Hằng năm vào độ cuối đông, khi những đợt mưa muộn vắt hết mây đen cho mấy cơn sau cùng của mùa, bầu trời còn lại tinh toàn mây trắng, nằm xếp lớp lang, bàng bạc trên cao xanh như vỏ hến. Ấy cũng là lúc bắt đầu cho mùa cưới trong vùng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ấy cũng là lúc cây phong du bên kia đường, trước cổng trụ sở phường với những trái phong du lông xù tròn tơ nõn buông thả vào gió trời, bay cùng khắp đó đây. Những trái phong du xinh xinh ấy có lúc đậu lại trên bàn làm việc của Dần. Và chỉ đến dừng trong thoáng chốc rồi bay đi.
Dần làm việc ở đây đã hơn năm nay. Công việc chính của cô hằng ngày là phụ trách đăng ký kết hôn…
Chiều nay Dần ghé lại văn phòng lấy đôi que đan cô bỏ quên ban sáng để về đan nốt chiếc áo len trẻ con. Lúc mở tủ lấy đôi que đan nằm giữa quyển sổ, bên cạnh tờ kết hôn vừa ký, vô tình Dần đọc lại lần nữa nội dung của nó. Nội dung tờ kết hôn thì chẳng có gì khác ngoài những điều cô đã thuộc làu, nhắm mắt lại cũng có thể kể ra vanh vách. Duy năm sinh của người nữ đăng ký, không hiểu sao nó trở nên mới hoài và hấp dẫn với cô. Người nữ trong giấy kết hôn sinh năm sáu hai, cùng một tuổi với Dần. Tuổi con Cọp.
Lấy que đan xong, không hiểu sao khi nhìn cây phong du và dòng sông trước mặt, tự dưng Dần muốn ra ngồi nơi ghế đá dưới gốc cây một lúc. Ngồi dưới gốc cây gần như suốt cả mùa thu lúc nào cũng chuyển gửi đến cô lời thăm hỏi mềm mại qua những quả phong du nhẹ hẫng mây trời.
Chiều đông thưa thớt nắng. Dòng nước lặng lờ, miên man lau mãi những tảng mây trắng nằm tựa hồ bất động dưới đáy sông xanh. Thi thoảng vài cơn gió bấc tạt về làm bờm xờm, rối ren những dơn nước. Và cứ mỗi lần thế, dăm chiếc lá muộn mằn còn lại của cây phong du rời khỏi cành, xoay tròn như làm xiếc trước khi rơi xuống mặt sông. Nhìn những chiếc lá phong du vàng đong đưa về xuôi trên mặt sóng, bất giác Dần nhớ đến mối tình không giáp mặt của đời mình mà không khỏi phiền muộn, bâng khuâng.
Trước đây vào lúc đã quá thì, Dần chuyển ngành về nông trường bông. Việc chuyển ngành bao giờ cũng có lý do, nhưng với Dần, cái điều chính được mọi người thông cảm và hiểu ngầm là thay đổi môi trường sống, tạo điều kiện để giúp cô làm tròn chức năng muôn đời của người phụ nữ: Có người yêu và lập gia đình. Đấy cũng là quan niệm của Dần: Phụ nữ dù làm đến đâu song không có chồng, không sinh con đẻ cái rồi sẽ lỗi nhịp, chống chếnh làm sao trong cuộc sống...
Thay đổi môi trường làm việc lần này, Dần thường xuyên tiếp xúc với đủ hạng người. Nam có nữ có, trên một địa bàn dân cư khá rộng. Rồi quả nhiên tình yêu đã đến với cô. Đầu đuôi của tình yêu ấy là như thế này:
Vào một buổi sáng mùa cưới năm ngoái, lúc Dần định thu dọn giấy tờ ra về, thì một người đàn ông khập khiễng đi vào.
- Chị cho tôi xin… Á… Dần! Phải Dần không? Tại sao lại về ở đây, hả? Trời ơi…!
Dần cũng mừng ré lên khi vừa kịp nhận ra người đàn ông:
- Ủa… anh Tùng! Trời đất, anh cũng ở địa phương này hả? Ồ… ồ…!
