Thành phố của tình ca!

.

Những câu hát ngọt ngào, tình cảm về đôi lứa, về thành phố là một góc tâm hồn tạo nên một Đà Nẵng. Có điều ngạc nhiên khá thú vị gây nên bất ngờ nho nhỏ cho người viết khi khảo sát ca khúc về Đà Nẵng. Những tưởng một thành phố năng động, hiện đại, vươn mình đầy sức sống ấy sẽ ngập tràn những giai điệu trẻ trung, sôi động nhưng không hẳn vậy, trong âm nhạc Đà Nẵng là thành phố của tình ca.

Vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng trong đêm hội pháo hoa.Ảnh: PHẠM PHÙNG
Vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng trong đêm hội pháo hoa. Ảnh: PHẠM PHÙNG

Ngân nga cùng Đà Nẵng

Nhắc tới Đà Nẵng, câu hát đầu tiên vang lên trong tôi là: “Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng trong lòng tôi sao mà sâu mà nặng/ Như tình cha muối mặn, như tình mẹ gừng cay”. Những câu hát ấy đến với tôi một cách rất giản dị, thông qua mạng xã hội, một ngày tình cờ xem được clip của NSƯT Quang Hào đội mũ lưỡi trai, đeo kính đen, mặc áo phông đứng hát bên bờ sông Hàn lộng gió. Có thể nói hết sức dân dã, gần gũi, cùng với chất giọng xứ Quảng nặng nghĩa ân tình của người hát, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đủ tạo ấn tượng đẹp với tôi. Mà sao những lời ca ấy thấm quá, nào là “có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu”, nào là “có hiểu được lòng nhau, mới tới bờ tới bến” và “mới thấu hết nghĩa tình”. Vẫn là những giai điệu trữ tình như biết bao bản tình ca quê hương nhưng lời ca thì ra cốt cách, tinh thần của người xứ Quảng - Đà Nẵng. Thông qua Quang Hào, tôi biết và có cảm tình với ca khúc “Đà Nẵng tình người” của nhạc sĩ Đình Thậm và cũng biết thêm, có khá nhiều ca sĩ cả nước đã thể hiện ca khúc này như Thanh Thanh Hiền, Anh Thơ, Bùi Lê Mận…

Nhân nhắc đến nhạc sĩ Đình Thậm, anh đồng thời cũng là tác giả ca khúc “Đà Nẵng mến yêu” mang đậm màu sắc trữ tình quê hương. Ca khúc này cũng được nhiều bạn yêu mến qua phần trình bày của giọng ca Cẩm Ly. Ca khúc mở đầu bằng một câu hát gợi niềm nhớ thương: “Lâu lắm chưa về thăm quê mình/ Trong lòng nỗi nhớ cứ bâng khâng…” và vẫn mạch nội dung ấy được tiếp tục cho đến đoạn điệp khúc: “Bao nhiêu năm qua vẫn những thăng trầm/ Ta như dòng trong lắng vào lòng tất thảy/ Như buồn vui cuộc đời Hàn giang vẫn chảy/ Đà Nẵng ơi! Mãi nồng say hương vị nụ hôn đầu…”.

Cùng chất trữ tình quê hương có nội dung viết về Đà Nẵng, phải kể thêm hai ca khúc khác do hai ca sĩ dòng nhạc bolero thể hiện nghe rất “bén” tai. Đó là “Đà Nẵng trong tim tôi” sáng tác của Yên Vy qua phần thể hiện của ca sĩ Lưu Ánh Loan, những giai điệu nhè nhẹ cất lên cho ta thấy sự dịu dàng của thành phố: “Đà Nẵng bây giờ đẹp lắm anh ơi/ Nhà máy phố thị trường học công viên/ Hôm nay vươn lên tầm cao mới/ Mùa xuân trong lòng người phơi phới/ Khắp muôn nơi xuân vang tiếng cười…”. Qua giọng ca Long Nhật khi thể hiện ca khúc “Đà Nẵng chiều nắng lạ” của Nguyễn Minh Anh, gợi lên một Đà Nẵng thật đắm say: “Dòng sông Hàn chiều nay trôi mênh mông đổ về biển lớn/ Bên những con đường lộng gió phía trời xa/ Đà Nẵng hôm nay đi bên em một chiều nắng lạ/ Thương lắm câu hò xứ Quảng lạc hồn thơ”.

