Mảnh đất của ba

.

Ngày đó, ba tôi có một thói quen kỳ lạ mà tôi mãi không thể hiểu được. Mỗi khi trời trở lạnh, khi những cơn gió đông bắt đầu len lỏi qua từng khe cửa, ba lại rút ra một bọc đất sét nhỏ từ trong hộc tủ. Bọc đất ấy chẳng có vẻ gì đặc biệt, chỉ là một cục đất màu nâu sẫm, dẻo quánh, có mùi đất ẩm ướt của mùa mưa. Nhưng với ba, đó dường như là một bảo vật vô giá. Ba ngồi xuống bên chiếc thau inox cũ, đổ một ít nước vào, rồi bắt đầu nghịch đất. Đôi tay ông thoăn thoắt nhào nặn, như thể đất sét là một thứ gì đó thiêng liêng mà chỉ ông mới hiểu được. Mỗi lần ba nắn nót đất, đôi mắt ba lại sáng long lanh, một vẻ say mê đến kỳ lạ. Ông ngắm nghía từng miếng đất trong tay, như thể đang cảm nhận sự sống đang chảy trong đó, như thể đất ấy mang theo ký ức và tình cảm mà ông luôn khao khát tìm lại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cứ mỗi khi ba ngồi xuống và bắt đầu nghịch đất, tôi lại cảm thấy có điều gì đó bí ẩn đang che giấu trong thói quen ấy. Tôi muốn hỏi ba, muốn hiểu vì sao ông lại làm như vậy, nhưng ba lúc nào cũng im lặng, chỉ mải mê với những cục đất trong tay, đôi mắt ông như đang thả hồn vào đó, như thể muốn gửi gắm vào từng nắm đất những gì ông đã bỏ lại ở quê nhà.

Một hôm, tôi hỏi mẹ về thói quen kỳ lạ của ba. Mẹ chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: “Hồi ba mày còn khỏe, ổng về quê móc cục đất sét bên hông nhà mang lên đây. Mỗi lúc nhớ đất quá, ổng lại lôi ra hít hà cho đỡ nhớ. Mấy khi về quê, mấy khi có thời gian, cái đất này giống như một mảnh ký ức mà ổng giữ trong lòng, để mỗi khi nhớ quê, nhớ làng, ổng lại tìm về nơi ấy, dù chỉ là trong những phút giây ngắn ngủi.”

Những lời mẹ nói vẩn vơ nhưng với tôi, đó như một câu chuyện cổ tích mà chẳng thể nào lý giải được. Mẹ bảo đó là ký ức của ba, là những tháng ngày tuổi trẻ mà ba đã để lại trên mảnh đất quê hương, nơi mà ba đã sống những năm tháng vất vả nhưng đầy yêu thương. Mảnh đất quê hương ấy, dù đã rời xa, nhưng trong lòng ba, nó vẫn mãi không phai mờ. Mỗi lần ba ngồi nghịch đất, có lẽ ông đang cố gắng tìm lại một phần của chính mình, của những ngày tháng đã qua, những ngày ba và mẹ vất vả chạy đuổi những giấc mơ giữa cái nghèo, những lần cùng bạn bè thả diều trên đồng, những chiều tà ngồi bên bờ sông cũ, nghe tiếng sóng vỗ rì rào. Mỗi cục đất ba nhào nặn, có lẽ chứa đựng một câu chuyện, một miền ký ức mà ba chẳng bao giờ quên.

Câu chuyện mẹ kể làm tôi lặng người suy nghĩ. Cái bọc đất sét nhỏ bé kia lại chứa đựng cả một phần ký ức và tình cảm sâu sắc mà ba không bao giờ có thể nói ra. Đó là một cách mà ba gìn giữ quá khứ, dù không thể quay về, nhưng vẫn muốn mang theo từng hơi thở của mảnh đất mà ông yêu quý. Trong lúc đó, tôi bỗng cảm thấy một nỗi tiếc nuối trào dâng trong lòng. Tại sao tôi lại không thể hiểu được ba, tại sao tôi lại không thể chia sẻ được những điều mà ông đang tìm trong từng miếng đất nhỏ bé ấy? Thì ra, có những ký ức không thể nói thành lời, có những thứ tình cảm mà chỉ khi sống qua rồi, ta mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng của nó.

Từ ngày ấy, tôi không còn nhìn thói quen của ba như một điều kỳ lạ nữa. Tôi hiểu rằng đó là cách ba đối diện với quá khứ, cách ông gìn giữ những kỷ niệm về mảnh đất mà ba đã phải rời xa. Cục đất sét ấy không chỉ là đất, mà là một phần của cuộc đời ba, là nơi ba chôn giấu những hoài niệm, những đau thương và cả những ước mơ chưa thể thực hiện. Thời gian trôi qua, ba tôi càng ngày càng trở nên lặng lẽ, ít nói. Những chuyến về quê của ông bắt đầu nhiều hơn, nhưng tôi không bao giờ cảm thấy lo lắng.

