* Một người bạn ghé nhà tôi chơi sau một thời gian dài rời Đà Nẵng lên sống ở huyện Krông Búk. Con trai tôi nghe lõm bõm, do dự một hồi rồi xin phép hỏi một câu, rằng huyện đó phải là nơi làm ra cây đàn bằng ống tre khi chơi dùng hay bàn tay vỗ vỗ? Thực lòng, tôi cũng chẳng hiểu mô tê chi, mong được quý báo giải đáp giúp! (Trần Quang Hà, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Nghệ nhân biểu diễn đàn klông-pút tại Hội quán Vịnh, Nha Trang tại khu du lịch Hòn Chồng. Ảnh: V.T.L |
- Tên của huyện này được viết là Krông Búk (cũng có khi viết là Krông Buk), là một huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Tên huyện được đặt theo tên của con suối chảy trên địa bàn huyện, Krông Búk.
Còn loại đàn làm bằng ống nứa khi chơi vỗ hai bàn tay có tên là klông-pút nghe đọc âm na ná nhưng thực ra không… bà con gì với huyện Krông Búk.
Theo mô tả của tác giả bài “Âm điệu klông-pút mãi vang vọng trong đời sống người Xơ Đăng” đăng trên Báo Dân tộc và Phát triển (baodantoc.vn), đàn klông-pút (tiếng Xơ Đăng là Kong Kră) làm từ 2 đến 5 ống nứa rỗng loại lớn, dài ngắn khác nhau. Ống ngắn nhất từ 60 đến 70cm, còn ống dài nhất từ 110cm đến 120cm. Đường kính ống khoảng 5 đến 8cm. Những ống này xếp thành một hàng trên giá, các đầu ống xếp bằng nhau ở một bên.
Khi chơi đàn người chơi hơi khom người khum hai bàn tay lại, cách xa miệng ống khoảng 10cm và vỗ để luồng hơi từ hai bàn tay phát ra lùa vào miệng ống. Hơi sẽ làm chuyển động cột khí bên trong bật ra ngoài tạo thành âm thanh. Nghĩa là, người sử dụng không cần chạm tay vào nhạc cụ.
Âm điệu cao, thấp khác nhau tùy cách vỗ mạnh hay nhẹ. Chỉ với một chiếc đàn klông-pút 5 ống thôi, người chơi cũng “vỗ’’ trọn vẹn một bài hát với đủ tiết tấu mà không hề gượng ép.
Để chế tác mỗi ống nứa trở thành một nốt nhạc để khi tấu lên thành dàn hòa âm đa thanh, ngoài việc cần tới sự kỳ diệu từ đôi bàn tay của người làm, còn phải có khả năng thẩm âm như đã sẵn trong hơi thở.
Bài “Đàn klông-pút và thơ” đăng trên bienphong.com.vn nói rõ hơn về chất liệu làm loại đàn độc đáo này.
Theo đó, ống lồ ô (một loài tre nứa ở núi rừng Tây Nguyên) dùng để làm đàn klông-pút thường to hơn ống đàn tơ rưng, vì thế, tiếng đàn klông-pút bao giờ cũng trầm lắng, còn tơ rưng thì trong trẻo, lảnh lót hơn. Nếu những ống lồ ô của đàn tơ rưng được cột liền nhau treo cao thành hình cánh võng để người chơi đứng thẳng lưng cầm dùi nhỏ gõ vào thân ống để phát ra âm thanh, thì đối với đàn klông-pút cũng cột ghép nhiều ống lồ ô nhưng neo trên một khung giàn cố định đặt thấp. Khi chơi, người chơi đứng lom khom, hai bàn tay khum kín các ngón lại và vỗ đều vào nhau trước các đầu ống lồ ô để hơi gió lọt vào ống tạo thành âm thanh. Tùy theo độ dài ngắn của ống mà âm thanh phát ra bổng trầm, trong đục.
Chơi đàn tơ rưng thì gọi là “gõ đàn”, còn chơi đàn klông-pút thì gọi là “vỗ đàn”. Thực ra, từ “vỗ đàn” cũng chưa chuẩn! Gõ, gảy… là tác động trực tiếp vào dây hoặc thân đàn, đằng này chỉ vỗ khơi khơi bên ngoài đầu ống để đưa hơi gió vào ruột ống, chứ không hề đụng chạm tới đàn! Vì vậy, chơi đàn klông-pút là cả một kỹ thuật và nghệ thuật. Người chơi phải khum hai bàn tay sao cho vừa khít kín để khi vỗ vào nhau tạo ra hơi gió ít ỏi lọt thẳng vào ruột ống đủ lực phát ra âm thanh!
Theo các nhà dân tộc học và văn hóa học, đàn klông-pút chỉ dành cho phụ nữ chơi, để “vỗ về” hồn mẹ lúa, nam giới tuyệt nhiên không!
ĐNCT