Lạ là ngay cả khi Đà Nẵng được nhạc sĩ sáng tác trong khuôn khổ như tác phẩm chính ca, lại “rơi” vào tay Trọng Tấn, một trong những giọng ca nổi danh của dòng ca khúc cách mạng vậy mà bên cạnh những âm hưởng hào sảng thì vẫn rất rõ một thành phố của tình ca. Như trường hợp ca khúc “Đà Nẵng trong tim tôi” của Trương Quang Tuấn do Trọng Tấn thể hiện. Những giai điệu mở đầu dõng dạc mà chan chứa yêu thương: “Dưới chân đèo Hải Vân, một thành phố đang lớn dần, quê hương tôi Đà Nẵng…” và rồi những giai điệu điệp khúc bùng lên những thiết tha: “Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng ơi, quê hương tôi phố cảng đẹp mãi/ Tuy đi xa luôn nhớ đến quê nhà, nhớ Mẹ hiền niềm tin bao la, những con người đất Quảng quê ta”.

Ca khúc viết về Đà Nẵng hẳn đã có tới hàng trăm bài, trên không gian mạng xã hội cũng dễ dàng tiếp cận được nhiều bài. Trong đó, có nhiều ca khúc được người dân Đà Nẵng yêu mến và thưởng thức, chẳng hạn như: “Tình yêu Đà Nẵng” của Trần Ái Nghĩa, “Đà Nẵng thành phố tôi yêu” của Mạnh Hồ, “Đà Nẵng thành phố tôi yêu” của Thanh Anh, “Sông Hàn tuổi mười tám” của hai tác giả Bùi Công Minh và Minh Khang, “Lung linh Đà Nẵng” của Lê Đăng Khoa. Nhiều tên tuổi của nền âm nhạc cách mạng cũng đã dành tình yêu cho Đà Nẵng như nhạc sĩ Huy Du có "Sông Hàn vang tiếng hát" (phổ thơ Dương Hương Ly), nhạc sĩ Trần Hoàn có “Chiều Đà Nẵng”, nhạc sĩ An Thuyên có “Sông Hàn tình yêu của tôi”…

Đà Nẵng xưa và nay

Xứ Quảng - Đà Nẵng hình như có gì đó lạ lắm, nó có thể làm dịu đi độ “nóng” trực trào trong thế giới cảm xúc của người nghệ sĩ tràn năng lượng, nó có thể tiết chế được cảm xúc để rồi vẫn là con người cá tính đó nhưng được dịu đi khi hòa mình vào với không gian, đất trời, cảnh sắc và lòng người Đà Nẵng.

Xứ Quảng - Đà Nẵng từ xa xưa đã luôn là vùng đất sinh ra những người tài, cũng là nơi hội tụ anh tài. Hòa cùng cảnh sắc thành phố bên bờ sông Hàn, cửa ngõ Biển Đông, những cảnh sắc thiên nhiên núi rừng và biển đan xen tạo nên nét duyên thành phố. Cùng với người dân xứ Quảng “nghĩa nặng, ân đầy”, có lẽ thế mà nơi đây đã luôn là niềm thương nỗi nhớ cho người ra đi dù là ở tâm thế nào, để rồi khi trở về dù chỉ là trong tâm tưởng cũng đầy bồi hồi xao xuyến.

Thời khắc lịch sử 29-3-1975 Đà Nẵng được giải phóng, từ Hà Nội, người con của thành phố - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cảm xúc dâng trào và ca khúc “Đà Nẵng ơi, chúng con đã về” đan xen giữa niềm vui chung với nỗi niềm riêng đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình phát thanh trưa ngày 30-3-1975. Những câu hát đã đi vào lịch sử thành phố, lịch sử đất nước: “Đà Nẵng mến yêu hôm nào ta ra đi/ Đã ba chục năm kháng chiến trường kỳ…”. Trong tiết nhịp hành khúc đầy khí thế ấy, vẫn không quên những lời ca nặng tình quê hương: “Đà Nẵng ơi lòng thương nhớ/ Nay thỏa mong niềm ước mơ”.

Xứ Quảng - Đà Nẵng nay đã vươn mình ra biển lớn, là thành phố có sức hút đặc biệt với giới tinh hoa, trí thức và giới trẻ cả nước. Những khúc tình ca về một Đà Nẵng ngày mới cũng đang dần xuất hiện hòa chung nhịp đập dựng xây thành phố. Nhiều nhạc sĩ không phải người con Đà Nẵng nhưng bén duyên và trót yêu thành phố để rồi gửi gắm, giãi bày vào những tác phẩm âm nhạc. Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp người Hà Nội, sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh ra hẳn một album về Đà Nẵng lấy tên là “Lung linh sông Hàn” (năm 2010). Album quy tụ những ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương, Hà Anh Tuấn, Cao Thái Sơn, Nguyễn Phi Hùng…

Tất cả cùng cất vang những câu hát ngợi ca phố biển bên sông Hàn. Người con gái Đà Nẵng - Mỹ Tâm cất vang câu hát: “Đà Nẵng ơi, hào khí ngút trời, tháng Ba dệt bao mơ ước” - ca khúc “Xôn xao Đà Nẵng” thơ Nguyễn Đức Nam; Cao Thái Sơn hát “Đêm sông Hàn” thơ Lê Văn Nho; Hà Anh Tuấn hát “Bồng bềnh cáp treo” thơ Bùi Công Minh; Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Quỳnh Hương đều thể hiện ca khúc “Đà Nẵng tôi yêu” thơ Nguyễn Bá Thanh…

