Cấy chỉ và thủy châm trong y học cổ truyền

.

* Tôi vừa xong đợt chữa trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng, rất tâm đắc với phương pháp cấy chỉ và thủy châm. Có điều, kiến thức về hai phương pháp này còn khá mơ hồ, rất mong quý báo nói rõ thêm (Lê Quang Sĩ, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Cấy chỉ chữa đau vai gáy là phương pháp đưa chỉ tự tiêu vào huyệt để chữa bệnh. Ảnh: Tư liệu
Cấy chỉ chữa đau vai gáy là phương pháp đưa chỉ tự tiêu vào huyệt để chữa bệnh. Ảnh: Tư liệu

- Cấy chỉ là phương pháp dùng chỉ tự tiêu (thường dùng chỉ catgut) cho vào huyệt vị để duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo nên tác dụng điều trị như châm cứu. Đây là phương pháp được phát triển dựa trên tiến bộ của khoa học kỹ thuật và kế thừa lý luận của châm cứu cổ truyền.

Bác sĩ Trần Anh Sơn, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết, cấy chỉ có tác dụng giảm đau, chống viêm; tăng tái tạo protein, hydratcarbon ở cơ, giảm acid lactic, tăng dinh dưỡng cho cơ, tái tạo cơ; tăng sự đồng hóa, tăng cường tuần hoàn tại chỗ.

Phương pháp cấy chỉ được chỉ định rộng rãi trên nhiều mặt bệnh nội khoa, nhi khoa… như: Bệnh lý thần kinh: liệt các dây thần kinh ngoại biên, thần kinh sọ não, Tai biến mạch não, hội chứng tic vận động (một dạng bệnh rối loạn vận động khi người bệnh lặp đi lặp lại một hành động nhiều lần không kiểm soát được); Bệnh lý cơ xương khớp: đau lưng, đau cổ gáy, đau thần kinh tọa, thoái hóa khớp gối; Bệnh lý hô hấp - tai mũi họng: hen, viêm mũi dị ứng, viêm xoang; Bệnh lý sinh dục - tiết niệu: bí đái, đái dầm, rối loạn kinh nguyệt, yếu sinh lý nam - nữ, liệt dương…

Mỗi lần cấy chỉ tự tiêu có tác dụng trong khoảng 7-14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.

Cấy chỉ là phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp Đông-Tây y; tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh; phù hợp cho nhiều đối tượng bệnh, ứng dụng được hiệu quả của phương pháp châm cứu với thời gian thực hiện ngắn nhưng cho hiệu quả kéo dài.

Về thủy châm (hay tiêm thuốc vào huyệt), BSCK1 Đinh Trọng Trình, phụ trách Khoa Lão - Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết, đây là phương pháp chữa bệnh kết hợp Đông Tây y, phối hợp tác dụng chữa bệnh của châm kim theo học thuyết kinh lạc của YHCT với tác dụng chữa bệnh của thuốc tiêm.
Có những loại thuốc tiêm có tác dụng toàn thân, có những loại thuốc chỉ có tác dụng tăng cường và duy trì kích thích của châm kim vào huyệt để nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Các loại thuốc thường được sử dụng trong thủy châm: vitamin B1, B12, Cerebrolysin, Citicolin, Novocain, Atropin.

Về tác dụng dược lý, thủy châm có rất nhiều ưu điểm. Cùng một thứ thuốc, nếu tiêm vào huyệt vị thích ứng trên cùng một bệnh nhân, tác dụng dược lý mạnh hơn khi không tiêm vào huyệt vị; nếu tiêm vào huyệt vị thích ứng trên cùng một bệnh nhân chỉ cần liều lượng ít cũng vẫn có tác dụng dược lý mạnh như dùng liều lượng nhiều.

Thực hiện thủy châm, các y, bác sĩ dùng bơm kim tiêm có thuốc để châm kim qua da. Khi kim vào đến huyệt vị thì bắt đầu tiêm thuốc, bơm thuốc từ từ, bệnh nhân có cảm giác hơi căng và tức ở cục bộ chỗ thủy châm. Lượng thuốc vào mỗi huyệt vị là 0,5 - 2cc. Khi thủy châm ở các bộ phận đầu hoặc ngực, lượng thuốc cần giảm so với các bộ phận khác.

Tùy vào loại thuốc mà có thể thủy châm hằng ngày hoặc cách hai ngày một lần. Thủy châm thường được dùng để chữa bệnh mãn tính, giảm đau như: bệnh viêm khớp mạn, thoái hóa xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, di chứng tai biến mạch máu não.

Thủy châm chỉ có thể được thực hiện với tình trạng bệnh cần thiết, phải được sự chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tại bệnh viện, các cơ sở y tế bởi các bác sĩ có tay nghề vững vàng, có kinh nghiệm và có cơ sở pháp lý về thủy châm.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.