Tôi nghĩ rằng ba đã nghỉ hưu, ông về thăm quê đôi ba ngày để gặp lại người thân, để hít thở không khí làng quê sau bao năm bươn chải ở thành phố. Chẳng ai ngờ rằng, đằng sau những chuyến đi ấy là nỗi khắc khoải trong lòng ba, nỗi khắc khoải của một người luôn mang theo nợ nần của phù sa mà không thể nào xóa nhòa được.

Hồi còn khỏe, ba tôi hay kể cho tôi nghe về xứ sở phù sa của ông, về những ngày khai hoang, lập làng, đào kinh dẫn nước của tổ tiên mình. “Là dân gốc xứ Xẻo Bần đó con,” ba tự hào kể, “cái xóm nhỏ của mình, không có viên đạn, chỉ mấy tổ ong rừng mà đánh tan một tiểu đoàn giặc”. Ba thường nói về những câu chuyện xưa cũ với niềm tự hào dân tộc, nhưng với tôi cái tên “Xẻo Bần” trong chứng minh thư giờ chỉ là một đoạn ký ức mờ nhạt, một ký ức mà tôi chẳng thể nào chạm tới được.

Nhớ lại đêm bão dữ, khi xóm làng bị cuốn đi, nhà cửa tan hoang, ba mẹ tôi thoát ra từ đống đổ nát tìm tôi giữa tiếng gió gào thét. Tôi mắc kẹt ở một nhánh cây, vừa khóc, rồi ba mẹ bồng bế tôi chạy qua những con đường hoang vắng, chạy mãi đến tận bến tàu để thoát khỏi nỗi ám ảnh của cơn bão. Sau đó, ba mẹ quyết định lên tàu rời quê, bỏ lại mảnh đất Xẻo Bần với những ký ức lo sợ đó.

Khi tôi vào lớp một, tôi đã quen với cuộc sống nơi phố phường. Ba mẹ tôi hy sinh tất cả để tôi có thể học hành tử tế, không để tôi thiếu thốn thứ gì. Họ muốn tôi có một cuộc sống đầy đủ hơn, không giống như họ ngày xưa, phải chịu bao vất vả. Lúc ấy, ba tôi nói: “Chúng ta không có gì để tiếc nuối, con à. Đời này vất vả là để con có một tương lai tốt đẹp hơn”. Câu nói ấy cứ vang mãi trong tôi, nhưng tôi không hiểu hết được tấm lòng của ba.

Dần dần, ba mẹ tôi đã bắt đầu quen với phố thị. Mẹ tôi từ cái thúng xôi vò, chuyển sang xe chè xôi, chạy quanh các con phố bán hàng. Ba thì làm đủ thứ công việc từ bốc xếp đến phụ hồ rồi học hỏi làm thợ xây. Mỗi ngày đều là những nỗ lực không ngừng để kiếm đủ tiền trang trải cho gia đình, cho tôi ăn học. Ba mẹ không bao giờ ca thán, dù có lúc ba tôi cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán trước đời sống phố thị, nhưng ông vẫn tin rằng, “trời không phụ lòng người”. Những giọt mồ hôi, những ngày dậy sớm thức khuya của ba mẹ cuối cùng cũng đã đến lúc đơm hoa kết trái. Ba mẹ tôi mua được một căn chung cư nhỏ sau hai mươi năm sống ở trọ, và tôi đỗ đại học. Mọi thứ dần trở nên ổn định, nhưng rồi, ba tôi lại bắt đầu yếu đi.

Những chuyến thăm quê của ba tôi cũng thưa dần, mỗi lần về quê, ba lại chỉ ở vài ba ngày rồi vội vã quay lại. Tôi nhận ra rằng ba đang dần buông bỏ tất cả, không chỉ là công việc, mà còn là những khát khao, những mơ ước về một cuộc sống yên bình ở quê. Mảnh đất quê hương mà ba mẹ đã từng rời bỏ lại một lần nữa vươn lên trong suy nghĩ của ba. Ba muốn trở về, nhưng cuộc sống ở thành phố đã bám rễ vào lòng ba. Khi tôi đã ổn định, ba mẹ lại bắt đầu bàn về chuyến trở về quê. Nhưng rồi những lo toan, những trách nhiệm lại kéo ba mẹ về lại phố. Không ai muốn về quê nữa. Dù thế, trong thâm tâm ba, vẫn luôn mong muốn quay lại nơi ấy, nơi mà ông đã bỏ lại quá nhiều kỷ niệm.

