TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Để du lịch văn hóa có lối đi riêng

.

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái với lợi thế trước sông, sau núi, biển kề một bên đi kèm các di tích, danh lam, thắng cảnh, bảo tàng, làng nghề, lễ hội… có tuổi đời hơn trăm năm. Điều này tạo nguồn tài nguyên quý giá về kho tàng văn hóa và là nền tảng, lực hấp dẫn để phát triển du lịch. Lẽ đó, chúng ta có quyền hy vọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa có bản sắc, độc đáo và theo hướng bền vững.

“Đệ nhất hùng quan” Hải Vân Quan sau hơn 2 năm trùng tu đã mở cửa, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn. Ảnh: Xuân Sơn
“Đệ nhất hùng quan” Hải Vân Quan sau hơn 2 năm trùng tu đã mở cửa, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn. Ảnh: Xuân Sơn

Những chiếc áo mới lộng lẫy

Tại đỉnh đèo Hải Vân mây ngàn lộng gió, “đệ nhất hùng quan” Hải Vân Quan sau hơn 2 năm trùng tu, tháng 8-2024 đã mở cửa, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn. Có thể nói, công trình đã làm sống lại vẻ đẹp uy nghi về tư duy hướng biển của vua Minh Mạng. Bởi đứng trên đỉnh đèo, phóng xa tầm mắt, phong cảnh hùng vĩ với biển cả, núi non trùng điệp trải dài hiện ra kèm sương giăng mờ ảo, mây trắng bảng lảng sà xuống như bức tranh có một không hai.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, tỏ rõ niềm tự hào khi nhắc đến Hải Vân Quan, ông chia sẻ, việc phục hồi, bảo tồn Hải Vân Quan thực sự làm sống lại các giá trị văn hóa bởi chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, quân sự, nó cũng là “đòn bẩy” phát triển du lịch bền vững.

Từ đỉnh đèo Hải Vân, chúng tôi xuống phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu để trò chuyện cùng anh Bùi Thanh Phú, chủ hộ kinh doanh nước mắm nhĩ Nam Ô Hương Làng Cổ. Nhớ lại khoảng thời gian gần 10 năm trước, anh trăn trở khi làng nghề nước mắm Nam Ô hơn 400 tuổi và từng là đặc sản “tiến vua” có nguy cơ biến mất trong dòng chảy đô thị hóa bởi đầu ra khan hiếm, đọng vốn lâu nên người dân muốn tìm ngành nghề khác trang trải cuộc sống.

Là người con của làng chài cổ Nam Ô và gia đình có truyền thống 4 đời làm mắm nên anh đặt quyết tâm gầy dựng thương hiệu nước mắm Nam Ô vang danh một thời. Nói là làm, anh dồn hết số vốn để thành lập công ty, nghiên cứu lại cách thức làm mắm đạt tiêu chuẩn màu nâu hổ phách, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và quảng bá sản phẩm đến các công ty du lịch, hội, nhóm…

Không phụ lòng anh Phú và bà con làng nghề, nước mắm Nam Ô dần tiến xa trên bản đồ nước mắm trong cả nước khi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp logo, nhãn hiệu tập thể và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia. Bước ngoặt mới, tháng 6 vừa qua, nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đầu tiên của thành phố và là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước (cùng nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết).

Thận trọng và linh hoạt

Đà Nẵng sở hữu kho tàng văn hóa như: di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn), Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng… Ngoài ra, còn có các làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, làng nghề làm bánh tráng Túy Loan… hay lễ hội Cầu ngư đều được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nổi bật, bên dòng sông Hàn thơ mộng, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành thương hiệu, là sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, muốn tạo sức hút và điểm nhấn riêng để phát triển du lịch văn hóa không chỉ ở một mùa mà suốt bốn mùa trong năm thì cần nhiều yếu tố về nguồn nhân lực lẫn chất lượng sản phẩm.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, thực tế, giống nhiều địa phương, Đà Nẵng đã và đang đối mặt nhiều thách thức, khó khăn trong việc phát triển văn hóa gắn với du lịch. Để tìm giải pháp vừa phát triển du lịch văn hóa vừa phát triển kinh tế và giữ được giá trị vốn quý di sản văn hóa, thành phố cần thận trọng và linh hoạt.

“Tôi nghĩ cần 5 yếu tố chính. Thứ nhất, công tác quảng bá và phát huy giá trị cần hiệu quả, tương xứng tiềm năng vốn có, để hấp dẫn công chúng, nhất là giới trẻ. Thứ hai, cần năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, để làm giàu các giá trị di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch. Thứ ba, việc tiếp đón du khách đến tham quan phải tính toán đủ khả năng, sức chứa để khai thác đúng mức, bảo tồn lâu dài. Song song, có hướng dẫn cụ thể đối với các nội dung như: thành lập tổ chức bảo vệ di tích, cơ chế, chính sách tài chính cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch bền vững gắn với cộng đồng.

Thứ tư, nên chăng đưa các loại hình di sản văn hóa truyền thống vào giảng dạy và xây dựng chương trình, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người làm văn hóa lẫn du lịch. Thứ năm, tạo điều kiện trong việc liên kết các vùng nhằm khai thác những giá trị chung về tài nguyên, di sản văn hóa để thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Đồng thời phát huy kết quả đạt được, khắc phục nhược điểm, nêu bật ưu điểm, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, bài bản”, ông Thiện chia sẻ.

Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành tiềm năng, điển hình là lĩnh vực du lịch văn hóa, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, sở tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ. Qua đó, các địa phương chủ động triển khai xây dựng đề án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch như: “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đình Lỗ Giáng”, “Đề án du lịch cộng đồng Nam Ô”... và đưa vào khai thác các chương trình nghệ thuật truyền thống như “Hồn Việt”, “Tuồng xuống phố”... Ngoài ra, thành phố hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống.

Trong đó, chú trọng hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn và hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các quận, huyện. Theo đó, các hoạt động được đổi mới về nội dung lẫn hình thức, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách.

Đồng thời đề xuất giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, nhất là ứng dụng công nghệ mới, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng, có thể tham gia thị trường quốc tế. Xây dựng thị trường cho các sản phẩm văn hóa và hoạt động văn hóa trên cơ sở kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt, sở tham mưu UBND thành phố ban hành đề án tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, đây là cơ sở để triển khai các hoạt động quy mô, hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thành phố.

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.