Mùa đông năm 1947, trong cái lạnh căm căm của đất trời miền Trung lúc hồi cư về từ vùng tản cư - tiêu thổ kháng chiến, gia đình tôi đã gánh chịu ba cái tang lớn vì bệnh tật và đói kém. Mùa đông ấy, làng tôi bị bố ráp, càn quét bởi cả quân Pháp và lính Nhật. Mùa đông năm 1952, tôi ra đời, cùng gia đình gánh cả trận lụt lớn và những tháng đói khát kéo dài… Bởi vậy, mùa đông luôn để lại những ký ức đau buồn khôn nguôi của cả gia đình tôi. Bây giờ lại một mùa đông nữa đang đi qua của năm 2024.
Năm Thìn mà lại mưa thuận gió hòa là hiếm thấy. Mùa đông năm nay đã ấm dần. Ảnh: VĂN QUÝ ĐỨC |
1. Năm 1947, ở làng Thanh Quýt và Ngũ Giáp, quân Pháp đi lùng bắt thanh niên đưa vào lính. Cha tôi kể, ngoài hai đồn lớn là Bồ Bồ và Ngũ Giáp, còn có nhiều đồn bót lớn nhỏ mới xây dựng lên như Hương Sen, Phong Lục, Gò Phật, Trường Giảng… Thời điểm đó, dân tình đói khổ, những cô chú tuổi thiếu niên hằng ngày phải gánh đôi trạt ra đồng lượm phân trâu về đổi gạo để có cái ăn cho những người già.
Những người phụ nữ thì ru rú trong nhà, ngồi xe chỉ và dệt vải bằng những khung cửi thủ công vừa sửa lại sau ngày hồi cư rồi gánh đi bán lén để mua thức ăn và thuốc chữa bệnh cho người ốm đau. Gia đình tôi, sau ba cái tang của ông cố nội, cố ngoại và bà nội tôi, cha tôi phải gánh đôi bầu giả đi buôn, lánh xuống phố Hội đi ở đợ để vừa trốn lính vừa kiếm tiền cho gia đình…
Thời điểm đó, dân tình đói khổ, những cô chú tuổi thiếu niên hằng ngày phải gánh đôi trạt ra đồng lượm phân trâu về đổi gạo để có cái ăn cho những người già. Những người phụ nữ thì ru rú trong nhà, ngồi xe chỉ và dệt vải bằng những khung cửi thủ công vừa sửa lại sau ngày hồi cư rồi gánh đi bán lén để mua thức ăn và thuốc chữa bệnh cho người ốm đau... Mùa đông năm 1952 khi tôi mới mấy tháng tuổi, thì mưa lụt và mất mùa. Mẹ tôi mới sinh xong đã phải lội đồng đi mót lúa, kể cả lúa rài về nuôi con… “Năm Nhâm Thìn đói chữ, đói cơm/ Tôi đói sữa khóc nhây gầy vú mẹ…” là hai câu thơ sau này tôi đã viết về thời thơ ấu của mình…
Mười hai năm sau, Giáp Thìn 1964, một trận lụt kinh hoàng khiến hàng ngàn người bị thủy thần dìm chết khắp các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên và Quảng Ngãi. Năm ấy, mẹ tôi lại sinh em trai giữa trận lụt. Mẹ tôi bị lạm nước, mất sữa, thiếu ăn, nước da vàng bệch. Mẹ và em tôi phải đưa vào tạm trú trên bộ kèo của một chuồng trâu cũ trong xóm. Tôi 12 tuổi, sau lụt phải đón xe đò ra Đà Nẵng xin quần áo cũ, gạo, sữa về phụ giúp gia đình. Nhìn cảnh cả xóm phải nhịn đói trong lúc bò chết sình hàng đàn và lúa gạo bị nước ngập nứt mộng, trâu phải leo lên mái nhà ăn lá tre mà đau xót, người lớn phải giật thức ăn cứu trợ của trẻ con lại càng rơi nước mắt...
