Có những lúc lòng trống không, suy nghĩ nhiều thứ nhưng im lặng. Tìm một tri âm để nói và nghe nhiều khi cũng khó như sự may rủi cuộc đời. Một mẫu tin không vui từ một người bạn ngày xưa, một khát khao văn chương hay một thực tế bất cập nào đó vừa được thông báo… lòng cảm thấy chông chênh, những lúc như vậy rất cần một người để nói chuyện. Họ không nhất thiết nói nhiều, uống nhiều, chỉ cần họ ngồi bên cạnh, im lặng của họ là sự chia sẻ, đồng cảm. Và thầy Hoa - Huỳnh Văn Hoa có lẽ là người mà cuộc sống cần, nhất là những lúc lòng mình có những điều không nói được.
Chân dung thầy Huỳnh Văn Hoa. |
“Hoa đã hướng dương”
Ngày trước, nhà thầy may mắn không lâm vào cảnh thiếu gạo, mẹ thầy tần tảo sớm hôm ở cái thị trấn nghèo Việt An (Hiệp Đức) cũng đủ cho thầy ăn học. Hồi đó đủ ăn và học được là khoảng cách rất rộng, rất nhiều người ăn đủ nhưng học không vào, nhất là thời chiến, còn thầy tú tài toàn 1974 là một thứ đủ làm nên sự trầm trồ. Ai ở miền Nam ngày ấy mới thấy ý nghĩa của cái bằng tú tài toàn. Nó là giấy chứng nhận cho sự thay đổi của số phận, câu thơ của Cung Văn gần như ai ở miền Nam cũng thuộc “Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con” như một lời nguyền cho hai thứ bậc.
Nhưng thầy Hoa không đi lính mà ngược lại thầy thuộc lớp “Hoa đã hướng dương” (Đông Trình) - tham gia cách mạng. Ngày ấy tại Đà Nẵng lớp thanh niên, học sinh hoạt động trong phong trào chống chính quyền Sài Gòn thuộc Tổng đoàn, là hình thức hoạt động công khai do Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Đà tổ chức và lãnh đạo. May mắn thầy không bị bắt, trong khi có những người bạn cùng lớp, cùng tổ chức với thầy hoặc thoát ly, hay là “lao tù là nơi ta rèn tâm chí”. Bạn thầy nhiều người vào tù, thầy thương và lo, sau này thầy viết một bài “Tù nhân đi thi”. Đi thi ấy là thi tú tài, tù nhân ấy là bạn cùng lớp: N.C.K, sau này thành một nhà báo có tiếng.
Năm 1974, thầy vào Đại học Sư phạm (Huế), tốt nghiệp một ngành gan ruột với thầy: Văn. Hình như thầy sinh ra là dành cho văn chương và đi dạy. Văn từ cái dáng đi đến giọng nói, cả chữ viết của thầy cũng đẹp và ngay ngắn. Thầy không quá khó để tìm công việc và cả danh vị, những thứ đó hình như tìm đến thầy. Có hai sự kiện quyết định đến cuộc đời: tham gia Tổng đoàn và làm việc ở ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Người thợ mộc kẻ chỉ đường cưa
Không biết trong hàng ngàn cán bộ có mấy ai còn lưu lại toàn bộ ghi chép các cuộc họp, hội nghị như thầy Hoa? Tổng kết đến nay thầy có 31 tập ghi chép như vậy, chỉn chu từ ngoài bìa cho đến bên trong. Ghi thời gian, nội dung và xong một cuộc họp là gạch ngang thẳng tưng. Thói quen vở sạch chữ đẹp hay tính cách cẩn thận cuộc đời? Không chỉ ghi chép mà nếu gặp thông tin nào đó liên quan trên báo, thầy cắt cũng vuông vức và dán kèm. Tôi nhìn những trang ghi chép có cả màu xanh đỏ đó mà nghĩ tới bài học ngày tiểu học: phải biết chấm dấu chấm trên chữ i. |
