Trong bối cảnh số lượng hiệu sách tại Nhật Bản giảm một nửa trong hai thập kỷ qua, từ khoảng 21.000 cửa hàng vào năm 2003 xuống còn 11.000 cửa hàng vào năm ngoái, mô hình "hiệu sách chia sẻ" đang dần trở thành một giải pháp sáng tạo ở xứ sở mặt trời mọc.
Rokurou Yui tại một hiệu sách của mình ở Tokyo. Ảnh: Japan Today |
Theo truyền thông Nhật Bản, mô hình "hiệu sách chia sẻ" này đang ngày càng phổ biến, mang đến cơ hội cho những người yêu sách có thể mở cửa hàng riêng và chia sẻ niềm đam mê đọc. Đây không chỉ là nơi bán sách mà còn là không gian kết nối cộng đồng, góp phần hồi sinh những khu phố mua sắm đang dần mai một.
Giải pháp sáng tạo
Một trong những hiệu sách đầu tiên hoạt động theo mô hình chia sẻ như vậy là "Itoshima no Kao ga Mieru Honya-san" (tạm dịch: Hiệu sách nơi bạn có thể thấy gương mặt của Itoshima), tọa lạc tại một khu phố mua sắm gần ga JR Chikuzen-Maebaru thuộc tỉnh Fukuoka.
Hiệu sách là ý tưởng của bà Maki Nakamura, 57 tuổi, cựu chủ tịch một công ty logistics và ông Ryota Odo, 39 tuổi, cựu nhân viên của một công ty thương mại lớn. Cả hai đều đến từ Tokyo và muốn tạo nên không gian tương tác với cư dân địa phương. Lấy cảm hứng từ mô hình hiệu sách chia sẻ đầu tiên "Book Mansion" ra đời năm 2019 tại Tokyo, họ kêu gọi vốn cộng đồng và khai trương cửa hàng này. Theo bà Nakamura, các chủ sở hữu không chỉ bán sách mà còn tổ chức sự kiện và giao lưu, tạo nên không khí ấm cúng đầy tính kết nối.
Mô hình tương tự cũng xuất hiện tại thành phố Yamaguchi với hiệu sách "Honya-Ra Do", do Giáo sư Kinh tế Haruki Ito, 53 tuổi, thành lập vào tháng 10-2021. Cửa hàng có 30 kệ sách trong không gian khoảng 8 mét vuông, với các chủ sở hữu đến từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, từ nhà thơ, giáo sư đại học đến tài xế taxi. Sự đa dạng này được phản ánh qua các loại sách trên kệ, từ văn hóa Scandinavia, triết học đến ẩm thực. Ayaka Fujita, 18 tuổi, một học sinh trung học và là chủ sở hữu trẻ nhất ở hiệu sách này chia sẻ rằng, cô yêu thích cơ hội trò chuyện với khách hàng và tham gia các sự kiện giao lưu. Những trải nghiệm này giúp cô đến gần hơn với ước mơ trở thành thủ thư.
Một hiệu sách hoạt động theo mô hình chia sẻ mới được mở gần đây nữa là Passage Solida, khai trương vào tháng 3-2024 gần ngã tư Jinbōchō nằm trong khu Jinbōchō thuộc quận Chiyoda. Khu vực này nổi tiếng với số lượng lớn các hiệu sách cũ và nhà xuất bản, tạo nên một trung tâm văn hóa sách độc đáo tại Tokyo. Với phí thành viên 13.200 yên (2,2 triệu đồng) và từ 5.500 yên (900.000 đồng) mỗi tháng, người thuê có thể tự do chọn bán sách mới hoặc đã qua sử dụng, tự định giá. Sự quan tâm đến mô hình này cho thấy nhu cầu lớn của người dân đối với việc sở hữu "hiệu sách" nhỏ của riêng mình.
Nỗ lực chấn hưng văn hóa đọc
Trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Weforum) trong bài đăng ngày 23-10-2024 dẫn số liệu của Quỹ Văn hóa Xuất bản Nhật Bản cho biết, hơn 27% các thành phố ở Nhật hiện không có một hiệu sách nào. Trước tình trạng này, vào tháng 4-2024, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thành lập Nhóm dự án Xúc tiến hiệu sách. Báo cáo của nhóm dự án công bố vào tháng 10-2024 đã chỉ ra 29 thách thức cụ thể đối với các hiệu sách, bao gồm vấn đề với mô hình phân phối hiện tại, áp lực đối với hiệu sách do khối lượng xuất bản quá lớn và sự cạnh tranh từ thư viện và các nhà bán lẻ trực tuyến.
Cùng với sáng kiến mở hiệu sách chung nói trên, một số công ty ở Nhật cũng đang có những sáng kiến riêng. Dai Nippon Printing, một công ty in ấn hàng đầu, đã ra mắt dịch vụ giúp khách hàng mở hiệu sách tại Nhật để nâng cao giá trị kinh doanh. Dự án đầu tiên của công ty này ra mắt vào tháng 9-2024, là một hiệu sách chủ đề du lịch bên trong một khách sạn ở Sapporo.
Đáng chú ý, xu hướng mở hiệu sách mới vẫn tiếp tục phát triển. Ước tính có ít nhất 78 hiệu sách độc lập đã mở cửa trên khắp Nhật Bản trong năm 2021, tiếp theo là 55 cửa hàng năm 2022 và 105 cửa hàng năm 2023.
Mô hình hiệu sách chia sẻ không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh nhỏ lẻ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hồi sinh các khu phố và xây dựng kết nối giữa con người. Đây là một giải pháp sáng tạo mà các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, có thể học hỏi để vừa bảo tồn văn hóa đọc vừa thúc đẩy tinh thần gắn kết cộng đồng. |
TRẦN ĐẮC LUÂN