TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Đà Nẵng - điểm đến mới của điện ảnh thế giới

.

Qua hai kỳ tổ chức, Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng (gọi tắt là DANAFF) là tín hiệu mừng để thành phố có thêm dư địa phát triển ở lĩnh vực kinh tế - văn hóa. Còn cả chặng đường dài phía trước để khai mở tiềm năng từ những sự kiện mang tầm châu lục như DANAFF khi với Đà Nẵng, điện ảnh vẫn là “viên ngọc quý còn ẩn mình”.

Bối cảnh của phim “Yêu em bất chấp” là thành phố Đà Nẵng đẹp lung linh và lãng mạn. Ảnh: Tư liệu
Bối cảnh của phim “Yêu em bất chấp” là thành phố Đà Nẵng đẹp lung linh và lãng mạn. Ảnh: Tư liệu

* Đạo diễn Đoàn Hồng Lê, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8): DANAFF cho thấy văn hóa đang được đầu tư

Tôi đã đến nhiều liên hoan phim quốc tế, ở những thành phố lớn châu Âu. Nhìn cách người ta đến xem phim mà mơ ước: vé chỉ được phát hai tiếng trước khi chiếu, có những bộ phim chiếu ở các rạp mà liên hoan phim thuê của tư nhân thì khán giả còn phải mua vé để bù tiền thuê rạp, vẫn xếp hàng dài mua. Phim chiếu đúng giờ và đến trễ vài phút là không còn cơ hội vào xem nữa bởi khi màn hình bật lên thì cửa đã đóng. Đó không chỉ là văn hóa xem phim ở những nước có nền điện ảnh lâu đời mà còn là sự tôn trọng đối với những tác phẩm điện ảnh và những người làm phim.

Tôi cũng đã đến liên hoan phim Yoryakarta, Indonesia. Đó là một thành phố nhỏ trên một hòn đảo, nhưng có một cộng đồng làm phim trẻ, xem các bộ phim thể nghiệm họ làm thì thấy sự sáng tạo được khuyến khích tối đa, khán giả tôn trọng và các buổi trò chuyện với đạo diễn sau khi chiếu luôn sôi nổi. Người kết nối câu chuyện giữa khán giả và đạo diễn cũng là các nhà làm phim nên rất chất lượng và thú vị. Hình thành được một cộng đồng để chia sẻ với nhau niềm đam mê điện ảnh là điều rất quan trọng và tình yêu điện ảnh của khán giả như vậy truyền nguồn cảm hứng rất lớn đến người làm phim.

Mấy năm gần đây tôi rất mừng khi thấy Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện những người làm phim trẻ, tạo ra các bữa tiệc điện ảnh nhỏ. Họ rất cần được hỗ trợ, khuyến khích để lớn lên, trở thành một cộng đồng điện ảnh trẻ trung, cởi mở, sáng tạo. DANAFF là nơi để người làm phim gặp gỡ khán giả, hội ngộ cùng nhau. Người làm phim rất cần một cộng đồng chia sẻ những mối quan tâm đến điện ảnh, và liên hoan phim là môi trường tốt cho những người hoạt động trong lĩnh vực này bởi ở đó người làm phim được xem những bộ phim mới, cập nhật những xu hướng mới của điện ảnh thế giới và khu vực, chia sẻ các dự án đang thực hiện. Thành phố rất cần những sự kiện như vậy để cho thấy rằng văn hóa đang được đầu tư.

* Nhà báo Trần Tuấn, Trưởng Văn phòng Báo Tiền Phong tại Đà Nẵng: Ban tổ chức cần tính đến việc truyền thông ở mức độ chuyên sâu hơn

Điện ảnh là một trong những sản phẩm công nghiệp văn hóa đang rất được thế giới chú trọng và săn đón, mang lại hiệu quả rất lớn, không chỉ về tiền mà còn về quảng bá hình ảnh của một thành phố, một quốc gia. DANAFF là dịp tốt để báo chí, truyền thông được trực tiếp tham gia hội nhập, học hỏi từ các nền điện ảnh tiên tiến của khu vực và thế giới. Rất nhiều vùng đất, quốc gia được toàn thế giới biết đến và yêu thích tìm đến, là nhờ những thước phim trên màn ảnh rộng. Trước nay mọi người biết Đà Nẵng nhờ những thắng cảnh, điểm du lịch, sản phẩm du lịch nổi tiếng, nhờ con người hiền hòa mến khách... Và giờ đây, chúng ta có thêm một dư địa rất lớn hầu như chưa được khai thác, đó là thông qua kênh phim ảnh.

Đà Nẵng hiện có hơn 100 cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương, với đủ các loại hình truyền thông. Đó là một trong những điều kiện góp phần để DANAFF được lan tỏa đến bạn đọc, công chúng trong và ngoài nước. Và qua hai kỳ DANAFF tôi thấy ban tổ chức đã rất chú trọng và chu đáo với công tác truyền thông. Tuy nhiên, sự kiện DANAFF tôi thấy còn rất thiếu những cây bút phê bình phim, đa số mới chỉ là những bài dạng phản ánh, tường thuật về sự kiện. Mà tác giả phần lớn là những phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật chung chung, chưa chuyên sâu về điện ảnh.

