Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần ở phương Nam

.

Hơn 30 năm trước, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần xuất hiện ở các sạp báo trên các tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ làm ấm lòng những người con xứ Quảng xa quê lập nghiệp, mà còn mang đến cho bạn đọc phương Nam một luồng thông tin hoàn toàn mới lạ, độc đáo.

Thời gian đã qua, không còn nhớ số lượng phát hành ngày ấy, nhưng sự háo hức chờ đợi của độc giả khi số tờ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần xuất hiện ở các sạp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn đọc phía Nam đón nhận trong sự yêu thích là một ký ức khó phai trong sự nghiệp làm báo. Ảnh: NGỌC HIỀN
Thời gian đã qua, không còn nhớ số lượng phát hành ngày ấy, nhưng sự háo hức chờ đợi của độc giả khi số tờ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần xuất hiện ở các sạp báo tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn đọc phía Nam đón nhận trong sự yêu thích là một ký ức khó phai trong sự nghiệp làm báo. Ảnh: NGỌC HIỀN

Đó là quảng thời gian đầu thập niên 90, khi tôi chuyển công tác về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng và được Ban Biên tập cử vào Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tìm đối tác mở rộng địa bàn phát hành và tổ chức các hoạt động kinh tế báo chí cho ấn bản Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần.

Lần giở những ký ức xưa

Mới đó mà đã gần 30 năm, lần giở lại những ký ức xưa cũ với bao buồn vui khi những ngày đầu vào “thủ phủ báo chí miền Nam”, cứ mỗi sáng chúng tôi thường lân la khu vực quanh hồ Con Rùa ngay góc đường Nguyễn Đình Chiều và Phạm Ngọc Thạch, đối diện Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hay ngay cổng trụ sở Báo Tuổi Trẻ trên đường Lý Chính Thắng, nơi có nhiều quầy báo, bày bán tất cả các loại báo của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương như Quảng Nam - Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Cà Mau…

Dần dà chúng tôi trở nên thân tình với các chủ sạp báo, hầu hết họ đều là người gốc Quảng Nam - Đà Nẵng nên khi đến đây, chúng tôi được thoải mái đọc tất cả các đầu báo để nắm bắt thông tin từ nhiều nơi và đặc biệt đón nhận những tờ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần được phát hành tập trung dọc theo những tuyến đường này.

Thời gian đã qua, không còn nhớ số lượng phát hành ngày ấy, nhưng sự háo hức chờ đợi của độc giả khi tờ Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần xuất hiện ở các sạp báo được bạn đọc phương Nam đón nhận là một ký ức khó phai trong sự nghiệp làm báo. Còn nhớ, sinh thời bác Phan Triêm - nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, khi nghỉ hưu bác đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, bác là một trong những độc giả trung thành nhất của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần. Bác vẫn dặn chúng tôi hằng tuần mang đến nhà bác các số báo ra hằng ngày và nhất định phải có Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần để bác đọc, nắm bắt thông tin quê nhà. Mỗi lần mang báo đến, ngoài đón nhận thông tin, bác còn trao đổi nhiều vấn đề quan trọng cần tiếp tục thông tin trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng…

Cộng tác viên Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần

Quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng có rất nhiều nhà văn, nhà báo công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều anh chị thời điểm đó làm công tác quản lý như các anh Huỳnh Bá Thành (Tổng Biên tập Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Lê Tấn Phong (Tổng Biên tập Báo Doanh nghiệp),  Võ Như Lanh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), Phạm Phú Tâm (Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh),  Nguyễn Công Khế (Tổng Biên tập Báo Thanh Niên), Lê Hoàng (Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ )… Vì vậy, vấn đề xây dựng lực lượng cộng tác viên cho số Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần được các anh hỗ trợ, giới thiệu rất nhiệt tình. Nhiều tên tuổi trong làng báo phương Nam đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần như các nhà văn, nhà thơ Vũ Hạnh, Tần Hoài Dạ Vũ, Tường Linh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Minh Quốc, Cung Tích Biền, Lưu Nhi Dũ, Thường Đoan, Ý Nhi…

