* Hành trình bay vào vũ trụ của chú chó Laika diễn ra như thế nào? Ngoài Laika, còn có các con vật nào khác từ trái đất bay vào vũ trụ không? (Trương Văn Thành, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Chó Laika trên một con tem của Tiểu vương quốc Ajman, nay thuộc UAE. Ảnh: Tư liệu |
- Mọi người thường nhắc đến chú chó Laika - con vật được coi là tiên phong trong việc mở đường đưa sự sống lên quỹ đạo Trái Đất. Thật ra, không chỉ mình Laika mà còn có nhiều động vật khác cũng tham gia các cuộc thử nghiệm này.
Vào thế kỷ XX, ý tưởng du hành vũ trụ được hình thành bởi hai quốc gia là Hoa Kỳ và Liên Xô (nay là Nga). Tên lửa nhanh nhất vào thời điểm đó có thể di chuyển với tốc độ 49.889km/h. Tốc độ mà con người từng di chuyển trên máy bay là gần 1.000km/h. Các nhà khoa học thời điểm đó không rõ cơ thể con người sẽ phản ứng thế nào với tốc độ cao, áp lực gia tốc bất thường và rủi ro của bức xạ vũ trụ.
Thật nguy hiểm và phi đạo đức khi đưa con người vào không gian mà không phát triển các công nghệ thích hợp để bảo vệ họ. Các nhà nghiên cứu đã cân nhắc việc sử dụng các loài động vật có sinh lý gần giống với con người để giải quyết những vấn đề này, thay vì gây nguy hiểm đến tính mạng các phi hành gia.
Trong khi Liên Xô sử dụng chó làm phi hành gia thì chương trình không gian của Hoa Kỳ lại sử dụng khỉ và tinh tinh. Theo bài Kỳ lạ những chuyến bay vào vũ trụ của chó “nhặt”, mèo lạc, tinh tinh đăng trên Báo Tuổi Trẻ, vào ngày 11-6-1948, con khỉ Albert I được đưa lên tên lửa V-2 Blossom, bay đến độ cao dưới quỹ đạo 134km. Kể từ đó, các nhà khoa học đã gửi nhiều sinh vật sống lên không gian, bao gồm chó, vượn, bò sát, côn trùng, thực vật và các vi sinh vật khác nhau.
Năm 1951, chỉ còn một ngày trước khi lên bệ phóng theo lịch trình, con chó tên Smelaya bất ngờ “bỏ trốn”. May thay Smelaya đã quay trở lại vào ngày hôm sau và chuyến bay thử nghiệm độ cao đã thành công.
Cuối năm 1951, chú chó tên Bobik cũng “bỏ trốn” trước giờ bay và không quay lại. Những người lên kế hoạch chuyến bay đã “nhặt” được một con chó đang lang thang gần một quán rượu địa phương. Họ đặt tên cho nó là ZIB - từ viết tắt trong tiếng Nga của “người thay thế chú chó mất tích Bobik”, và sau đó đưa nó lên không gian.
Những năm tiếp theo, các cuộc thử nghiệm vẫn được tiếp tục với những điều kiện và thiết bị ngày càng cải tiến. Hàng chục chú chó đã được tên lửa đẩy phóng vào không trung để tìm ra lời giải về sự sống trong khoảng không. Tuy nhiên những lần thử nghiệm trên đều chưa thể là các cuộc “du hành vũ trụ”, bởi các chuyến bay chưa vượt ra khỏi bầu khí quyển để tới quỹ đạo của trái đất.
Ngày 4-10-1957, với tên lửa có vận tốc gần 25.000km/h, Liên Xô là nước đầu tiên đã thắng được sức hút của trái đất, đưa được vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo. Một tháng sau, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được tiến hành với tư cách là chuyến du hành vũ trụ thực sự với sự tham gia của chú chó Laika trên con tàu Sputnik 2. Sputnik 2 nặng hơn nửa tấn với những thiết bị khoa học dùng để đo độ bức xạ của mặt trời, kiểm tra tính chất của các tầng nằm ngoài khí quyển cũng như các thiết bị theo dõi chỉ số sinh học của Laika đã bay 2.570 vòng quanh trái đất trong vòng 7 ngày. Những thông tin về sự sống của Laika trong 6 tiếng ngắn ngủi đó lại vô cùng quý giá cho công cuộc chuẩn bị đưa người vào vũ trụ diễn ra sau đó.
ĐNCT