CHÀO 2025

Từ lối sống văn minh đến cư dân thông minh

.

Năm 2025, vừa đúng 20 năm đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị trên địa bàn thành phố được ban hành. Với đề án này, chúng ta mong muốn xây dựng mô hình thành phố phát triển bền vững, người dân có việc làm, có nhà ở, hình thành được lối sống văn minh của một đô thị đang trên đường phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập. Ở thời điểm đó, đề án đề ra mục tiêu về xây dựng các hành vi ứng xử văn hóa - văn minh trở thành nếp sống của nhân dân thành phố.

Cầu Rồng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị thành phố.Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ
Cầu Rồng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị thành phố.Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ

Sau 20 năm nhìn lại, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tiếp tục giải quyết, nhưng ý thức thị dân, lối sống văn minh đô thị đã dần thành nếp trong cộng đồng cư dân. Thành phố đã và đang ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp; giao thông trên địa bàn ngày càng thuận lợi; môi trường sống và đầu tư, kinh doanh ngày càng an toàn và trật tự; ý thức chấp hành pháp luật của người dân và cán bộ, công chức dần được nâng lên, nhất là trong ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng, nơi công sở; đồng thời tuân thủ các quy định của Nhà nước trong xây dựng, chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường...

Từ việc đặt vấn đề xây dựng và hình thành lối sống văn minh đô thị ban đầu như trên, đến nay, trong bối cảnh phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, với những nỗ lực và những thành tựu mà thành phố đã đạt được liên tục trong nhiều năm qua nhằm đưa Đà Nẵng phát triển bứt phá theo xu thế hiện đại, thành phố tiếp tục triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Có thể coi đây như bước phát triển về chất của một đô thị văn minh hiện đại, một đô thị áp dụng công nghệ cao trong quản lý, có sự liên kết giữa các hệ thống thông tin với nhau, đồng bộ trong quy hoạch kết cấu hạ tầng và hệ thống quản lý, tập trung tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng cũng đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo mọi điều kiện để người dân được học tập và phát huy khả năng sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể khẳng định, những tiêu chí của thành phố thông minh, cư dân thông minh cũng không ra ngoài quỹ đạo của lối sống văn minh đô thị, nhưng được đặt trên một nền tảng mới, tầm mức mới. Trước đây chúng ta đặt mạnh vấn đề trình độ dân trí, nâng cao vốn học vấn, vấn đề ứng xử văn hóa, nay, chúng ta nhấn mạnh hơn vai trò của một công dân số trong lối sống văn minh của một cư dân thông minh. Đó là sự tiếp nối, phát triển, nâng cao. Công dân có lối sống văn hóa, văn minh đô thị cũng đồng thời là - và phải là - những công dân thông minh, và ngược lại. Đây là mục tiêu phấn đấu rất có ý nghĩa và rất cần thiết đối với mọi người dân đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố. 

Suy cho cùng thì cư dân đô thị thông minh cũng đã mang trong mình lối sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, hơn thế, lối sống văn minh của cư dân trong một thành phố thông minh còn mang một tầm tri thức mới. Nói “tầm tri thức” nghe có vẻ to tát, nhưng thực chất tri thức của công dân thông minh cũng không phải điều gì quá cao siêu. Tất nhiên trong các lớp cư dân thành phố thông minh cũng có những trí thức bậc cao, những nhà khoa học, những chuyên gia, chuyên viên trên các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Nhưng với cư dân đại trà, thì người có tri thức trong lối sống văn minh đô thị, đó chính là kỹ năng sống trong bối cảnh chuyển đổi số.

Những tiêu chí của công dân thông minh đã nói rõ điều đó. Đây cũng có thể coi là đỉnh cao của lối sống văn minh đô thị trong thời đại 4.0. Một người dân bình thường nhưng có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin ở mức độ phổ thông, có kỹ năng giao tiếp trên mạng, ứng xử đúng đạo lý, đúng luật pháp trong đời thực cũng như trên không gian mạng... đó cũng chính là người có tri thức đáp ứng với yêu cầu của cư dân thành phố thông minh.

Một bộ phận người dân chưa có ý thức cộng đồng, chưa có lối sống văn hóa văn minh đô thị, những người có hành vi phi văn hóa, phản văn hóa theo những quy phạm được nêu trong các đề án về văn minh đô thị trước đây, nay trong bối cảnh thành phố thông minh, càng cần nhận thức sâu hơn về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong môi trường số. Mục đích cuối cùng của chúng ta là phấn đấu nâng tầm vóc văn hóa của cộng đồng trong thời đại chuyển đổi số trên nền tảng của truyền thống văn hóa vốn đã được xây dựng, bồi đắp và phát triển qua nhiều thế hệ.

Khi đặt vấn đề xây dựng cộng đồng cư dân thông minh, chúng ta vẫn đồng thời chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện nghiêm các quy định về việc cưới, tang, lễ hội… làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống đang diễn ra với rất nhiều biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.