Vì sao cà cuống được khắc hình lên Cửu đỉnh?

.

* Trong một lần tham quan nội thành Huế, tôi có xem qua hình một loài côn trùng được chạm khắc trên Cửu đỉnh. Người thuyết minh nói rằng đó là con cà cuống với tên chữ Hán là “quế đỗ”. Xin cho biết, con cà cuống vì sao lại có tên là “quế đỗ”? (Nguyễn Thị Mỹ Trang, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Quế đố - con cà cuống trên Huyền đỉnh. Ảnh: ST
Quế đố - con cà cuống trên Huyền đỉnh. Ảnh: ST

- Hai chữ Hán khắc phía trên hình con cà cuống của đỉnh thứ tư bên phải của Cửu đỉnh là 桂蠹, âm Việt đọc là quế đố (thanh sắc) chứ không phải quế đỗ.

Theo Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Quế đố: “Một tên gọi con cà cuống, là thứ côn trùng có thứ nước mực thơm, dùng làm đồ gia vị. Gọi vậy vì con cà cuống như con sâu mọt ở cây quế nên mới có thứ nước thơm đến thế”.

Vì sao con cà cuống lại có tên chữ Hán là “quế đố”, trong bài Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 44 Báo Thừa Thiên Huế (baothuathienhue.vn) giải thích như sau:

Quế đố, tục danh con cà cuống, có nơi còn gọi con đà cuống, lại có tên nữa là bát thủy trùng. Con đực nhỏ và hay rỉ một thứ chất cay, người ta gọi đó là cà cuống cay. Ở hai bên, phía trong bụng, dưới cặp chân thứ ba, có hai cái bao nhỏ bằng hạt gạo đựng chất nước thơm; khi gặp nguy biến, cà cuống liền xịt thứ nước ấy ra để tự vệ. Chất dầu ấy nhẹ hơn nước, ra gió thì bay, lan mỏng như sương, cay và thơm, trong như nước suối.

Theo lời chú trong bài thơ “Vịnh quế đố” của vua Minh Mạng, thì giống trùng này sinh sản ở ruộng nước, có sáu chân, cánh như cánh ve, có thể bay được nhưng bay không xa, hay lặn dưới nước, giống con xạ công, có thể nướng ăn được, hoặc dùng để chế biến “nước mắm” tra vào thức ăn, có vị thơm, nên gọi quế đố.

Tương truyền vào thời Hán Văn Đế, lúc Triệu Đà còn đang cai trị Nam Việt, hằng năm ông thường đem cà cuống tiến cống về triều. Thấy vua Hán ăn khen ngon, Triệu Đà mới nói tên của nó là “quế đố”, tức con sâu cây quế. Một ông quan đứng hầu bên cạnh nghe vậy mới tâu với vua Hán: “Không phải con sâu sống trong cây quế mà là con sâu sống ở dưới nước, là thủy đố”. Vua Hán mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã” - (Đó là lời nói láo của Đà). Từ đó người ta quen gọi nó là con “đà cuống”, lâu dần đọc chệch thành cà cuống.

Tinh dầu cà cuống có mùi thơm rất lạ, hơi cay nồng, là sức hút nổi bật cho món ăn, chỉ cần nhỏ một đến hai giọt vào chén nước mắm thôi cũng đủ làm cho hương vị món ăn thêm đậm đà, quyến rũ.

Tác giả Quỳnh Giang, trong bài Cà cuống chết đít còn cay, đăng trên Tạp chí Món ngon Việt Nam, cho biết thêm, cà cuống đắt giá nhất là bọng tinh dầu, đây là “vũ khí” lợi hại để cà cuống lôi cuốn các con cái vào thời kỳ sinh sản và là vũ khí phòng vệ khi bị kẻ thù tấn công.

Trong tinh dầu cà cuống có chứa rất nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là chất hexenol acetat, hexenol butyrat và nhiều acid amin khác. Số lượng mỗi thành phần không cao nhưng tạo nên mùi vị rất đặc biệt cho cà cuống. Một vài giọt tinh dầu cũng đủ kích thích hệ thần kinh, tốt cho hệ tiêu hóa, tăng cường sinh lực nhưng không nên sử dụng quá nhiều. Ngoài phần tinh dầu thì phần trứng cà cuống cũng được tận dụng để làm đồ ăn. Trứng cà cuống chứa mùi thơm rất dễ chịu, tuy nhiên không dậy bằng mùi thơm của bọng tinh dầu.

Có lẽ vì “quế đố” quá độc đáo nên năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đúc xong Cửu đỉnh, vua cho chạm hình tượng con cà cuống lên Huyền đỉnh.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.