Xứ Quảng - Đà Nẵng hình như có gì đó lạ lắm, nó có thể làm dịu đi độ “nóng” trực trào trong thế giới cảm xúc của người nghệ sĩ tràn năng lượng, nó có thể tiết chế được cảm xúc để rồi vẫn là con người cá tính đó nhưng được dịu đi khi hòa mình vào với không gian, đất trời, cảnh sắc và lòng người Đà Nẵng. Đó là tôi đang nhắc tới nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong một sản phẩm âm nhạc rất mới viết về Đà Nẵng ra mắt dịp mùa thu năm 2024 mang tên “Nắng gió gọi người về”. Ca khúc này do Quang Hào thể hiện, có nét trữ tình, có sự thiết tha: “Kìa nắng Bà Nà, mặn như mồ hôi em rơi rơi, rơi rơi cho lúa chiều vàng” và “Hòa Vang chiều rất thơ, có những cánh cò thực như mơ như chuyện xưa ngoại tôi vẫn kể”.

Xứ Quảng - Đà Nẵng có một góc khác, thật trẻ trung trong ca khúc “Welcome to Da Nang” của Hoàn Vũ Việt ra đời cách đây chín năm do ca sĩ Thiên Ân thể hiện. Tiết tấu sôi động, những giai điệu tràn đầy sức trẻ đã mở ra một không gian của nhịp sống đô thị hiện đại ngập tràn niềm vui của thành phố bên dòng sông Hàn. “Ngàn hoa lung linh nở thắm tươi/ Cánh bướm la đà như muôn ngàn ý thơ/ Đàn em tung tăng cùng đến trường/ Cụ già dạo chơi công viên cười rất vui” và tiếp nữa: “Dòng sông miên man lờ lững trôi/ Phố xá thênh thang bao xe cộ tới lui”. Để rồi, như một lời khẳng định: “Bạn ơi hay chăng Đà Nẵng tôi/ Là một thành phố đáng sống nhất Việt Nam…”.

Góp thêm vào những ca khúc về Đà Nẵng, mới đây có “Tuyệt vời Đà Nẵng” của OnlyC, một sản phẩm âm nhạc của thời hiện đại, được sáng tác theo đúng lối nghe nhạc của người trẻ thời âm nhạc điện tử hiện nay. Ca từ thì khỏi bàn, ở đó chỉ ngập tràn một tình yêu Đà Nẵng. Chàng nghệ sĩ trẻ người Đà Nẵng trong tâm thế người con xa quê nhớ về nơi bình yên, nhớ những cây cầu, những con phố không kẹt xe, nhớ thành phố vừa có sông, vừa có biển, nhớ những câu “răng rứa chi mô tê”, nhớ nụ cười hồn hậu của người dân nơi đây. Để rồi chàng nghệ sĩ khát khao: “Nắng tắt cho tôi trở về nhà/ Bún mắm hay nem lụi ở đây/ Nuôi tôi ký ức ngày khờ dại/ Tiếng sóng cứ vỗ bên tai”. Và lấy những mong muốn đó là động lực để cùng bạn bè xách ba lô nhưng không phải để trở về mà tiếp tục đi khắp năm châu để nói cho mọi người rằng: “Đà Nẵng quê tôi thật tuyệt vời/ Còn chần chờ chi mau tới ngay đi”.

Tuyệt vời Đà Nẵng” không chỉ là một ca khúc trẻ trung, “bắt” tai, “bắt” mắt, không chỉ là một MV phù hợp cho quảng bá hình ảnh thành phố gắn với điểm đến du lịch mà còn giúp lấp vào khoảng trống nhạc trẻ theo xu hướng thời đại ở trong nước và khu vực. Ca khúc về Đà Nẵng rất cần được bổ sung thật nhiều những giai điệu trẻ trung, đúng xu hướng âm nhạc thịnh hành hiện nay kiểu như “Tuyệt vời Đà Nẵng”, cần “hút” những gương mặt trẻ tài năng tham gia vào sáng tạo những tác phẩm mới cho thành phố.

Dẫu thế, hợp nhất với Đà Nẵng vẫn phải là những khúc tình ca chứa chan tình người, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, vùng đất. Cho nên, trong những dự định tương lai, cùng với khuyến khích nhạc trẻ, vẫn rất cần phải làm sao để chúng ta có được những tình khúc thực sự chất lượng, có độ lan tỏa ra ngoài không gian thành phố, ngự trị trong trái tim người yêu nhạc cả nước, để Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố của tình ca.

Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG

;
;
.
.
.
.
.