thấy nôn nao như đang sẵn những nụ bông. Gần Tết rồi mà, ai cũng tranh thủ kiếm thêm. Có người nhận thêm việc, có người tăng ca, có người tính chuyện bán buôn chi đó. Thời gian dành hết để mưu sinh, đâu có rảnh coi sóc chuyện con cái. Nhưng xóm này ai cũng chăm lo làm việc, an tâm đám con nít sẽ ngoan ngoãn.
Không phải tụi nhỏ ngoan sẵn đâu, ban đầu chúng cũng hư có tiếng. Không đi học, mấy đứa nhỏ rong chơi cả ngày. Tụi nó rảnh rỗi sinh hư, bày đủ trò phá làng phá xóm. Nhưng mọi chuyện đã khác đi khi có ông thầy xuất hiện. Gọi là ông thầy vì ông lớn tuổi lắm rồi. Ông thầy mở lớp dạy học miễn phí cho tụi nhỏ, còn dạy tụi nó biết làm việc phụ gia đình. Nhờ vậy người lớn mới yên lòng chuẩn bị cho những ngày Tết đã tới thật gần. Cả xóm mang ơn ông thầy.
Ông thầy có cách dạy học lạ lắm. Ông dạy bằng thơ, bằng nhạc. Cái bài đồng dao đám con nít đang ca tưng bừng cũng là do ông dạy. Tụi nhỏ khoái lắm. Có đứa kêu học như vầy vui, con chữ ngọt ngào như kẹo ngon nuốt vô bụng dễ ợt. Học tới đâu thuộc lòng tới đó, nhớ hoài nhớ hoài.
Có điều, ông thầy bí mật lắm. Không ai biết ông từ đâu tới, gia đình còn những ai. Chỉ thấy ông thui thủi mình trong căn nhà nhỏ cuối xóm, giữa khu vườn um tùm cành lá…
- Thưa ông thầy tụi con mới qua! - Miên dắt thằng em qua phụ ông thầy.
Thấy hai đứa nhỏ khệ nệ bưng mấy chậu cây, ông thầy ngồi dậy đỡ phụ. Cẩn thận để xuống, ông chỉ hai đứa chỗ trồng:
- Đó đó, hai đứa đem trồng vô đó cho ông!
Miên và em dạ ran. Chợt, đứa nhỏ ngẩng lên hỏi ông:
- Sao sắp Tết rồi mà ông thầy hổng trồng vạn thọ hay cúc cho đẹp? Trồng mấy cái cây này đâu có bông đẹp đâu.
Miên tức thằng em quá. Ở nhà đã dặn kỹ qua nhà ông thầy không được hỏi tùm lum, ba má nói hỏi kỳ cục sợ ông thầy buồn. Nhìn mặt ông lúc nào cũng như giấu đầy tâm sự trong lòng. Nhiều tới mức người ông khô ran, tưởng như bức tượng tạc từ loại đá mang tên nỗi buồn. Nhưng ông thầy không giận đứa nhỏ, ông cười xòa, xoa xoa đầu nó:
- Ông ưu tiên trồng mấy loại cây này trước. Bông Tết cả xóm đều trồng rồi, mấy cái cây này ít ai trồng. Có gì ông ngắm ké bông của mọi người cũng được mà con.
- Dạ, ông thầy qua nhà con nha, nhà con đầy bông vạn thọ tha hồ ngắm luôn! - Miên nhanh nhẹn nói.
- Qua nhà em chớ, qua nhà em có cây mai bự ơi là bự luôn! – Thằng nhỏ vội vã giành phần.
- Tính ra hai đứa mình chung một nhà luôn đó - Miên thở dài - Em khờ quá trời.
Thấy hai đứa nhỏ cự cãi, ông thầy bất chợt mỉm cười. Con nít lúc nào cũng đầy năng lượng. Sực nhớ trong nhà có mấy cái bánh, ông bước vô lấy ra cho tụi nhỏ ăn. Những bước chân ông rải đều nơi căn nhà vắng lặng. Căn nhà mà bấy lâu ông vẫn chưa quen được. Cũng đã một năm rồi.
Tìm được chỗ để bánh, ông bắt ánh sáng lóe lên trong kẹt tủ. Nắng chiếu từ chỗ hở trên mái nhà xuống, chạm phải thứ gì như thủy tinh hắt ngược lại. Ông thò tay vào, cẩn thận rút ra một khung hình phủ bụi. Chà, sao bấy lâu nay ông không để ý chỗ này.
