Chuyện cụ Phan cảm hóa tội đồ

.

Có một giai thoại kỳ thú liên quan đến tài thuyết khách của chí sĩ Phan Châu Trinh, từng được cố học giả Nguyễn Văn Xuân nhắc đến trong cuốn “Phong trào Duy Tân” cùng lời cảm thán: Biết bao nhiêu sách vở ở Việt Nam kể tài của các tay sách sĩ ngoại quốc mà không bao giờ nhắc giai thoại này thì quả “bụt nhà không thiêng”...

Cuốn “Phong trào Duy Tân” của Nguyễn Văn Xuân (ảnh trái) và tượng danh nhân Lê Khiết tại Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Ảnh: Tư liệu
Cuốn “Phong trào Duy Tân” của Nguyễn Văn Xuân (ảnh trái) và tượng danh nhân Lê Khiết tại Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Ảnh: Tư liệu

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, Lê Khiết (Lê Tựu Khiết) hiệu là Dương Phong, tự là Huy Thanh, sinh năm Đinh Tỵ1857, người làng An Ba, tổng Hành Cận; nay là thôn An Ba, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nội là Lê Công Thiên, tri phủ Kiến An thời Gia Long, cha là Lê Văn Diễn, từng làm quan đến chức Tuần phủ dưới triều vua Thiệu Trị.

Với tư chất thông minh, lại có điều kiện học hành, năm Canh Ngọ (1882), Lê Khiết thi đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định. Ba năm sau, ông được triều đình bổ nhiệm chức Cơ mật hành tẩu, sung chức Tả trực kỳ khâm sai phái viên. Năm Bính Tuất (1886), ông lãnh chức Tu soạn kiêm Nghĩa Định Sơn phòng tán tương quân vụ. Năm Giáp Ngọ (1894), ông lãnh chức Án sát tỉnh Quảng Nam. Năm Ất Mùi (1895), lãnh chức Tán lý quân vụ 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Năm 1896, ông bị giáng chức 2 cấp, đưa về làm Bố chánh tỉnh Nghệ An. Vì vậy ông còn có tên gọi là Bố Khiết.

Lê Khiết là môn hạ thân tín và đắc lực của Thạch Trì Nguyễn Thân, một tên Việt gian đầu sỏ. Từng giúp y thành công trong việc đánh dẹp các phong trào Cần Vương, Văn Thân từ Nam chí Bắc vào cuối thế kỷ XIX, Lê Khiết bị giới thức giả và nhân dân Trung Kỳ thời bấy giờ rất căm ghét và xem như “kẻ bán hồn cho quỷ dữ”. Chí sĩ Phan Bội Châu khi đang hoạt động ở hải ngoại và viết cuốn Việt Nam vong quốc sử, đã gọi đích danh Lê Khiết là “con chó dữ của Nguyễn Thân”.

Trong cuốn Phong trào Duy Tân (NXB Đà Nẵng, 1995), cố học giả Nguyễn Văn Xuân cho hay, đầu thế kỷ XX, trên bước đường truyền bá chủ thuyết Duy Tân, khi qua Quảng Ngãi, Phan Châu Trinh gặp Lê Khiết, lúc này đã là vị Bố chánh hồi hưu. Biết thời gian này Nguyễn Thân có ý lãnh đạm với Lê Khiết, trong lúc nói chuyện, Phan Châu Trinh muốn cảm hóa Lê Khiết bèn nói khích:

- Môn hạ Thạch Trì không có người!

- Sao ông biết?

- Tài học, oai vọng như Thạch Trì và cầm quyền nước đã lâu mà không làm được công danh, sự nghiệp lớn lao, chỉ rút cuộc đời đến phú quý một mình mà thôi, môn hạ có người sao như thế?

Lê Khiết giãy nãy:

- Ông có chỗ chưa rõ, sao lại không người?

Phan Châu Trinh thong thả:

- Dẫu có thì Thạch Trì lại không dung được!

Lê Khiết nghe đến câu ấy rúng động, hai tay vỗ mạnh bàn, đứng dậy cả cười mà nói:

- Thật có như lời ông nói đó!