Không ngờ giờ cô lại gặp anh ở đây. Thật đúng là quả đất tròn! Người đàn ông lau mồ hôi trán, trả lời:
- Thì quê mình đây chứ đâu. Sao Dần về làm việc ở đây hay vậy? Trước gặp thằng Nhâm ở đơn vị, mình có hỏi thăm, nó bảo Dần về nông trường bông gì đấy cơ mà!
Dần cười, đứng dậy pha trà mới vào ấm:
- Vậy mới hay, nhưng từ từ rồi rõ. Bây giờ thì anh đến đây có chuyện chi?
- Cũng có… có tí chuyện - Tùng lưỡng lự trả lời rồi ngồi xuống ghế.
Dần đặt ly nước trước mặt Tùng, hỏi như khuyến khích:
- Anh uống nước. Mà chuyện gì vậy, nói em nghe có được không?
Trước đây ở đơn vị hai người khá thân nhau. Tùng lớn tuổi hơn Dần, cô coi anh như anh của mình. Ngược lại Tùng cũng coi Dần như em. Dần nghĩ điều anh ngấp ngứ, khó nói đây có lẽ vì chưa biết mình làm gì... Nghĩ thế, cô bèn cười nói:
- Em làm nhân viên ở đây, anh cần gì nếu được, em xin nói giúp.
Tùng theo một thói quen nào đấy, lấy bao thuốc Jet mở miệng đưa về phía Dần. Nửa đà đưa, chợt nhớ ra cô, Tùng ngượng nghịu để gói thuốc xuống bàn, lấy một điếu gắn lên môi mình, châm lửa. Ánh lửa gaz tím xanh thấp thoáng qua mấy chân râu màu hung hung đỏ.
- Cũng chẳng gì! Mình định xin phép được để trước nhà cái bàn bi-da, vậy thôi.
- Tưởng gì! - Rồi Dần tiếp, vẻ băn khoăn: Mà việc ấy có phải xin phép ở đây không, hay là chỗ khác?
Tùng trả lời:
- Ở đây, nhất định ở đây! Mình có thằng bạn phường bên kia sông đặt bàn bi-da nó cũng xin phép phường là đủ. Dần làm trong này có thể nói giúp mình được không?
- Nếu đúng xin ở phường được, anh yên chí để đó, em sẽ nói giúp - Đoạn Dần chuyển giọng hỏi tiếp: Nhà anh Tùng ở đâu vậy hở?
Tùng nhanh nhẩu:
- Trong đơn có ghi! Rồi ý chừng nhận ra mục đích câu hỏi của Dần sau mấy năm xa cách, anh vội vã thêm: Mình ở đường Hoàng Hoa Thám, ngay trước sân Ga, đến đó hỏi mình ai cũng biết. Hôm nào rảnh, mời Dần với… À quên, Dần có… gia đình chưa nhỉ! Dần mím môi, bẽn lẽn lắc đầu...
Tùng mở giọng:
- Ai biểu kén lựa quá chi! - Rồi Tùng ra vẻ nghĩ suy, tìm tòi lung: Thôi được rồi, mình sẽ giới thiệu cho Dần thằng em bạn của mình. Nó khá đẹp trai và cũng tuổi Dần, chỉ có cọp mới hạp với cọp mà thôi, được hử?
Dần thẹn thùng:
- Mà… cọp lớn hay cọp nhỏ đó anh Tùng?
- Cọp bốn mấy… đó.
Nghe Tùng nói vậy, Dần cố giấu vẻ hồi hộp, tò mò:
- Ảnh làm ở đâu vậy hở anh?
Tùng lại ra vẻ như thất vọng:
- À… cái này thì gay! Thằng ấy làm ở Khảo sát Thiết kế thủy lợi, ở trên rừng luôn. Cứ như là cọp… thứ thiệt ấy, chịu không?
Nghe Tùng nói Dần mỉm cười. Cô không sợ xa cách và cũng chẳng ham trai trẻ, thậm chí có… xấu tướng đi một chút cũng được, miễn rằng rồi ra yêu thương nhau chân thành là đủ. Dần chỉ mong có vậy, cô nhìn Tùng bằng ánh mắt sớm tin cậy và bằng lòng.
- Thiệt hén? Nhớ là đàng hoàng nghe! Đầu heo bây giờ mắc lắm đó.