Ông phủi sạch bụi, nghiêng đầu ngắm nghía. Hình chụp một thanh niên trẻ trung trong bộ vest lịch sự. Anh ta choàng tay ôm cô vợ trẻ mặc váy cưới trắng. Nhìn hai người cười hạnh phúc lắm. Chắc chụp cũng lâu rồi. Khoảng đâu đó năm, sáu năm không chừng…
- Ông thầy ơi, tối nay có học không ạ? - Nghe tiếng Miên réo rắt, ông đặt nhanh khung hình xuống, chụp lấy hai cái bánh quày trở ra vườn.
- Có chớ con. Đứa nào vắng là cuối tuần không có kẹo đâu nhe. – Ông mỉm cười, đặt bánh vào tay từng đứa.
- Dạ con cảm ơn. Hai đứa nhỏ mừng húm, ngấu nghiến ăn.
- Mà… hai đứa có biết gì về chủ trước của ngôi nhà này không? - Ông thầy thả người ngồi xuống bậc thềm nhìn hai đứa trẻ bằng ánh mắt trìu mến.
- Dạ biết… chớ… ! - Miên trả lời với cái miệng đầy bánh - Má con kể hoài hà!
- Má con nói sao? - Ông thầy hỏi dồn, đầy quan tâm.
- Má nói chủ nhà trước thấy ghét lắm. Cả xóm ai cũng ghét - Miên chu chu mỏ, cố nhớ lại. Rồi như không ngừng chuyện ăn lại được, nó há miệng đớp gọn miếng bánh còn lại - Ông thầy… đợi con… ăn xong rồi kể ông nghe!
Căn nhà ông thầy ở hồi trước thuộc về một cặp vợ chồng trẻ. Họ từ đâu tới không ai biết, nhanh chóng mua đất, cất nhà. Vợ ở nhà mở tiệm may nhỏ, chồng đi làm đâu ngoài thị trấn, nghe nói lương khá lắm.
Ban đầu thấy hai vợ chồng chịu khó làm lụng, xóm giềng cũng thương. Nghe nói anh chồng có học thức, mọi người càng mừng. Xóm này nghèo, có bao nhiêu người học hành tới nơi tới chốn đâu. Được một người học cao mừng lắm chứ.
Dường như để đáp lại tình cảm xóm làng, anh chồng kiếm được một mớ đồ giá rẻ trên thị trấn về bán cho mọi người. Đồ xài êm lắm, toàn những loại mắc tiền mà bình thường người xóm này không ai dám rớ vô. Sao rớ nổi, ngoài chợ giá gấp năm sáu lần. Có người cũng chột dạ, hỏi dò sao giá tốt vậy. Anh chồng lúc đó giải thích liền, nhìn anh cười hiền lành lắm, đáng tin lắm:
- Con lấy hàng thẳng từ kho sỉ nên mới có giá đó. Nếu mà mọi người hùn với con làm thẻ thành viên thì từ nay về sau mua món gì cũng rẻ, còn được khuyến mãi thêm nữa…
Nghe chuyện đó, người trong xóm khấp khởi mừng. Không mừng sao được, có nhiều món mơ cũng không có. Mơ cái tivi cho mấy đứa nhỏ coi hoạt hình, cho bà má coi cải lương. Mơ cái tủ lạnh thần kỳ, giữ đồ ăn cả tuần không hư. Mơ cái lò nướng gì đó, làm đồ ăn vừa ngon vừa tiện.
- Có… có bán xe lăn giá rẻ không anh ơi? - Thằng Tư giơ tay rụt rè hỏi. Tư bị tật từ nhỏ, chống nạng đi rất khó, mơ có cái xe lăn đi bán vé số.
- Có luôn! Xe máy cũng có nói gì xe lăn! - Anh chồng khẳng định chắc nịch. Cả xóm vỗ tay hoan hô.
Vậy là có bao nhiêu tiền mọi người đều dốc túi đưa cho anh hết. Ai cũng muốn có cái thẻ thành viên để sau này đỡ khổ. Ai cũng mơ ngày có món này, món kia. Mọi người cảm ơn anh chồng rối rít. Anh như cứu tinh của xóm này, mang tới cho họ những điều trong mơ.
Rồi anh biến mất. Đột nhiên biến mất không tung tích gì. Ôm trọn số tiền tích cóp của cả xóm, lặn vào thinh không. Mọi người nhìn theo anh, tiếc nuối như vuột mất con cá lớn. Con cá mà họ từng yêu quý, từng đặt biết bao kỳ vọng.