Do đó, trong chặng đường dài của DANAFF phía trước, tôi nghĩ ban tổ chức cần tính đến việc truyền thông ở mức độ chuyên sâu hơn. Nên mời các nhà phê bình phim trong và ngoài nước đến tham dự, thậm chí có thể mời một nhà phê bình phim quốc tế nổi tiếng vào ban giám khảo một hạng mục giải thưởng nào đó. Và cũng nên tính đến việc mời những ekip truyền thông nổi tiếng của thế giới về điện ảnh tham gia bảo trợ thông tin cho liên hoan phim.

Chặng đường phía trước còn rất dài nhưng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, kịp thời và hợp thời. Công nghiệp điện ảnh phát triển sẽ góp phần quảng bá rất lớn những thương hiệu riêng có của Đà Nẵng, từ con người, vùng đất, lịch sử, đến du lịch, ẩm thực, văn hóa giải trí, giáo dục...

* Kinh Quốc, biên kịch, nhà phê bình phim trẻ: Đầu tư vào tương lai của điện ảnh Việt

Tôi nghĩ để DANAFF phát triển theo đúng hướng một liên hoan phim chuẩn, những mùa sau nên tập trung nhiều hơn vào các nhà làm phim độc lập và trẻ tuổi thông qua các chợ dự án, hay giải thưởng dành cho phim ngắn xuất sắc. Người trẻ chính là tương lai của không chỉ ngành điện ảnh mà còn trong mọi lĩnh vực khác. Đầu tư vào nhà làm phim trẻ là đầu tư vào tương lai của điện ảnh Việt.

Tôi chưa từng đặt chân đến những liên hoan phim quốc tế danh giá của nước ngoài nên tôi không dám khẳng định như thế nào là một thành phố điện ảnh thực thụ. Nhưng tôi biết rõ một điều là để làm được việc đó, trước hết Đà Nẵng phải là nơi sinh sống và hoạt động của các nhà làm phim (kể cả phim thương mại như quảng cáo), đạo diễn, diễn viên...

Và để điều này xảy ra, Đà Nẵng cần có thêm những phim trường chuyên nghiệp, rộng lớn và đầy đủ máy móc, thiết bị chuyên dụng. Tiếp theo, thành phố cần thu hút những nhà đầu tư, đơn vị sản xuất mở thêm chi nhánh công ty và phim trường tại Đà Nẵng để những người làm trong ngành phim và sáng tạo nói chung có thêm lựa chọn địa điểm hành nghề mới. Khi Đà Nẵng đã trở thành địa điểm làm phim uy tín thì ta mới có thể nghĩ đến việc thành lập những tổ chức đào tạo về làm phim.

Đà Nẵng vẫn còn là một viên ngọc ẩn trong ngành điện ảnh. Nơi đây không chỉ đẹp mà còn mang tinh thần thoáng đãng của nghệ thuật. Vì vậy, Đà Nẵng có thể trở thành nơi lý tưởng để nuôi dưỡng những tài năng nghệ thuật trẻ.

* Biên kịch Trà Xuân Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng: Định hướng trở thành thành phố điện ảnh

Qua hai lần tổ chức thành công DANAFF, Đà Nẵng đang dần biết phát huy thế mạnh của mình về không gian lý tưởng của một thành phố du lịch, có phong cảnh đẹp, trung tâm của nhiều di sản, con người thân thiện, cơ sở hạ tầng tốt để có thể quy tụ những nhà làm phim uy tín, những tác phẩm điện ảnh chất lượng và những khuôn mặt điện ảnh có sức hút truyền thông. Chúng ta có quyền nghĩ và mơ ước về một thành phố điện ảnh trong tương lai.

Tuy nhiên, Đà Nẵng không chỉ là nơi tổ chức liên hoan phim, mà còn phải xây dựng được hệ sinh thái điện ảnh bao gồm cả trường quay, hệ thống rạp chiếu, nguồn nhân lực, dịch vụ và hãng phim… Vấn đề là Đà Nẵng cần tận dụng lợi thế như một trường quay tuyệt vời thông qua các phim đã sản xuất để các đoàn làm phim tìm đến, ngoài ra cần thu hút, tuyển dụng đào tạo đội ngũ làm phim đáp ứng được các yêu cầu và các dịch vụ cung cấp đạt chuẩn quốc tế, liên kết các đơn vị, sở, ngành với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng các điều kiện tốt nhất cho những nhà làm phim.

Thành phố cần tạo nhiều hơn sân chơi cho các nhà làm phim trẻ trong cộng đồng, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài. Thành phố nên tạo nguồn nhân lực điện ảnh không chỉ từ các workshop như Ươm mầm tài năng trong khuôn khổ liên hoan phim, mà còn có thể phối hợp các Trường Điện ảnh, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và chuyên nghiệp ở nhiều vị trí: biên kịch, đạo diễn hình ảnh, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật dựng… Hiện nay ở Đà Nẵng chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về điện ảnh, thị trường điện ảnh còn nhỏ hẹp nên chưa thu hút được các nguồn nhân lực có chất lượng cho các hoạt động điện ảnh.

Đà Nẵng cũng cần có những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện trong sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ làm công tác điện ảnh hiện có đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố.

NHÂN HÒA ANH

;
;
.
.
.
.
.