Một thời thơ, nhạc bay

.

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), phương tiện nghe nhìn cả nước hiếm lắm chứ chẳng riêng gì thành phố Đà Nẵng. Nghe, có loa truyền thanh, được mắc ở các ngả đường, nơi trụ điện, trên cao tít. Riêng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng, 17 Lê Duẩn) của chúng tôi được đặt hẳn 2 chiếc loa, hướng ra sân. Âm thanh từ những chiếc loa phát ra đọng lại trong ký ức sinh viên sau hơn 30 năm xa trường có lẽ nhớ nhất là “nhạc hiệu” đến giờ cắp chén đến nhà ăn mỗi bữa. Nó ám gợi, hấp dẫn và có sức hút lạ kỳ, vào trông ra ngóng! Cũng đúng thôi, ở độ tuổi thanh niên, nhu cầu dinh dưỡng, mà thiếu và đói triền miên nên “Dĩ thực vi Tiên” là điều dễ hiểu.

Thơ được “xuất bản” nơi dãy bảng đen chất liệu xi-măng bên hông sân trường, vào ra đều trông thấy. Ảnh: Đ.P
Thơ được “xuất bản” nơi dãy bảng đen chất liệu xi-măng bên hông sân trường, vào ra đều trông thấy. Ảnh: Đ.P

Nhìn, mãi đến vài năm sau đổi mới đất nước mới thấy chiếc tivi 19 inch, được lên màu, tức là chuyển màu từ tivi màn hình đen trắng, đặt trang trọng ở hội trường, dành cho sinh viên nội trú. Tuy thế, đời sống tinh thần sinh viên thế hệ chúng tôi lại rất phong phú, nổi trội hơn cả là thơ và nhạc.

Thơ, có hẳn CLB thơ Đại học Ngoại ngữ, do thầy giáo Bùi Trọng Ngoãn giảng dạy bộ môn Phong cách ngôn ngữ Tiếng Việt làm chủ nhiệm, quy tụ đến gần 20 “cây bút” thơ, cả thầy và trò. Thơ được “xuất bản” nơi dãy bảng đen chất liệu xi-măng bên hông sân trường, vào ra đều trông thấy. Thơ hút độc giả lắm, nhẩn nha đọc, chép vào sổ tay, thầm trao ánh nhìn ngưỡng mộ, trìu mến đến tác giả!

Thơ được “xuất bản”… đều đặn hằng tháng, vào đêm rằm, với tên gọi Đêm thơ nhạc… đi kèm với chủ đề trong tháng. Giao lưu thơ có nhiều nhà thơ thành danh đến dự, cùng đọc thơ, nói chuyện thơ, như nhà thơ: Đông Trình, Hoàng Minh Nhân, Đỗ Cảnh Thìn, Phùng Tấn Đông… Những buổi ra mắt sách các tác giả tổ chức ở các trung tâm văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng, chúng tôi có giấy mời, lời mời, truyền tai rủ nhau cùng dự, say sưa nghe, tự hào và phấn khích lắm!

Chắp cánh cho thơ bay, chúng tôi gửi, được chọn đăng ở Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, tạp chí Đất Quảng, Nguyệt san Áo Trắng… Nhuận bút nhận được, mời nhau cà phê chung ly, thuốc lá đầu lọc chung điếu, ngất ngưởng, liêng biêng vì thành quả. Thơ đủ độ dày và chín, Mai Thìn cho ra đời tập thơ “Cổ tích tình yêu” (NXB Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng, 2-1991), năm sau, Nguyễn Thu Thủy với tập thơ “Con gái” (NXB Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng, 4-1992).

Chúng tôi cũng phát hành thơ, gửi đến các ki-ốt sách báo dọc bờ sông Hàn, trước Bưu điện Trung tâm thành phố Đà Nẵng nhờ bán hộ, nhằm “gỡ vốn” xuất bản. Đánh giá “độ rung” của thơ Mai Thìn, có cô gái nhờ bán thơ đem lòng yêu đơn phương nhà thơ, tôi đoán thế. Những câu thơ: "ai biết ngày mai/ con gái/ đứa nào tóc dài/ tóc ngắn?" của Nguyễn Thu Thủy còn đọng trong trí nhớ của tôi. Ngày ấy còn có tâm hồn yêu thơ, yêu người làm thơ! Có xa xỉ lắm không, bây giờ?

Về âm nhạc, trường có hẳn Ban nhạc Xung Kích, do thầy Hoàng Trọng Thứ, Giảng viên chuyên ngành Văn học Anh làm trưởng ban. Dàn nhạc có âm thanh, ánh sáng rất hoành tráng. Trình tấu các nhạc cụ từ trống, bộ gõ, ghi-ta điện, ghi-ta gỗ, phong cầm… chủ yếu lại là sinh viên khoa tiếng Anh. Có lẽ, phần đông trong số các bạn được sinh ra, lớn lên nơi phố thị, điều kiện tiếp cận âm nhạc nói riêng tốt hơn. Trái lại với sinh viên khoa tiếng Nga, ra đi từ cư dân nông nghiệp, nội tâm, lấy thơ nói hộ tiếng lòng, trải hồn mình.

Trường chúng tôi có nhiều hoạt động ngoại khóa rất… ngoại, như lễ hội hóa trang, ngày Cá tháng Tư… Có đêm vào hội, “phá cách” bày trò ra sân đốt lửa bằng mọi nguồn nhiên liệu có thể. Âm nhạc bùng nổ, vũ điệu “cháy” hết mình, hòa đồng giữa thầy cô giáo và sinh viên bất luận chức danh, tuổi tác đến tận khuya. Có thể, vì hầu hết giảng viên giảng dạy tiếng nước ngoài của trường được đào tạo ở ngoài nước nên họ rất “phong cách” so với quan niệm chung cùng thời điểm. Và, cũng là cách nương theo sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ để dần hạ nhiệt sự phấn khích tức thời!

Ban nhạc Xung Kích được mời giao lưu văn nghệ với nhiều trường chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, với Tổng Lãnh sự quán Liên Xô tại Đà Nẵng. Mật độ dày hơn cả có lẽ là Đại học Bách khoa, có lý do, tìm lấy phần bù, nhẹ nhàng và tươi mới giữa không gian chủ yếu là con trai của trường bạn!

Người nói tiếng nước ngoài ở Đà Nẵng hồi ấy chủ yếu vẫn là tiếng Nga, tiếng Anh nên các sự kiện ngoại giao có liên quan đến nước ngoài thì thầy trò Trường Đại học Ngoại ngữ chúng tôi chiếm ưu thế. Ngoài việc được mời làm phiên dịch, tạo điều kiện thực hành tiếng, còn có biểu diễn văn nghệ. Thế đấy, đời sống tinh thần thời sinh viên chúng tôi chẳng hề nghèo nàn. Để rồi, khi ra trường, trong số cựu sinh viên tiếng Nga chúng tôi sống bằng nghề cầm bút: làm báo, làm thơ, biên dịch… mà cứ thế vui sống. Và để rồi, trong câu chuyện hàn ôn quãng đời sinh viên chúng tôi có một thời thơ, nhạc bay!

NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

;
;
.
.
.
.
.