Tùng giơ ngón tay trỏ cong cong như móc câu lên, hồ hởi:
- Ô-kê! Mình chẳng cần ăn đầu heo, chỉ mong Dần giúp cho xong việc xin để bàn bi-da thôi.
Vậy rồi Dần và Hải - tên người thanh niên ấy - quen nhau qua anh Tùng. Và cũng qua anh, tình yêu đã nhanh chóng đến giữa hai người theo những nhớ thương, nhắn gửi ngày một thiết tha, sâu đậm hơn lên.
Hải đi công tác luôn làm cô và anh khó có điều kiện gặp nhau. Một lần, Dần suýt gặp được Hải song vì hai bàn bi-da anh đang chơi đông người quá, phần khác với bản tính cả thẹn và nhất là những lời trêu chọc thái quá của anh Tùng nên cô không ra gặp anh được. Thậm chí cô cũng chưa thấy tận mặt anh. Thật là tiếc cho Dần! Theo lời anh Tùng, lần ấy do anh lu bu trong việc ghi giờ, tính tiền cho khách nên quên nói với Hải rằng có cô đợi trong nhà. Và sau khi chơi, Hải đã ra về cùng bạn bè vào lúc mà anh bận rộn nhất.
Chẳng biết có phải tương tư không, sau lần gặp hụt người yêu ấy, Dần ốm đến phải nghỉ làm mất mấy ngày. Người cô cứ lao đao như lá vàng chao trên sóng nước. Sau đó Dần cũng gắng gượng dậy được và cô giấu anh Tùng về sự tiếc rẻ cuộc hội ngộ kia. Hôm khỏi bệnh, Dần đến nhà anh Tùng chơi, anh có nói Hải nhắn về giận anh vì tối ấy có cô trong nhà, anh đã không cho Hải hay. Tùng còn thêm, cuộc hội ngộ hụt đó đã làm bệnh sốt rét cũ của Hải tái phát. Anh Tùng đã xuýt xoa xin lỗi Dần vì để lỡ cơ hội “bằng vàng” của hai người! Nghe anh Tùng nói mà Dần bàng hoàng. Sao “thần giao cách cảm” đến thế, anh ấy cũng đã ốm vì không gặp được nhau như mình. Giờ anh lại bị sốt rét. Anh sốt lỗi do anh Tùng nhưng đối tượng chính lại là cô. Mùa đông, sốt rét lại nằm nơi vùng rừng núi chắc là lạnh thấu xương! Càng nghĩ càng thương nên Dần đã gấp rút đan ngày đan đêm chiếc áo len cho Hải và nhờ anh Tùng gửi lên. Kích cỡ của chiếc áo len, Dần đan tưởng tượng cho đàn ông vóc người lý tưởng nhất, chẳng biết anh mặc có vừa không? Dẫu không vừa nhưng chắc chắn sẽ ấm người mặc nó, bởi cô đan rất dày. Cùng theo chiếc áo len Dần cũng hỏi thăm, mua gửi lên một ít thuốc đặc trị sốt rét - loại ngoại - và kem đánh răng, xà phòng…
Dần hầu như quanh năm suốt tháng chẳng tiêu pha gì, ngoài những thứ thật cần thiết với người con gái sống độc thân. Bây giờ việc mua sắm những món đồ hằng tháng gửi lên cho Hải đã trở thành một thứ hạnh phúc đối với Dần và đã khiến cô nhiều khi không khỏi xao xuyến, thẹn thùng. Dần đã làm những việc ấy một cách tỉ mỉ. Cô dùng tiền thưởng cuối năm của mình, mua hẳn hai bao thuốc Jet và chai rượu nữa - Tết mà - gửi lên cho Hải. Cầm hai món hàng đặc biệt dành cho người đàn ông ấy ra khỏi chỗ mua một quãng, mặt mũi cô vẫn chưa hết nóng bừng. Cái cảm giác như uống phải rượu đó còn theo cô về mãi đến nhà. Vào phòng riêng mình, Dần cứ để hai món đồ đó lên bàn ngắm nghía mãi. Càng ngắm, Dần lại càng không hiểu sao có phụ nữ lại tỏ ra không vui mỗi khi đi mua rượu cho chồng mình.