Nhưng cuộc sống có những trớ trêu. Một hôm, trên đường đi rước cháu, ba tôi bất ngờ gặp phải một tai nạn giao thông. Cú ngã xe ấy đã thay đổi tất cả. Sau lần té xe đó, thần trí ba tôi bắt đầu dần thay đổi. Ông không còn nhớ được nhiều về phố phường, về những khu phố thân quen nơi ông đã sống bao nhiêu năm, mà thay vào đó, ông thường xuyên nhắc đến quê cũ, về những người bạn xưa, những mảnh vườn, cánh đồng mà ông đã bỏ lại khi rời xa mảnh đất quê hương. Dù cho tôi có cố gắng hỏi han, dù cho tôi có kiên nhẫn lắng nghe, ba vẫn chỉ nhớ về quê, về những ngày tháng cũ, và tôi chỉ biết nhìn ba, lòng chua xót, nhưng chẳng biết làm gì hơn.

Có những lúc tôi tự hỏi, liệu trong thâm tâm ba có tiếc nuối gì không? Liệu có phải ba vẫn âm thầm mang theo nỗi đau của việc phải xa quê, xa gia đình, xa những người thân trong một cuộc sống mưu sinh nơi phố thị đầy ồn ào, vội vã? Nhưng có lẽ ba tôi không còn nhớ được rõ ràng những năm tháng sống ở phố, những sự thay đổi của thời gian, của cuộc sống hiện đại. Thứ mà ba nhớ, chỉ là những ký ức mơ hồ về quê hương, về những con đường đất, những buổi chiều lúa chín, những đêm trăng sáng bên bờ sông. Còn với tôi, ba đã sống cả đời ở phố, nhưng trong tâm hồn ông, vẫn luôn có một mảnh đất quê hương mà ông không thể nào quên được...

Ngày ba tôi mất, tôi ngồi bên cạnh ông, nhìn những bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, đã không còn sức để nắm lại cái mảnh đất quê hương mà ba đã dành trọn đời để yêu thương. Những bàn tay ấy, ngày xưa đã từng chăm chút cho những cánh đồng, đã từng trồng trọt, vun vén cho cuộc sống gia đình, vậy mà giờ đây, không còn sức để nắm lấy mảnh đất mà ba từng yêu quý. Tôi ngồi đó, nhìn những ngón tay đã tắt, không còn sự ấm áp, không còn sự kiên cường như ngày nào. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy một sự mất mát lớn lao, như thể cả một phần hồn ba cũng đã theo đi, trở về với mảnh đất quê hương mà ba vẫn luôn mang theo trong trái tim.

Cái mùi đất sét mà ba tôi từng lén lút nặn mỗi khi nhớ quê, cuối cùng cũng đã theo ba vào giấc ngủ vĩnh hằng. Tôi nhớ rõ cái mùi đất ẩm ấy, mùi của quê hương, mùi của những kỷ niệm, mùi của một thời ba mẹ tôi đã từng sống vất vả nơi đất cằn sỏi đá, nhưng cũng chính nơi ấy, họ đã xây dựng một cuộc đời, một gia đình. Và giờ đây, mùi đất ấy, mùi của những ký ức gắn liền với ba tôi, cũng đã trở thành một phần của sự ra đi. Cái mùi ấy, chẳng phải là thứ mùi mà tôi có thể quên, chẳng phải là một thứ cảm giác đơn giản, mà nó là một biểu tượng của tình yêu, của sự gắn kết, của nỗi nhớ nhung mà ba đã mang theo suốt cả cuộc đời.

Ba mẹ tôi rời quê hương để mưu sinh, để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho gia đình, nhưng giờ đây, khi nhìn lại, tôi mới hiểu rằng không chỉ có ba mẹ, mà chính tôi cũng đang mang trong mình nỗi nhớ quê hương. Dù đã sinh ra và lớn lên ở phố, dù đã quen với cuộc sống hối hả nơi thành thị, nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi, vẫn có một mảnh đất quê hương mà tôi không thể nào quên được. Nỗi nhớ ấy không thể nào tách rời khỏi tôi, nó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời, như những cánh đồng xanh bát ngát, như những ngôi nhà đơn sơ, như mùi đất mát của mùa mưa, và như những lời ca của mẹ trong đêm vắng. Quê hương vẫn luôn là nơi mà ta tìm về, là nơi mà trái tim ta luôn hướng về, bất kể thời gian trôi qua bao lâu.

Và trong khoảnh khắc ấy, khi nhớ ba, tôi nhận ra rằng mỗi người chúng ta đều có một mảnh đất riêng trong tâm hồn, một nơi mà dù có đi đâu, dù có sống như thế nào, ta cũng không thể quên được.

LÊ QUANG TRẠNG

;
;
.
.
.
.
.