"Chưa bao giờ nghĩ mình thuộc về phố"

.

Đó là câu thơ in trong tuyển thơ "Ngày chưa sương vội" (NXB Hội Nhà văn) ấn hành vào tháng 11 vừa qua. Một câu thơ mà tôi cho rằng đã phản ánh rất nhiều và ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác của anh.

Tập thơ là sự lọc lựa những thi phẩm giàu giá trị của thi sĩ trẻ Trần Việt Hoàng, hiện là sinh viên năm cuối Trường Sĩ quan Chính trị, đang sinh sống, học tập và sáng tác tại Hà Nội. Trần Việt Hoàng chia 53 bài thơ vào bốn phần: gầy rạc thác lên ánh trăng, tự họa, chứng nhân cho nhiều trắc ẩn, còn cỏ sắc thì thầm. Bạn đọc sẽ nhìn thấy chân dung của một con người trẻ nhưng tình yêu rất mãnh liệt. Anh yêu đời tha thiết, yêu quê hương xóm làng, yêu cả con đường mình đã chọn cho tương lai. Dường như trong tập thơ này, chỉ còn thiếu những “Tóc mai sợi vắn sợi dài” là Trần Việt Hoàng ôm trọn tất cả những phạm trù thuộc về tình yêu.

Ngả về phía ký ức quê hương

“Chưa bao giờ nghĩ mình thuộc về thành phố” (Khuôn mặt cánh đồng), bởi thế chẳng bỗng không mà anh đi “Về trên những luống thơ ấu/ đường cày tăm tắp kéo dài đến chân trời” (Tìm lại những đường cày). Những “luống thơ ấu” ấy, chính là một hình ảnh ẩn dụ, ví von. Những luống cày đã cho phép hồi ức của anh gieo xuống rồi lên xanh bát ngát. Nơi đó có bóng dáng người nông dân lam lũ: “Vỡ ruộng/ cha lầm lụi một đời/ cho mẹ gieo ngô trồng khoai” (Tìm lại những đường cày). Nơi đó có những hình ảnh rất quê, đơn cử như trong thi phẩm những giọt sương rơi: “Trăng đồng lạnh vỡ trên mặt nước/ lũy tre chở che bao mái rạ hao gầy”. Quê nhà đã trở thành những lớp trầm tích trong trí nhớ của Trần Việt Hoàng.

Nhớ về quê hương, nhớ về thuở ấu thơ là nhớ về một phần ký ức, là một chút xao xuyến, luyến tiếc, là yêu tha thiết tháng ngày. Trong tập thơ này, hễ có bóng dáng quê hương thì đó hoàn toàn là những gì mà Trần Việt Hoàng trích ra từ ký ức. Và điều ấy không chỉ thể hiện nỗi niềm với cố thổ đâu. Mà ở đó, ta còn thấy ở anh sự níu kéo thời gian và cả sự yêu đời tha thiết. Anh khuyên nhủ, van nài, níu kéo: “Ngày ơi đừng vội cuối/ cánh vẫn rơi trên những bước chân xa/…/ gió thổi trên lối xưa thuở ấu/ hoa mãi nở trước mặt ta” (Buổi sáng). Vừa tỉnh dậy, anh đã nhận ra quá trình phai tàn liên tục diễn ra. Dẫu biết rằng mọi thứ đều tuần hoàn, song anh vẫn cứ tiếc nuối. Vì lẽ đơn giản thôi, anh biết rằng mọi thứ đi qua sẽ trở thành quá khứ, bức tường ký ức sẽ có thêm một bức tranh.

Vần thơ xanh áo lính

Chúng tôi để ý, những người là quân nhân thì dường như trong sáng tác của họ không bao giờ thiếu màu xanh áo lính. Trần Việt Hoàng cũng không ngoại lệ. Nếu cả tập thơ, anh chìm vào ký ức, lắng đọng trong suy tưởng thì ở phần cuối tập thơ, những trang viết về đời quân ngũ là những giây phút anh sống ở hiện tại. Phải chăng đời lính cho anh phải sống với thực tế? Có lẽ. Những bài thơ ở phần còn cỏ sắc thì thầm hầu như dòng thời gian được xác định ở hiện tại. Đó là những bài thơ viết ở Đồng Lộc, hay viết trong đêm thao trường hay trong một ngày tưởng tượng… Những hình ảnh trong các bài thơ ở phần này đều là những hình ảnh đặc trưng của quân ngũ, liệt cử như: thao trường, doanh trại, hầm địa, khẩu đội, tiểu đội, trung đoàn…

Và Trần Việt Hoàng đã say sưa, đã vui sướng với niềm tự hào, niềm tin yêu đối với con đường mà mình đã chọn, điều ấy có thể thấy trong suy nghĩ của anh ngay đêm thao trường: “người chiến sĩ chắc tay bồng súng/ ý nghĩ bay về phía bình minh”. “Chắc tay bồng súng” chính là sự vững vàng, nghiêm túc và “bay về phía bình minh” tức là bay về một chân trời mới, một sự khởi đầu đầy hy vọng. Chỉ trong hai câu thơ thôi mà người lính thời bình hiện lên với sự hào hoa và cũng thật hào hùng.

Nói thêm về lòng trắc ẩn

Chỉ khi người ta đủ chín từ bên trong thì những trắc ẩn của họ mới thực sự trở nên sâu sắc. Đó không còn là sự cảm thông với những người cùng khổ, hay đó chỉ là một niềm thương cảm đối với những số phận thiếu thốn về vật chất. Mà Trần Việt Hoàng đã đi vào cửa sổ tâm hồn, khám phá những suy tư của họ để ở đó tình thương xuất hiện.

Vượt xa hơn vậy, anh dành lòng trắc ẩn ấy cho một loài hoa đã rụng cành trong buổi sáng: “Lòng trắc ẩn trước bụi hoa lặng lẽ/ hoa trổ dâng người/ mặt trăng rưng rưng”. Đó trước tiên là lòng trắc ẩn với một loài thực vật vô tri dâng cho đời hương sắc rồi tàn phai trong âm thầm. Thương hoa tiếc ngọc. Và không chỉ đơn thuần thế đâu, “hoa” là một ẩn dụ cho con người. Những con người cống hiến thầm lặng như những đóa hoa thơm dâng đời, rồi họ lặng lẽ trở về mà không ai biết. Thực sự nếu chẳng có được độ chín muồi trong tâm hồn và trong suy nghĩ, làm sao một chàng trai trẻ lại có những dòng thơ sâu sắc đến vậy?

Đọc những lời thơ, bạn đọc có thể cảm nhận được độ lắng trong tâm hồn, sự chững chạc trong phong thái của một thi sĩ trẻ. Có lẽ vì tư tưởng “vội vã làm chi” mà anh đã trở nên “chín dần trong bình thản”. Và cứ thế, anh mở ra cho bạn đọc những trang thơ giàu cảm xúc, tinh tế và có cả bề rộng lẫn bề sâu trong từng câu thơ như những vầng mây trôi đi không trở lại.

NGUYỄN NHẬT THANH

;
;
.
.
.
.
.