Nhiều công tác viên khi còn là sinh viên đang theo học tại các trường đại học cũng có nhiều đóng góp cho Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, sau này trở thành những nhà báo tên tuổi như Lê Công Sơn, Nguyễn Đình Mười, Đàm Huy…

Khi viết những dòng này, chúng tôi không khỏi xúc động khi một số nhà văn, nhà báo ngày ấy đã rời xa cõi tạm, để lại bao tiếc thương như anh Huỳnh Bá Thành, Phạm Lê Tấn Phong, Võ Như Lanh, Vũ Đức Sao Biển... Các anh đi xa nhưng tác phẩm báo chí, tên tuổi của các anh vẫn còn gắn liền với Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần ngày ấy, trong tình cảm của độc giả mọi miền quê hương. K

hoảng thời gian 1994-1995, anh Hoàng Tuấn Anh lúc đó là Chánh văn phòng UBND tỉnh vào mở Văn phòng Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi ở báo được về trú đóng tại 132D Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Đây có thể nói là bước ngoặt lớn để phóng viên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thuận lợi hơn trong tác nghiệp.

Có trụ sở làm việc, được theo sát thông tin khi lãnh đạo tỉnh vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Nhờ vậy, nhiều bản tin từ miền Nam đưa về kịp in vào các số báo ra hằng ngày. Chúng tôi không quên được tình cảm của cố Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được. Khi theo chân bác, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, lúc nào bác cũng ân cần, dặn dò cẩn thận trong tác nghiệp…

Thời tươi trẻ với báo chí quê hương

Hoạt động báo chí ngày ấy thật nhiều khó khăn, công nghệ còn lạc hậu, phải cặm cụi viết bài vở bằng tay, chúng tôi thường ngồi ở bưu điện để viết bài từ những tờ fax để gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất có thể. Bạn đọc Quảng Nam - Đà Nẵng yêu bóng đá, tỉnh nhà lại có đội bóng tham gia giải quốc gia nên chúng tôi không thể đứng ngoài tờ tin nhanh bóng đá phát hành hằng ngày. Vẫn còn nhớ như in, cứ mỗi chiều kết thúc trận bóng ở các sân cỏ phía Nam, anh Nguyễn Đình Xê gọi điện hoặc nhắn tin qua phonelink là nhanh chóng phải có bài vở tất cả các sân bóng như: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh…

Do vậy chúng tôi xây dựng lực lượng cộng tác viên khắp nơi, nhiều khi điện thoại chập chờn, fax không được phải chờ cả đêm hoặc trực tiếp điện về. Các cô nhân viên trực bưu điện tưởng rằng chúng tôi nói chuyện với người yêu ở phương nào mà mỗi chiều cứ vội vã chạy đến bưu điên loay hoay suốt buổi với tâm trạng lúc sôi nổi, lúc lặng lẽ…

Đối với tôi, thời gian công tác tại Báo Quảng Nam - Đà Nẵng không dài nhưng rất nhiều ấn tượng sâu sắc trong đời, bởi nơi đây bắt đầu sự khởi nguồn của nghề cầm bút suốt mấy chục năm qua. Những tình cảm mến thương, yêu quý của các lãnh đạo Ban Biên tập, của các đồng nghiệp, của những khu nhà tập thể số 23 Yên Bái, rồi 25 Lê Hồng Phong, Đà Nẵng thân thương. Xa quê hương nhiều năm nhưng mỗi khi trở lại thành phố tôi không quên mái nhà xưa Báo Quảng Nam - Đà Nẵng - nơi đong đầy kỷ niệm của một thời tươi trẻ với báo chí quê hương.

MAI PHÚC

;
;
.
.
.
.
.