Ngôi nhà để bảng cho mướn, người ta mới hay anh có mua đất hồi nào đâu. Chỉ mướn lại rồi xây tạm căn nhà, có lẽ là bước đầu cho kế hoạch lấy lòng tin của mọi người…
- Trời ơi… - Nghe hết câu chuyện, ông thầy ôm lấy mặt.
Miên và em không hiểu chuyện gì xảy ra. Tụi nhỏ nghĩ chắc ông thầy thương cho mọi người trong xóm và ghét cặp vợ chồng kia. Tụi nó đâu hay chỉ đoán đúng một phần, ông thương mọi người nhưng ông không ghét cặp vợ chồng ấy. Ông giận chính mình nhiều hơn.
Trời về chiều, tụi nhỏ xin phép ra về để còn chuẩn bị tối đi học. Ông thầy gật đầu, tiễn tụi nhỏ rồi trở vô nhà, leo lên giường nằm nghỉ. Ông thấy mệt trong người. Những ký ức ùa về, nghe như tiếng mưa. Mỗi ký ức là một hạt mưa. Mưa thật. Mưa rào rào như muốn tắt đi mọi âm thanh, chỉ còn tiếng của quá khứ tuôn rơi từng đợt ầm ĩ.
- Bông nở ở đâu… Bông nở trên cành… Rực vàng ngày Tết… Giữa trời xanh xanh… - Vừa phụ ông thầy tưới vườn cây, đám con nít vừa hát hò ầm ĩ.
- Ông thầy ơi, bông mai có mọc trên cây này không ông? - Một đứa chỉ vô đám cây bụi thấp lùn hỏi.
Ông chưa kịp trả lời đã có đứa đáp liền:
- Mày khờ quá nhe, bông mai nở trên cành mai sao nở trên cành cây này được!
- Nhà ông thầy hổng có cây mai đâu! - Đứa khác nói thêm.
- Thôi thôi! - Ông thầy bật cười, xua tay ngăn cuộc tranh cãi nhí nhố - Chứ ông đố mấy đứa, bông không nở trên cành thì nở ở đâu nữa nè?
Câu hỏi thành công khiến đám con nít chìm vào im lặng. Đứa nào đứa nấy ôm lấy đầu, nhăn nhó suy nghĩ. Nhiều câu trả lời đưa ra đều trật lất. Có đứa lém lỉnh nói bông giả nở ở đâu cũng được, ông thầy gật gù coi như gần đúng đi.
- Vậy bông còn nở ở đâu nữa hả ông? - Cả đám nhao nhao hỏi.
- Bông nở trên mặt người là nụ cười đó con. - Ông thầy từ tốn nói - Bông nở trong lòng là hạnh phúc. Tụi con cũng là bông, bông của ba mẹ mấy đứa gieo trồng.
- Ông thầy nói hay ghê… - Một đứa gật gù rồi cắc cớ nói - Nhưng mà tụi con hổng hiểu gì hết trơn!
- Ờ, lớn lên tụi con sẽ hiểu thôi! - Ông thầy cười ha hả -Thôi vô nhà, ông chia kẹo cho nè!
Nghe tới kẹo, mắt tụi nhỏ sáng bừng, chạy vội đi rửa tay nhận kẹo.
Lớp học của ông thầy dạo này vắng dần. Ông biết lý do tại sao. Có lẽ bí mật đã lộ ra rồi. Rằng người đã lừa tiền mọi người trong xóm không ai khác là con trai ông.
Ông chẳng thể trách ai. Ngày đó, nếu ông không nuông chiều, có lẽ con ông đã không sinh tật. Nó gom hết tiền bạc trong nhà bỏ đi. Ông đâu biết nó làm chuyện tày trời như vậy.
Ông bán hết đất đai nhà cửa còn lại, lên đường tìm con. Tìm hoài cũng không thấy gì. Mãi tới đây, có chút hy vọng thì đứt dấu. Ông đành dùng số tiền còn lại mua căn nhà cũ con từng ở làm nơi sinh sống. Ông dạy học, làm vườn cây, hy vọng thay con bù đắp cho mọi người.
- Ông thầy ơi, cứu má con! - Miên hớt hải chạy qua, theo chân nó là thằng em đang khóc như mưa.