Thầy trực tiếp đứng lớp không nhiều, trên dưới năm năm, còn lại là làm quản lý. Có lẽ thầy là người làm quản lý ngành giáo dục ở tỉnh lâu nhất. Ngày trước “Đốc học” là một trong những chức quan không lớn nhưng được nể trọng nhất nhì. Tên gọi, việc dạy và học khác nhau nhiều, nhưng lòng kính trọng thầy giáo thời nào cũng sâu nặng giống nhau. Không biết thầy Hoa đã đến bao nhiêu ngôi trường xứ Quảng, bao nhiêu lần tiếp nhận thầy cô ra trường về nhận công tác…
Trong các công việc ở đời, đi dạy chưa bao giờ đòi hỏi “công nghệ” giáo dục phức tạp như thời nay. Những cải cách, đổi mới, nhỏ như cách đọc a-bê-xê sang a-bờ-cờ, lớn như nghĩa của câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” nên hiểu như thế nào cho đúng… là những thử thách nhiều khi mất ngủ. Chưa có ngành nào mà thi đua nó cụ thể và “ác liệt” như ngành giáo dục. Đã qua vô số lần tập huấn, bao nhiêu lần kiểm tra giáo án, vô số những lần “cách ly” để ra đề và chấm thi, nhất là điều hành cả vạn con người vốn là những bậc mô phạm và qua họ là cả hàng trăm ngàn học sinh. Giữ để ổn định, toàn thành phố miền núi cũng như miền biển, cứ đến giờ là tiếng trống trường cùng vang lên hiệu lệnh, không sự cố đã là một thành công, có một vị thế và được đánh giá cao là một niềm tự hào.
Tôi hay lẩn thẩn tự hỏi tư cách và nhân cách nó khác nhau như thế nào? Sắc thái có thể khác nhau nhưng cả hai đều đòi hỏi sự nghiêm khắc bản thân, hai chữ “rèn luyện” chưa nói hết phẩm chất đời người, bởi nó có cái gì đó phải cố mà làm. Trong khi đó nhân cách là cái có một cách tự nhiên, thuộc bản tính con người, là kết quả của sự nhào nặn bản thân theo hướng thiện lương từ trong bụng mẹ và một đời gìn giữ. Thầy Hoa là người trọng nhân cách, cần mẫn hoàn thành công việc, các danh hiệu thi đua cần thầy đều có, nhưng như vậy mới chỉ là trách nhiệm của một công chức. Thầy Hoa hơn thế. Mấy mươi năm làm quản lý ngành, rồi chuyển qua chuyên trách công tác đảng, sau khi về hưu được giao làm chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo, bất hạnh thành phố. Công việc thầy giáo có lẽ gần gũi với những thân phận bất hạnh nên thầy tỏ ra mát tay ở công việc làm phước này. Thầy Hoa sợ làm việc sai, giữ gìn sự trung thực như người thợ mộc kẻ chỉ đường cưa.
Không biết trong hàng ngàn cán bộ có mấy ai còn lưu lại toàn bộ ghi chép các cuộc họp, hội nghị như thầy Hoa? Tổng kết đến nay thầy có 31 tập ghi chép như vậy, chỉn chu từ ngoài bìa cho đến bên trong. Ghi thời gian, nội dung và xong một cuộc họp là gạch ngang thẳng tưng. Thói quen vở sạch chữ đẹp hay tính cách cẩn thận cuộc đời? Không chỉ ghi chép mà nếu gặp thông tin nào đó liên quan trên báo, thầy cắt cũng vuông vức và dán kèm. Tôi nhìn những trang ghi chép có cả màu xanh đỏ đó mà nghĩ tới bài học ngày tiểu học: phải biết chấm dấu chấm trên chữ i.
