Dưới chân một ngọn đồi thoai thoải ở thôn Trà Linh Tây (xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) có hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, được xây bằng đá suối rất đẹp. Tuy hai ngôi mộ có kiến trúc như nhau nhưng người dân địa phương gọi cái này là “mộ”, còn cái kia là “mả”. Vì sao lại thế?
Khi đến vùng đất phía trên Hòn Kẽm Đá Dừng, bà Trà Linh cùng đoàn người chạy giặc ở lại nơi đây cày cuốc, mưu sinh, ổn định cuộc sống. Về sau, tên làng Trà Linh ra đời để khắc ghi công lao một nữ tướng tài năng, đoan trang, đức độ. Ảnh: Tư liệu |
Lai lịch một ngôi làng
Tên làng Trà Linh (nay tách thành hai thôn Trà Linh Tây và Trà Linh Đông) gắn với truyền thuyết về hai chị em bà Thu Bồn và bà Trà Linh. Theo truyền thuyết, cả hai bà đều là công chúa - nữ tướng của vua Lê. Khi giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, hai bà dẫn một đoàn người chạy về phía thượng nguồn sông Thu Bồn để lánh nạn. Tới vùng đất Phường Rạnh (huyện Nông Sơn ngày nay), bà Thu Bồn chẳng may ngã ngựa, bị giặc giết chết rồi đẩy thi thể xuống sông. Còn bà Trà Linh thì ngược nguồn lên vùng rừng núi hoang vu rậm rạp. Khi đến vùng đất phía trên Hòn Kẽm Đá Dừng, bà Trà Linh cùng đoàn người chạy giặc ở lại nơi đây cày cuốc, mưu sinh, ổn định cuộc sống. Về sau, tên làng Trà Linh ra đời để khắc ghi công lao một nữ tướng tài năng, đoan trang, đức độ.
Theo các vị cao niên tộc Trần thôn Trà Linh Tây, cách đây mấy trăm năm, trên đường Nam tiến khai phá, khẩn hoang những vùng đất mới để an cư lạc nghiệp, ông Trần Bình đã đến vùng đất thuộc thôn Trà Linh Tây ngày nay. Thấy phong cảnh hữu tình, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa lại có những đồi núi thấp thoai thoải bên cạnh dòng sông Thu Bồn phù sa bồi đắp quanh năm nên quyết định dừng chân nơi đây để khẩn canh, khai cơ.
Năm trước nối năm sau, hết đời này đến đời khác, con cháu, dân cư, chư tộc họ đến ngày một đông, quần cư bên nhau cùng xây dựng cơ nghiệp và lập nên làng Trà Linh. Cùng với lúa gạo, khoai sắn do dân làng canh tác, nhiều thanh niên trai tráng vào các khu rừng săn bắt, tìm kiếm lâm sản quý hiếm, quăng chài, thả lưới dưới sông để trao đổi, mua bán với đồng bằng nên cuộc sống của dân làng ngày một ổn định…
Chính nhờ những công lao to lớn đã đóng góp trong việc khai ấp, lập làng tại vùng đất Trà Linh, mà ông Trần Bình được tộc Trần cùng dân làng suy tôn là Tiền hiền của làng. Sau khi ông mất, dân làng lập mộ và dựng nhà thờ để thờ cúng để tri ân công đức.
Trận tử chiến giữa Tiền hiền làng và chúa sơn lâm
Theo lời kể của các vị cao niên, thuở xưa Trà Linh là một ngôi làng nhỏ, bình yên nằm bên dòng sông Thu ở vùng núi còn hoang vu, rậm rạp. Ngày ngày, những lương dân chí thú khai hoang làm ăn. Họ trồng trọt chăn nuôi gia súc, gia cầm, chài lưới trên sông để mưu sinh qua ngày trong sự an bình. Nhưng một thời gian sau, nhiều lần người dân hoảng hốt khi thi thoảng sau một đêm họ bị mất vài con vật nuôi. Họ nghi là do hổ vồ. Càng ngày, tần suất hổ xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm…
Từ khi hổ về làng, dân làng hết sức hoang mang, khốn đốn, làm ăn, sản xuất kém vì sợ hổ vồ. Để bảo vệ cuộc sống bình yên của dân làng, bảo vệ thành quả lao động sản xuất những buổi đầu khai khẩn, ông Trần Bình quyết tâm diệt trừ hổ giúp dân.
Một lần, trên đường từ Đồng Làng trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả trên đồng, ông men theo lối nhỏ đi về hướng khe Man Man, trên vai vác cây đòn xóc lúa. Ra đến khe, bất ngờ ông gặp ngay một con hổ lớn. Người và thú dữ gặp nhau, tiến thoái lưỡng nan. Nhớ đến những lần hổ dữ về quấy phá cuộc sống bình yên của dân làng, ông lấy lại bình tĩnh và chuẩn bị tư thế quyết đấu.
Sau một tiếng gầm rú kinh thiên động địa, con mãnh thú lao về phía trước chồm lên người ông. Nhanh như chớp, ông xoay người tránh được cú vồ đáng sợ của hổ dữ, đồng thời nhanh chóng sử dụng cây đòn xóc trên tay để làm vũ khí đánh trả. Hổ dữ liên tục lao về đối thủ tấn công tới tấp với những cú tát trời giáng nhưng ông nhanh nhẹn né tránh và sử dụng cây đòn xóc đánh trả quyết liệt. Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa người và thú dữ kéo dài tận hai ngày hai đêm, từ trên bờ rồi kéo nhau xuống suối cho đến khi cả hai kiệt sức nằm bất động bên suối…
Dân làng tổ chức đi tìm kiếm thì phát hiện ông Trần Bình nằm thoi thóp thở, chỉ kịp vắn tắt thều thào mấy lời cuối cùng rồi trợn mắt qua đời. Cạnh đó là xác của hổ dữ.
Thi thể ông Trần Bình cùng xác hổ dữ được người dân tổ chức chôn cất, lập mộ trang trọng tại một gò đất cao gần khe Man Man. Điều đặc biệt là hai ngôi mộ nằm cạnh nhau. Mộ ông Trần Bình được người dân tôn kính gọi là Mộ Tiền hiền. Mộ của con hổ người dân cũng trân trọng gọi là mả Ngài với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mong muốn “Ông Cọp” sẽ không về quấy phá mà phù trợ cho cuộc sống bình an của dân làng.
Cũng từ đó, người dân gọi khe suối Man Man chảy qua làng là khe Mả Ngài, một cách nhắc nhở các đời sau biết về trận quyết chiến giữa ông Trần Bình và chúa sơn lâm vì cuộc sống bình yên, ấm no của dân làng. Đã thành thông lệ, vào ngày bốn tháng Bảy âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ công đức tiền nhân, dân làng kẻ góp của người góp công cùng nhau tổ chức giỗ Tiền hiền tại nhà thờ và dâng lễ vật cúng tại mộ Tiền hiền và mả Ngài.
Trải qua thời gian, do tác động của thời tiết và quá trình canh tác, mộ Tiền hiền và mả Ngài đã xuống cấp. Đến năm 2020, chư tộc họ cùng nhân dân trong làng đã vận động đóng góp kinh phí để xây lại hai mộ phần khang trang với quynh mộ, nấm hình mai rùa và nhà bia. Đặc biệt, người dân đã sử dụng những viên đá sỏi lấy từ khe Mả Ngài để xây hai ngôi mộ…
AN TRƯỜNG