Biết có chuyện không lành, ông nhổm dậy, quơ túi đồ chạy đi liền. Ông nhắm thẳng tới nhà Miên mà chạy, trước cả hai đứa nhỏ.
Má Miên nằm giữa nhà, mặt tái xanh. Ông lập tức bắt mạch. Rồi ông thở phào, không sao không sao. Dìu má Miên lên giường nằm nghỉ, ông kêu Miên lại dặn dò:
- Má con chỉ bị suy nhược thôi. Chắc lo làm lụng quá. Lát theo ông qua nhà, ông hốt mấy gói thuốc về nấu cho má uống nhe con.
Sau vụ đó, xóm mới hay khu vườn xanh um của ông thầy là vườn thuốc Nam đầy thảo dược quý. Tưởng là cây cỏ trồng chơi, ai ngờ thuốc hay trị đủ thứ bệnh. Ông thầy đã tính trước, xóm này xa bệnh viện, có vườn thuốc sẽ đỡ vất vả cho mọi người.
Ông thầy không lấy tiền thuốc. Ai trả gì ông nhận nấy, khi nải chuối, lúc mấy trái cà, khi mớ trứng vịt. Ông chỉ dặn mọi người trồng thêm cây thuốc, để khi cần có mà dùng. Nhờ vậy vườn thuốc của ông mở rộng ra, lan cả những nhà bên cạnh.
Có lần, má Miên qua lấy thuốc, mắt bà bối rối nhìn ông thầy rất lâu. Mãi, bà mới dám cất tiếng:
- Ông thầy đừng giận mọi người nhen… Đợt trước biết chuyện, mọi người chưa quên buồn cũ nên mới không cho con cái tới học…
- Giận gì cô ơi! - Ông cười ngậm ngùi - Tội nó làm tui không biết trả sao cho dứt, giờ mọi người còn giận tui với nó nhiều không cô?
- Giận gì thầy ơi! - Má Miên cười tỉnh queo - Bỏ qua hết rồi. Xóm này mang ơn ông thầy còn không hết, giận hờn gì nổi nữa. Đừng nghĩ mấy lời thầy dạy chỉ con nít mới thấm nhe, người lớn cũng học đó. Gì mà bỏ hận thù đi, tha thứ lòng mới nhẹ nhàng sống được…
Nghe tới đó, ông thầy rơi nước mắt.
Tết tới, xóm ngập tràn sắc bông đua nở. Chỉ có khu vườn của ông thầy vẫn xanh ngăn ngắt. Vậy mà chỉ sau một đêm, cả khu vườn sáng rực sắc vàng, sắc đỏ. Thì ra đám con nít rủ nhau cắt giấy màu, len lén dán lên khắp vườn để ông thầy có bông ngắm mấy ngày xuân.
Người lớn lủ khủ đem qua nào bánh, nào mứt, nào thịt kho… cho ông thầy ăn Tết. Ai cũng lo ông bận phơi thuốc, cắt thuốc mà quên xuân. Xóm tuy nghèo nhưng vun vén được, mỗi người một tay không lẽ chẳng lo Tết được cho ông cụ năm mươi.
Cả xóm còn bí mật chuẩn bị cho ông thầy một món quà bất ngờ. Mọi người giao cho má Miên đưa đến cho ông. Buổi sáng hôm đó, má Miên đem quà đến gọi ông thầy thức dậy.
Nhìn những bóng người trước nhà, ông thầy tưởng có người đến cắt thuốc. Rồi ông chợt nhận ra những đường nét quen thuộc. Ông như thấy bông nở trước mặt mình. Ông thầy lao tới, ôm chầm lấy người đàn ông xác xơ trước mặt.
- Con… con ơi… - Ông gọi giữa những tiếng nấc. Nhưng nhớ ra má Miên, nhớ ra mọi người, ông quay qua nhìn, ánh mắt rối bời như một đứa trẻ.
- Mọi người đi tìm vợ chồng nó về cho ông thầy. Thấy tụi nó hối lỗi rồi mới dẫn về đây đó chớ. Ông thầy yên tâm ăn Tết với gia đình rồi nghen! - Má Miên nói nói, cười cười, vui như Tết.
Tụi con nít không biết được ai sửa lời cho bài đồng dao mới, hớn hở hát mừng như bầy chim én gọi xuân:
- Bông nở ở đâu… Bông nở trong lòng… Thứ tha đón Tết… Mặt ai cũng hồng…
PHÁT DƯƠNG