Gần đây thầy Hoa viết nhiều về màu sắc trong thơ, màu tím của Hữu Loan, màu vàng của Chế Lan Viên… thì ra mỗi nhà thơ ngoài các hình tượng văn chương họ còn lưu dấu những sắc màu riêng. Người ta hay nói các nhà văn thường rất sành ăn, sành uống, với họ ăn không phải để cho no mà chính là biết tận cùng của hương vị đất trời ban tặng. Biết ăn ngon là một chân trời cảm thụ cũng như biết thấy những sắc, những màu quanh ta là đặc ân chỉ con người mới có, bởi chỉ con người mới biết ngạc nhiên. Có thể đây là một tuyến bài thú vị, máy tính phân biệt được một triệu màu, nhưng thơ phong phú đến đâu cũng chỉ bảy sắc cầu vồng, nhưng ở mỗi nhà thơ họ thường chọn một màu điển hình nào đó, màu của tâm hồn mà không có máy tính nào so sánh được. |
Tận cùng hương vị đất trời
Văn chương có từ lâu đời nhưng lý luận về văn chương thì sau này mới có. Thầy lấy bằng tiến sĩ lý luận văn học năm 2008. Ngoài những vấn đề chữ nghĩa, thi pháp, nguyên lý… có lẽ thu hoạch lớn nhất của thầy trong mấy năm đèn sách ở Hà Nội là được giao du với các nhà văn, nhà giáo văn học nổi tiếng chốn kinh kỳ. Đó là những thôi thúc nhiều khi hơn cả chữ nghĩa trong giáo trình, các nhà văn với cuộc sống đời thường nhiều khi là những bài học mà không phải trường lớp nào cũng có được. Và giống như những nhà văn ấy, cả đời thầy Hoa mê sách, thời học phổ thông thầy say mê Tự lực Văn đoàn, lớn lên thì những “Những người khốn khổ”, “Cõi người ta”, “Đỉnh gió hú”… Ở Đà Nẵng thầy là một trong vài người có trọn bộ Văn, Bách Khoa. Thầy mê Kinh Kha, thầy thấm thía “Không công danh thà nát với cỏ cây”.
Sau “Văn chương từ những góc nhìn” (NXB Đà Nẵng, 2014), “Từ những trang văn” (NXB Hội Nhà văn, 2017)… trong mấy năm gần đây thầy tập trung giới thiệu các tác giả đương thời, người đọc rất ấn tượng bài “Trả nhớ về không” (về bài thơ (cùng tên) của Đỗ Trung Quân), “Tường Linh, một người thơ xứ Quảng”, hay bài được đánh giá cao “Tuệ Sĩ trên nẻo về cõi tịnh”… Có một tập bản thảo khá đầy đặn giới thiệu tập trung nhà nghiên cứu Đặng Tiến. Hy vọng đây là tác phẩm xứng đáng với uy tín và sự nghiệp phong phú về nhà nghiên cứu người Hòa Vang - Đà Nẵng này.
Các tập sách tiểu luận - bình luận văn chương của thầy Huỳnh Văn Hoa. Ảnh: Tư liệu |
Gần đây thầy Hoa viết nhiều về màu sắc trong thơ, màu tím của Hữu Loan, màu vàng của Chế Lan Viên… thì ra mỗi nhà thơ ngoài các hình tượng văn chương họ còn lưu dấu những sắc màu riêng. Người ta hay nói các nhà văn thường rất sành ăn, sành uống, với họ ăn không phải để cho no mà chính là biết tận cùng của hương vị đất trời ban tặng. Biết ăn ngon là một chân trời cảm thụ cũng như biết thấy những sắc màu quanh ta là đặc ân chỉ con người mới có, bởi chỉ con người mới biết ngạc nhiên. Có thể đây là một tuyến bài thú vị, máy tính phân biệt được một triệu màu, nhưng thơ phong phú đến đâu cũng chỉ bảy sắc cầu vồng, nhưng ở mỗi nhà thơ họ thường chọn một màu điển hình nào đó, màu của tâm hồn mà không có máy tính nào so sánh được.
Đi dạy và viết báo không hiếm, các nhà sư phạm có kinh nghiệm thường là các nhà báo viết nhiều, nhưng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không có mấy người. Thầy Hoa có chân trên chiếc chiếu văn chương sang trọng ấy, dù là chẳng mấy khi thầy nhắc đến và cũng ít người biết cái thông tin đáng yêu này.
Chưa bao giờ thấy thầy Hoa hát, thầy biết đó là cánh cửa không bao giờ mở được, nhưng thầy thuộc nhiều thơ. Tôi hỏi thầy thích tác giả nào nhất? Chế Lan Viên. Nếu chọn vài câu của Chế?: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng - Điêu tàn, 1937). Cái tinh cầu ấy chẳng biết thầy Hoa có khi nào muốn tới?
MAI LANG