- Nhớ Đà Nẵng thì về!
Lời nhắn rủ từ những người bạn đồng môn đang sinh sống ở Đà Nẵng thêm động thức thước phim ký ức đời sinh viên có hơn 5 năm tôi gắn bó với thành phố, đọng lại món nợ ân tình con người nơi này.
“Đời sinh viên có cây đàn ghi-ta”. Ảnh: Đ.P |
Đà Nẵng hơn 30 năm trước chưa được định danh “thành phố đáng sống” như bây giờ. Sinh viên nghèo ngày ấy, với rất nhiều thuộc tính chừng như cả xã hội thừa nhận, thông cảm và sẻ chia. Có phải vì thế, không chỉ riêng tôi, dù cuộc sống riêng đã vượt qua chính mình quãng đường xa lắm nhưng vẫn ngoái nhìn, nâng niu giữ lấy làm kỷ vật, hành trang vượt khó; làm dữ liệu câu chuyện hàn ôn, chất keo gắn kết tình bạn; nguồn sữa nuôi dưỡng tình người biết chìa bàn tay sưởi ấm bàn tay trong khả năng có thể!
Tôi mắc nợ tình cảm dành riêng, sự quan tâm thầm lặng của GS.TS Nguyễn Hào, Hiệu trưởng biệt phái, công tác tại trường chỉ vỏn vẹn 2 năm, lên lớp để nắm bắt tình hình sinh viên về nhiều mặt. Thế mà 7 năm sau đó, tình cờ gặp lại thầy ở Hà Nội, vẫn nhận ra tôi, câu hỏi quan tâm với đặc điểm riêng không thể trùng lẫn. Ôi trân quý biết nhường nào, tôi nâng niu hình ảnh thầy cùng câu chuyện vào vị trí đặc biệt trong tim!
Làm sao tôi dám quên những người bạn ở ngoại trú (sống với gia đình tại Đà Nẵng) bằng phương tiện xe đạp vượt gió bấc, mưa phùn ngày cuối tháng Chạp đến Bến xe Đà Nẵng, thâu đêm thay nhau chỗ đứng, chen chân xếp hàng giúp bạn mua vé xe về quê ăn Tết. Tôi vẫn giữ cảm nhận “ấm lòng” với nguyên nghĩa từ khi chia nhau quả chuối, củ khoai, nắm xôi… chống đói và rét giữa bốn bề thông thống gió lùa chờ trời sáng. Nhớ lắm đôi mắt trong veo ngân ngấn nước, lời chúc Tết “ngọng nghịu”, ấp úng bằng ngôn ngữ nước ngoài chúng tôi học; nhớ bàn tay xinh xinh vẫy chào,… đâu phải bởi tuổi đời hồn nhiên, cảm xúc tinh khôi, hành vi dại khờ vô lối!
Rất có thể, tôi không nhận ra cô bạn cùng lớp đã “nhẫn nại” giúp tôi vượt qua môn tiếng Nga trong năm học đầu sau chừng ấy thời gian chưa gặp lại. Nhưng sự giúp đỡ vô tư, nhiệt tình và trách nhiệm của bạn, ân tình ấy làm sao tôi dám quên!
Kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết trên chuyến tàu Thống Nhất, có lúc chỉ lấy vé tiễn để “làm thủ tục” lên tàu bến ga Đà Nẵng, dù bến dời chân tận ga Diêu Trì. Suốt hành trình, nhờ vào chiếc “thẻ sinh viên”, lời ngỏ “xin xỏ” kiểm soát viên trên tàu, kiểm soát viên ga đỗ phần nhiều đều tỏ thái độ thông cảm, bỏ qua hành vi “nhảy tàu” của tôi. Từ độ ấy chưa lần gặp lại họ, chỉ đọng trong tôi yêu thương chan chứa, âm hưởng ngậm ngùi!
Sinh viên nghèo, "duy trì sự sống” nhờ học bổng là chính, tôi nợ ân tình má Tám, có chiếc bánh ú nếp hằng sáng, cộng dồn mỗi năm hai lần trả nợ. Tôi mắc nợ chị Trâm, nhân viên nhà ăn sinh viên ở ký túc xá đã dành phần chúng tôi miếng cơm cháy, kèm nụ cười đôn hậu cảm thông! Tôi nợ tình cảm lối xóm nghèo giáp ranh ký túc xá 19 Nguyễn Thị Minh Khai (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) đêm cuối tuần dành chỗ mời tôi ngồi xem ti-vi, có hôm, còn mang ra rổ khoai, đĩa đậu phụng luộc nóng ấm cùng ăn với gia đình. Cuốn theo công việc, chưa lần về thăm, vô tâm chợt quên chợt nhớ, rồi lại thấy mình mắc nợ. Biết làm sao, ngoài một tiếng thở dài.
Ngang qua nỗi nhớ, niềm day dứt, hàm ơn với Đà Nẵng không chỉ riêng tôi, có vợ chồng anh Sơn bán xe bánh mì trước nhà hát Trưng Vương. Nhớ dáng anh lăn xăn lấy ghế mời ngồi trong đêm khuya khoắt. Nhớ câu chào hỏi trọng thị luôn mở đầu bằng định danh “quý thầy”. Nhớ hương vị ổ bánh mì, ly sữa đậu nành đánh thức vị giác ngay lúc vừa trao tay cùng nụ cười hiền cho dù “quý thầy” đi ăn nợ, rất lâu mới trả được. Mỗi dịp về Đà Nẵng, tôi thu xếp thời gian ghé thăm. Gặp lại, mừng rỡ nhận ra nhau, rộn ràng lời thăm hỏi. Chia tay, dù không bảo nhau nhưng mặc định ở mỗi chúng tôi đều gửi anh chị ít tiền trong lời nghẹn ngào cảm ơn: Món nợ ân tình với anh chị nhiều lắm, không trả hết, đừng suy nghĩ gì! Bạn tôi, biết có người chưa lần quay lại, đành thôi công việc cứ cuốn ta đi.
Vẫn canh cánh bên lòng nét mặt lo lắng giấu sau nụ cười, lời chào vồn vã của mẹ bạn khi đưa tôi về chơi nhà. Thời buổi kinh tế khó khăn, chỉ là nồi cơm gạo trắng, rau lang vườn nhà nấu canh với mắm cái “đãi khách” mà sao vị ngon khó tả, hương thơm ám gợi tận bây giờ!
Ân tình với người Đà Nẵng không thể quên, làm sao kể hết, đã “sáng tạo” nên động từ “chơi ăn” có nghĩa gốc đi chơi để tìm cái ăn. Đã sinh ra câu thơ trào lộng đẫm buồn: “Chơi ăn mỗi tháng một tuần/ Em ơi thấu nỗi tâm tình sinh viên”. Ấy là tuần cuối mỗi tháng, học bổng sinh viên xếp loại C bị bỏ ngỏ!
Lan man mấy dòng chạm vào Đà Nẵng có món nợ ân tình của riêng mình và xếp những ký ức buồn lấp lánh tình người tựa ánh lân tinh vào góc tâm hồn thật đặc biệt.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