2. Mùa đông năm 1973, bão lụt nhiều nơi ở miền Bắc, lúc tôi là sinh viên, đã viết trên báo một bài thơ, chỉ nhớ hai câu: "Bão ở đâu rớt ngoài phương Bắc/ Tôi một mình sống ở trời Nam…". Bạn bè văn nghệ khen, nhưng tôi chỉ nói, có lẽ là do cảm nhận từ một tuổi thơ đã trải qua, một cách riêng tư mà thôi. Mà thật ra, bão lụt cũng như chiến tranh, bất cứ ở đâu cũng làm cho tan cửa nát nhà, đói kém cả thôi, huống gì mình đều là người Việt.
Đến năm 1997 và nhất là hai năm 1999 và 2000, bão lụt lịch sử lại một lần nữa ập đến các tỉnh miền Trung. Tôi làm việc ở một tờ báo lớn, lại là một cơ quan truyền thông có nhiều hoạt động từ thiện ngoài mặt báo, nhờ vậy, chúng tôi đã có mặt ở nhiều tỉnh miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, rồi Huế, Quảng Trị, Quảng Mình và cả Hà Tĩnh, Nghệ An. Những đợt đi cứu trợ nạn nhân bão lụt trong các mùa đông tang thương những năm ấy để lại bao kỷ niệm đầy nước mắt.
Có nhiều năm, cánh phóng viên đi khiêng vác hàng hóa cứu trợ nhiều ngày hơn là đi viết bài tường thuật. Những địa danh như Ngàn Sâu, Ngàn Phố ở Hà Tĩnh, các xã vùng sâu Năm Nam (5 xã thuộc Nam Đàn) ở Nghệ An, các địa danh thuộc huyện Hai Riêng (Tuy Hòa), Đar Krông (Quảng Trị), Lệ Thủy (Quảng Bình) hay vùng Đông, vùng Tây (Quảng Nam) đã trở thành quen thuộc, đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn còn ám ảnh.
Cảnh màn trời chiếu đất của những bà mẹ dân tộc thiểu số người Pa Kô ở Húc Nghì dọc biên giới Lào hay Hai Riêng phía tây Tuy Hòa vẫn như mới hôm qua. Những chiếc quan tài bị lũ hất ra khỏi các nghĩa trang ở Đức Thọ, Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) sau trận lũ năm nào, cứ khiến chúng tôi rùng mình. Những xác người còn mặc nguyên áo đi mưa được các cảnh sát vớt lên sau lũ ở Hòa Vang, Đại Lộc cùng tiếng la khóc của thân nhân họ khiến những người chung quanh cũng khóc.
Một cụ ông ở huyện Triệu Phong bị lũ cuốn, nằm chết ngoài vườn, trong khi chiếc áo quan con cháu dành sẵn cho ông vẫn còn nằm chõng chơ trong mái tôn bị đổ sập sau trận lụt, không cầm nổi nước mắt của đám thanh niên… Tang thương chồng lên tang thương sau những cơn lũ dữ những mùa đông tôi đã đi qua như vậy. Đó là chưa kể bao nhiêu nhà cửa bị cuốn trôi, đường sá, kênh mương thủy lợi, cầu đường bị đào xới sau mỗi mùa đông tai trời ách nước đó ở miền Trung.
3. Mùa đông năm nay, tôi lại đạp xe đi quanh Đà Nẵng mỗi sáng. Nhiều vùng lau năm nay đã trổ ven các con sông. “Chắc sẽ không còn lụt nữa đâu!”, một lão nông xác quyết. Bà con nhiêu nơi đã cày ruộng, giống lúa đã bắt đầu gieo sạ xuống đồng. Rau vụ đông đã lên tươi tốt. Ai nấy đã mừng rỡ. Năm Thìn mà lại mưa thuận gió hòa là hiếm thấy. Mùa đông năm nay đã ấm dần. Lòng người đang hớn hở đón Giáng sinh và năm mới. Rồi mọi người sẽ yên vui với một năm đi qua an bình và no đủ. Cứ mong sao mùa đông mãi đến trong mỗi người với cách làm và suy nghĩ mới!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG