MÙA ĐÔNG

Những mùa đông ấm

.

Với nhiều người, mùa đông không chỉ mang cái lạnh của thời tiết, mà còn mang hơi ấm của ký ức tuổi thơ. Đó đơn giản là chiếc áo len mẹ đan qua bao mùa giá rét, là ánh lửa bập bùng trong căn bếp nhỏ hay là hương vị của những món ăn giòn rụm, thơm lừng…

Mùa đông khiến người ta nhớ đến những món bánh bình dị của bà, của mẹ.  Ảnh: Văn Quý Đức
Mùa đông khiến người ta nhớ đến những món bánh bình dị của bà, của mẹ. Ảnh: VĂN QUÝ ĐỨC

Mỗi khi trời chớm lạnh, từ chợ trở về nhà, trong giỏ xách của bà Nguyễn Thị Như Hồng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) luôn có vài ba lát bánh chuối chiên. Bà ăn không chỉ vì ngon, mà ăn vì nhớ. Bà Hồng kể, năm 1970, từ quê nhà Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), chị em bà theo ba má tản cư ra Đà Nẵng. Thời gian đầu ở phố, không nghề nghiệp trong tay, ba má vẫn cố gắng nuôi chị em bà ăn học bằng đủ thứ nghề, từ phụ hàng quán, phụ hồ, thu mua ve chai đến bán bánh chuối chiên trước cổng trường mỗi khi mùa đông tới.

Từ đó, tuổi thơ của chị em bà gắn với những chiếc bánh chuối béo thơm, ngọt ngào. Bà nhớ như in những sớm mùa đông, má dậy thật sớm để chuẩn bị gánh hàng. Tiếng dao thái chuối, tiếng khuấy bột hòa cùng ánh lửa bập bùng từ bếp tổ ong. Má tỉ mỉ nhúng từng lát chuối vào lớp bột mịn, rồi thả chúng xuống chảo dầu sôi đến khi chín vàng, giòn rụm.

Với bà Hồng, chiếc bánh chuối ngày ấy không chỉ là món ăn lót dạ mà còn là thức quà vỗ về tâm hồn trẻ thơ giữa những ngày tháng khó khăn. Bà chia sẻ, gánh bánh chuối ngày ấy vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là nơi má gửi gắm tình thương vô bờ bến. Nhớ những ngày đông, thời tiết mưa lạnh khiến má co ro trong manh áo mỏng. Vậy mà, bà vẫn cố nán lại trước cổng trường thật lâu, chờ đến giờ tan học để bán thêm vài chiếc bánh.

Vì ký ức sâu đậm, nên khi cầm trên tay miếng bánh chuối, bà Hồng như thấy mình đang trở về những năm tháng tuổi thơ có ba, có má bên cạnh. Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, bà vẫn giữ thói quen mua bánh chuối chiên mỗi khi trời trở lạnh. “Món ăn đơn sơ nhưng gói trọn cả tình thương và sự hy sinh của má dành cho chúng tôi”, bà Hồng xúc động nói.

Trong khi đó, mùa đông với bà Trương Thị Như Nguyệt (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là món thịt đông đặc trưng phía Bắc. “Tôi vốn là con gái đất Hà thành trước khi theo chồng vào Đà Nẵng sinh sống nên mỗi khi đông về lại nhớ da diết món thịt đông - một hương vị rất riêng giữa tiết trời giá rét”, bà Nguyệt cho biết từ nhỏ, bà đã được bố mẹ dạy cách nấu món này. Chỉ cần vài nguyên liệu đơn giản như thịt chân giò, mộc nhĩ, nấm hương, bì lợn, cùng một chút tiêu và nước mắm, món thịt đông đã có thể làm nên một góc trời ký ức.

Bà Nguyệt chia sẻ, sau khi xào qua mộc nhĩ, nấm hương, bà cho thịt chân giò đã ướp gia vị vào nồi ninh nhỏ lửa. Món ăn đạt chuẩn phải được nêm, nấu cẩn thận để thịt và bì tan đều, tạo độ kết dính tự nhiên. Khi nấu xong, bà múc thịt ra bát, để ngoài hiên cho món ăn đông lại trong cái lạnh 130C. “Thịt đông chuẩn vị là khi trời se lạnh, lớp mỡ đông trong vắt, lộ rõ lớp thịt, bì, mộc nhĩ, nấm hương, nhìn đã thấy ngon”, bà say sưa kể.

Giờ đây, sống ở Đà Nẵng, bà Nguyệt vẫn giữ thói quen làm thịt đông mỗi khi mùa đông về. Thời tiết không đủ rét, nấu xong bà phải để thịt trong tủ lạnh để đạt được độ đông mong muốn. Trên mâm cơm gia đình, món thịt đông thường được bày trang trọng, ăn kèm dưa hành, dưa cải chua, những hương vị hòa quyện gợi nhớ những ngày thơ ấu sống trên đất Bắc. Theo bà Nguyệt, người Hà Nội có câu ví von rất thú vị: “Im thin thít như thịt nấu đông”. Bởi món ăn này tượng trưng cho sự tĩnh lặng và mộc mạc, hòa quyện cùng cái rét ngọt của mùa đông. Vì lẽ đó, với gia đình bà, mỗi bữa cơm có món thịt đông đều gợi nhớ một phần ký ức đẹp đẽ về những năm tháng vất vả nhưng ấm áp trên đất Hà thành.

Cũng không quá ngạc nhiên khi ký ức tuổi thơ của mỗi người thường gắn với những món ăn trong căn bếp gia đình. Bởi nó vừa là nhu cầu, vừa là thói quen cứ lặp đi, lặp lại qua nhiều năm tháng. Riêng với nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh, mùa đông trong ký ức là những con đường xao xác, thênh thang và đơn độc. Nơi ông với manh áo mỏng ngồi co ro dưới hiên nhà, cố tránh những cơn gió lạnh bất ngờ thổi thốc qua. “Những ngày gió đông thổi mạnh, chỉ ngồi bên bếp lửa là ấm. Khi ấy, tôi thường cùng anh chị quây quần bên nồi khoai luộc, vừa ăn vừa hơ tay cho đỡ buốt”, ông Sinh nhớ lại.

Những mùa đông trôi qua, ông Sinh nhận ra những giá trị gắn kết trong gia đình. Ông nhớ tiếng mẹ kể chuyện, nhớ tiếng ba cuốc đất dưới trời mưa lất phất. Ông nói rằng, những câu chuyện của mẹ, của ba vừa là niềm an ủi, vừa là nguồn cảm hứng đầu đời để sau này ông mê mải cầm máy ảnh đi tìm vẻ đẹp trong từng con phố ngày đông. Khi năm tháng nghèo khó đã lùi xa, ký ức về mùa đông, về tuổi thơ với những cơn gió lạnh và bếp lửa ấm vẫn là nguồn cảm xúc không bao giờ cạn. Giờ đây, mỗi khi cầm máy, ông luôn cố gắng tái hiện những khoảnh khắc ấm áp và sâu lắng ấy qua ống kính.

Đặt tên cho tập tản văn đầu tay của mình là “Những mùa đông yêu dấu”, cây bút trẻ Trần Nguyên Hạnh nói rằng với cô, mùa đông là mùa của những kỷ niệm ngọt ngào. Là mùa gợi nhớ ly ca cao ấm nóng, nhớ món bánh rán, bánh mật mẹ làm. Hạnh chia sẻ, mỗi khi đông về, cô thường mở lại ca khúc “Những mùa đông yêu dấu” của Đỗ Bảo và mường tượng ra người mẹ luôn dịu dàng và chu đáo, tinh tế và khiêm nhường.

“Tôi nhớ mùa đông thơ ấu có lá vàng và gió lạnh. Mẹ ngồi đan khăn. Hơi lạnh thấm vào những mũi len nhưng bàn tay mẹ vẫn kiên trì giữ cho mũi len đều và thẳng, để mỗi khi quàng chiếc khăn len của mẹ lên người, sự ấm áp lại lan tỏa trong tôi. Năm nào mẹ cũng đan khăn, những chiếc khăn ủ ấm tôi qua bao mùa đông giá lạnh. Để bây giờ, tôi vẫn nâng niu những chiếc khăn mẹ đan như một kỷ niệm yêu thương nâng đỡ tôi từng bước chân trong đời”, Hạnh vui vẻ nói.

Có thể nói mùa đông, trong tiết lạnh se sắt của đất trời, là thời khắc để những ký ức ấm áp len lỏi trở về. Những món ăn bình dị hay khoảnh khắc quây quần bên bếp lửa, không chỉ là kỷ niệm mà trở thành sợi dây gắn kết những người con xa quê với cội nguồn. Và đôi khi, chỉ cần lặng yên, để trái tim dẫn lối, thì những mùa đông xưa với đầy đủ hương vị nhớ thương, sẽ tự khắc ùa về.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.