“Khúc rời những con chim quên tổ” là thi tập mới nhất của nhà thơ xứ Huế - Lê Vĩnh Thái (NXB Thuận Hóa, 11-2024). Khúc rời hay là tiếng nấc của một tâm hồn lang bạt dội lên thơ? Hơn ai hết, chắc chắn Lê Vĩnh Thái thấu tỏ tiếng lòng mình dành cho quê hương xứ sở.
Như vậy, bẵng đi hơn 10 năm, Lê Vĩnh Thái mới trình diện thi đàn tập thơ thứ tư của riêng mình, trước đó lần lượt là các thi tập: Trôi cùng đám cỏ rẽ (NXB Văn học, 2013), Ngày không nhớ (NXB Thuận Hóa, 2010), Ký ức xanh (NXB Thuận Hóa, 2004).
Thi sĩ Lê Vĩnh Thái sinh năm Ất Mão (1975), hiện đang công tác tại Tạp chí Sông Hương. Có lẽ, công việc quản lý đã ngốn khá nhiều thời gian nên trung bình 5 năm, anh mới in một tập thơ, đấy là tôi nhẩm tính một cách thô thiển. Nhưng bù lại, anh có duyên với các giải thưởng, có thể kể đến như: tặng thưởng Tác phẩm Văn học xuất sắc của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế năm 2010, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ V (2008-2013), tặng thưởng Tác phẩm Công trình văn học nghệ thuật xuất sắc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế năm 2013…
Mở đầu thi tập “Khúc rời những con chim quên tổ” là cái “cúi đầu lạy sông” mang âm hưởng hát ru “đượm hương đất mạ Huế mình”. Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thần kinh nên quá quen với việc lạy: lạy núi, lạy sông, lạy đồng, lạy bãi, lạy cả người chết lẫn người sống, lạy cả những thực thể hữu hình lẫn vô hình… Lạy nhiều thứ nhưng không hề vô minh. Lạy là phép tâm linh để an lòng trước khi làm một việc gì đó, đây là phong tục truyền đời của người Huế, của xứ “dạ thưa”. Chỉ cần cái cúi lạy mở đầu thi tập, tôi dám khẳng định, Lê Vĩnh Thái là người coi trọng truyền thống gia đình, thành kính với tổ tiên, đặc biệt là anh tin vào thuyết vạn vật hữu linh.
Phải chăng, Lê Vĩnh Thái lạy để đi vào “những giấc mơ sông” những mong tắm táp tâm hồn thi sĩ, để thấy “giấc mơ sông cuộn chảy màu xanh hiền hòa… thẳm sâu trí tưởng”. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong “những giấc mơ sông”, nhà thơ tự chất vấn chính mình về trầm luân kiếp người, để từ đó hiểu hơn về lễ nghĩa ứng xử, thấu thị biểu tượng mai vàng, thấu tỏ sự miên mật của những dòng chảy - sự vận động của tạo hóa từ những hình ảnh gần gũi, dung dị như tiếng gà gáy sau vườn, cây thanh trà, đồng lúa, cây mít, cây sung, ao cá…
Lê Vĩnh Thái là người Huế, rõ rồi. Và cái chất Huế của anh trải lên thơ cũng phảng phất nét thâm trầm chua cay, xa xót tầng chất trong những ước mơ này, rất Huế. Tôi đã có dịp thưởng trà hàn huyên cùng Lê Vĩnh Thái, anh điềm đạm, hiền từ. Nhưng sau lớp vỏ hình hài mảnh khảnh kia là một đức tin của gã di-gan riêng dành cho thơ: “nhà thờ điểm chuông/ tôi/ vẫn đứng bằng hình hài tượng”, gã nóng lòng ngóng đợi nhưng “mùa hoa vàng vẫn chưa về”.
Có lẽ không riêng gì Lê Vĩnh Thái, trong mỗi tâm hồn thi sĩ luôn có một gã di-gan vì tình mà miệt mài “bóc từng viên sỏi thả vào ngày” dù biết rằng “ngày cũ/ em đã mở ra và khép lại con đường/ em đã thả trôi ánh mắt vào kẻ khác”. Và khi chìm đắm trong cuộc yêu không thành, người ta thường sống tức tưởi, theo kiểu “tờ hôn thú dù xé ngang một bận/ và có thêm tờ nữa cũng chưa chắc đã có tên mình”.
Rải rác trong thi tập, nhìn lại miền đất miền người một thời gắn bó, Lê Vĩnh Thái hoài niệm về Bảo Lộc với “phố bụi mù mắt núi/ ngày mưa rời rã chân nhau”. Rồi thi sĩ phác họa Đà Lạt qua lăng kính ăm ắp mộng mơ: “con đường mềm như tiếng chim đêm trên đồi”. Những hình ảnh dẫn dụ về tình yêu đôi lứa thật khẽ, thật nhẹ tưởng chừng vượt thoát để thi sĩ “nhiều khi muốn tự thú với con sông/ từ ngày chưa cạn/ trăng đêm hạ huyền/ giấc mơ sớm mai vỡ đầy mưa”.
Cứ thế, “Khúc rời những con chim quên tổ” mải miết vọng vang…
Mở đầu thi tập “Khúc rời những con chim quên tổ” là cái “cúi đầu lạy sông” mang âm hưởng hát ru “đượm hương đất mạ Huế mình”. Tôi cũng là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thần kinh nên quá quen với việc lạy: lạy núi, lạy sông, lạy đồng, lạy bãi, lạy cả người chết lẫn người sống, lạy cả những thực thể hữu hình lẫn vô hình… Lạy nhiều thứ nhưng không hề vô minh. Lạy là phép tâm linh để an lòng trước khi làm một việc gì đó, đây là phong tục truyền đời của người Huế, của xứ “dạ thưa”. Chỉ cần cái cúi lạy mở đầu thi tập, tôi dám khẳng định, Lê Vĩnh Thái là người coi trọng truyền thống gia đình, thành kính với tổ tiên. |
LÊ HẢI KỲ