1. Ba nhà kinh tế Mỹ thắng Nobel 2024 nhờ nghiên cứu giả thuyết thể chế xã hội quyết định sự thịnh vượng, trong sách "Tại sao các quốc gia thất bại" (NXB Trẻ, tái bản 2024).
Ngày 14-10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế thuộc về ba giáo sư Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson. Họ được công nhận nhờ nghiên cứu vai trò các thể chế trong việc quyết định sự thịnh vượng của quốc gia, lý giải tình trạng chênh lệch giàu nghèo. Đây cũng là nội dung trong quyển Tại sao các quốc gia thất bại (tên tiếng Anh: Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty, xuất bản lần đầu năm 2012) - công trình học thuật dài 15 năm của Acemoglu và Robinson.
Sử dụng lịch sử Đông-Tây kim-cổ đã diễn ra trên tất cả các châu lục của trái đất này, hai tác giả lập luận rằng, những quốc gia thất bại là những đất nước bị cai trị bởi một nhóm quyền thế tập trung, và những nhóm này đã tổ chức xã hội để phục vụ cho quyền lợi riêng của họ trong khi đại đa số quần chúng nhân dân phải trả giá. Thế lực chính trị bị tập trung trong một nhóm nhỏ, được sử dụng để tạo ra tài sản khổng lồ cho những người nắm giữ quyền lực.
"Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta, và những người đoạt giải đã chứng minh tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với mục tiêu này", Jakob Svensson - chủ tịch Ủy ban Nobel Kinh tế - nói trong buổi trao giải.
Trong Tại sao các quốc gia thất bại, các tác giả điểm lại những lý thuyết không thể áp dụng để phân tích sự bất bình đẳng kinh tế. Chẳng hạn như Thuyết địa lý cho rằng vị trí lãnh thổ giữ vai trò quyết định sự giàu nghèo của quốc gia; Thuyết văn hóa chỉ ra các yếu tố tôn giáo, đặc tính dân tộc, giá trị đạo đức xã hội tác động nền tài chính. Hoặc Thuyết vô minh giải thích một cộng đồng nghèo đói bởi những nhà lãnh đạo không biết cách phát triển đất nước.
Acemoglu và Robinson nhận định các yếu tố kể trên không đủ cơ sở để lý giải tiềm lực kinh tế quốc gia. Thay vào đó, họ tập trung nghiên cứu các thể chế xã hội, cơ cấu tổ chức để có thể tìm ra một quy luật phổ quát ảnh hưởng đến sự thịnh vượng.
Tác giả Daron Acemoglu và Simon Johnson hiện đều làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Còn ông Robinson công tác tại Đại học Chicago (Mỹ). Cả ba đều là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng về kinh tế học.
2. "Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy" (NXB Trẻ, 11-2024) ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Trang Thế Hy (29-10-1924 - 29-10-2024), một cây cổ thụ của làng văn chương Nam Bộ.
Gần 50 năm cầm bút sáng tác, tuy viết không nhiều - khoảng trên dưới 50 truyện ngắn, nhưng mỗi tác phẩm của Trang Thế Hy đều mang những thông điệp sống nhân văn và tích cực. Cả đời cầm bút khiêm nhường và lặng lẽ, nhà văn Trang Thế Hy quan sát cuộc sống, lượm nhặt những "nét thiện" và sự kiên cường, bền bỉ trong những con người bình thường trong cuộc sống thường ngày. Trong tuyển tập này, bạn đọc sẽ gặp lại những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông từng in trong các tập sách đã xuất bản, như Anh Thơm râu rồng (Truyện ngắn đoạt giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu 1960-1965 của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965), Nợ nước mắt, Vết thương thứ mười ba, Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn…
Đặc biệt, lần đầu tiên, NXB Trẻ giới thiệu những truyện ngắn của ông từng in trên tuần Báo Nhân Loại (năm 1957) dưới bút danh Văn Phụng Mỹ. Đó là chuyện về những phận người nổi trôi, trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Tác giả Trang Thế Hy (1924-2015) tên thật là Võ Trọng Cảnh là tác giả sáng tác văn và thơ. Ngoài bút danh Trang Thế Hy ông còn có những bút danh khác như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm... Ông được xem là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam bộ nửa sau thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Ông tham gia hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 1975 ông sinh hoạt Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, làm biên tập viên Văn tại báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
MẪU ĐƠN