Thời gian thấm thoát, thu đi rồi thu lại về. Lá vàng cây phong du đã giáp mùa hội ngộ nhưng Dần và Hải vẫn hoài cộng nhớ, nhân thương qua mấy lần hụt gặp. Các lần đó đều do anh Tùng khi thì bận bịu với mấy bàn bi-da, lúc lại trêu đùa thái quá đến bản tính rụt rè, cả thẹn của cô. Giờ thì Dần đã không còn ốm trong những lần lỡ cuộc gặp nhau như vậy nữa. Cô chỉ dồn nhớ thương, mong đợi của mình qua các món hàng chăm sóc, đầy ý nghĩa đều đặn hằng tháng nhờ anh Tùng gửi lên cho Hải. Tình yêu qua mấy lá thư và lời nhắn gửi về đã khiến Dần thêm yêu đời, yêu công việc hẳn lên. Ước mơ của Dần ngày càng mãnh liệt hơn qua biết bao tờ kết hôn đã cấp từ tay cô cho những cặp vợ chồng trẻ. Cô đã chúc mừng họ bằng những nụ cười, những cái nhìn trìu mến, thật lòng. Chúc cho họ cũng có nghĩa là chúc cho mình, mai đây. Một ngày nào đó, chắc chắn là “không xa” như tiên đoán của anh Tùng, một trong hàng trăm tờ kết hôn đẹp đẽ ấy sẽ dừng lại vĩnh viễn dưới tay Dần. Tờ kết hôn sẽ tự tay Dần nắn nót viết từ tên anh, tên cô cho đến ngày sinh tháng đẻ của hai người. Vật đầu tiên chia mừng với Dần lúc đó sẽ là những trái phong du tròn mềm ghé lại nhẹ nhàng trên muôn vàn sợi chân trắng mầu tơ nõn…
Một lần, biết sắp tới có chuyến lên chỗ anh Hải. Dần đến gặp anh Tùng, anh vắng nhà. Sợ lỡ chuyến đi, Dần đành gửi hàng lại cho chị Tùng.
- Anh Hải à? Nhà tôi có quen anh nào ở Khảo sát Thủy lợi tên Hải đâu! Mà bạn của anh ấy theo chỗ tôi biết cũng chẳng ai có tên thế cả. Thôi cô đã nói vậy thì để đó, có ai đến lấy tôi sẽ chuyển giúp, còn không thôi.
Khi về cơ quan Dần lục tìm xem lá đơn xin mở bàn bi-da anh Tùng. Dần thấy tuồng chữ những lá thư đầy thương nhớ Hải gửi - dù cố làm khác đi - với chữ trong đơn xin nầy vẫn là của một người.
Biết ra vậy, Dần hoàn toàn không trách anh Tùng. Dần chỉ buồn và tiếc nuối một năm qua đầy nhớ thương, đẹp đẽ của mình…
Chiều vẫn tiếp tục nghiêng xuống giữa hai bên bờ sông rộn rã tiếng đời. Ngồi trên ghế đá dưới cây phong du, Dần lấy đôi que ra, đan nốt chiếc áo len cho trẻ sơ sinh mai nầy của mình. Người nữ trong giấy kết hôn đọc vừa rồi cùng tuổi với Dần đã khiến những mũi kim đan trên chiếc áo của cô lại trở nên thiết tha, hy vọng. Những sợi len trắng nõn tơ trời cùng mầu với trái phong du dần dần biến dạng vào chiếc áo be bé, xinh xinh…
Chiều càng xuống càng đẹp. Dòng sông trước mặt Dần càng trở nên êm đềm với những chiếc lá phong du vàng ruộm đó đây trên mặt nước. Ai mà biết được mai nầy chúng sẽ trôi đâu, về đâu trên dòng sông nhiều bờ, lắm bến? Trên bờ sông, những trái phong du lại tiếp tục buông ra đầy trời như trong một “hội tung còn” nào nơi miền núi. Tưởng như, những trái ấy bay ra từ tay Dần và chiếc áo bé con do đôi que đan động đậy, chứ không phải từ cây phong du. Những trái phong du cứ như muôn tín hiệu tròn mềm phát đi, lăn mãi, bay hoài trong không gian đầy gió chiều, nắng muộn.
LÊ NGUYÊN NGỮ