Điều khá lý thú là kể từ câu nói khích ấy của Phan Châu Trinh, Lê Khiết dần dần “lột xác” trở thành một con người hoàn toàn mới. Được sự hướng dẫn của cụ Phan, ông tích cực hoạt động yêu nước trong phong trào Duy Tân. Ngoài việc mở hiệu thuốc Quảng Tri để làm cơ sở hoạt động kinh tế và cơ quan liên lạc, Lê Khiết còn sốt sắng tham gia vận động mở trường dạy học, lập hiệu buôn, hội cày, cắt tóc ngắn, bài trừ hủ tục; cùng Lê Đình Cẩn và các nhà lãnh đạo Duy Tân Quảng Ngãi bắt liên lạc với phái Đông Du, mua sắm vũ khí, bí mật chuẩn bị bạo động.

Đầu tháng 3-1908, phong trào kháng thuế, cự sưu nổ ra ở Quảng Nam, rồi bùng lên mãnh liệt ở các tỉnh miền Trung. Tại Quảng Ngãi, nhận thấy phong trào bột phát quá dữ dội, có hướng ngả sang bạo động, dễ bị thực dân Pháp lấy cớ đàn áp, Lê Khiết và các nhà Duy Tân nhóm họp vào ngày 3-4-1908 quyết định trực tiếp đứng ra lãnh đạo phong trào. Bốn ngày sau, Lê Khiết rồi Nguyễn Bá Loan và nhiều vị lãnh đạo khác của phong trào bị bắt. Quần chúng lại tiếp tục kéo về tỉnh thành, giận dữ tột độ, hô vang các khẩu hiệu đòi thả Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết.

Trước tình thế khẩn cấp, biết Lê Khiết là người có uy tín, Công sứ Pháp Dodet dụ ông lên mặt thành kêu gọi dân chúng giãn vòng vây để “tạo điều kiện điều đình”. Biết rõ âm mưu của y, Lê Khiết kiên quyết chối từ. Ngày 23-4-1908 (22 tháng 3 Mậu Thân), giặc Pháp đem Lê Khiết và Nguyễn Bá Loan, Trần Chót, Nguyễn Đến ra xử chém tại bãi nam sông Trà Khúc, thuộc địa phận làng Ba La, phủ Tư Nghĩa. Trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sĩ, tác giả Đặng Bằng Đoàn cho hay, lúc sắp bị đem đi chém, Lê Khiết vẫn giữ vẻ mặt ung dung, thanh thản và nói: “Cái vết dơ của lịch sử nửa đời người, tôi nay lấy máu cổ mà rửa. Vinh hạnh biết chừng nào”.

Nghe tin Lê Khiết vị quốc vong thân, chí sĩ Phan Bội Châu, người từng nặng lời với ông, đã tỏ lòng xót xa, thương tiếc và có thơ viếng, lời lẽ xúc động: Nô lệ nửa đời đã xấu xa/ Ngoảnh đầu nay nhận ra ta/…/ Nhật nguyệt soi Ông thay sử cũ/ Non sông chờ tớ quét đường xa…

Cố học giả Nguyễn Văn Xuân cho biết: Một người ít xúc động như cụ Huỳnh Thúc Kháng, nghe chuyện này, cũng không khỏi bùi ngùi: “Than ôi! Chỉ vì vài câu nói mà ông An Ba (Lê Khiết) trở nên một tân nhân vật, chết về việc dân biến năm 1908. Nghe nói từ lúc gặp tiên sinh (Phan Châu Trinh) về sau, tới đâu cũng nói chuyện tiên sinh mà xưng tụng luôn”.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), tên chí sĩ Lê Khiết được đặt cho một trường trung học ở Quảng Ngãi, và đây là một ngôi trường nổi tiếng đã góp phần đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài trong các lĩnh vực: chính trị, khoa học, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật. Tiêu biểu như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; TS. Thái Phụng Nê, Anh hùng Lao động, nguyên Bộ trưởng Năng lượng; GS-TS Phan Kỳ Phùng, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng; GS-TS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia; nhạc sĩ Trương Quang Lục… Hiện nay, một Trường THPT chuyên của tỉnh Quảng Ngãi vinh dự mang tên danh nhân Lê Khiết, tọa lạc trên đường Chu Văn An, thành phố Quảng Ngãi.

Cũng xin được nhắc lại rằng, thời điểm thuyết phục và cảm hóa Lê Khiết, chí sĩ Phan Châu Trinh mới ngoài ba mươi tuổi, kém vị quan hưu tới mười lăm tuổi. Xem thế đủ biết thuật hùng biện và tài thu phục người của cụ Phan vi diệu biết bao!

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.