ĐIỂM ĐẾN THÂN THIỆN

Người bản xứ kể chuyện quê hương

.

Những người dân địa phương chúng tôi gặp ở các điểm đến, họ tường tận những con dốc, cái cây, ngọn đồi, con suối hay từng món ăn bởi đó là một phần quê hương. Trong vai trò người làm du lịch, họ kể câu chuyện về văn hóa, về việc ứng xử tốt với thiên nhiên và định hình quê mình trên bản đồ du lịch.

Người Cơ tu ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) tham gia làm du lịch tại làng Toom Sara. Ảnh: Toom Sara
Người Cơ tu ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) tham gia làm du lịch tại làng Toom Sara. Ảnh: Toom Sara

Người Cơ tu - Chủ thể của văn hóa và du lịch bản địa

“Những người Cơ tu làm việc cùng chúng tôi tại Toom Sara trong tâm thế tự hào về văn hóa của đồng bào, từ chiếc áo thổ cẩm họ mặc, món ăn họ làm ra, giai điệu họ trình diễn cho đến câu chuyện họ kể. Tôi thường nói với họ rằng, mọi người chính là chủ thể của văn hóa Cơ tu”.

Anh Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc điều hành Làng Toom Sara (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) mở đầu câu chuyện làm du lịch ở vùng núi phía tây thành phố. Tiếp quản khu du lịch Suối Hoa từ năm 2019, anh nói, tên gọi Toom Sara trong ngôn ngữ người đồng bào Cơ tu cũng có nghĩa là “suối hoa” - với hình ảnh gần gũi về loài hoa rì rừng nở đầy bên suối. Trong hình hài một điểm đến du lịch sinh thái mới mà cũ, với tên gọi Suối Hoa ngày xưa và làng Toom Sara bây giờ, nơi này được anh Pháp và những người đồng hành phát triển theo hướng vừa quảng bá văn hóa đặc sắc của người Cơ tu, vừa góp phần gìn giữ và lan tỏa nét đẹp của không gian xanh nơi phía tây thành phố.

Trong định hướng đó, người đồng bào Cơ tu chính là hạt nhân, là những “đại sứ” của điểm đến. Đóng vai trò cố vấn cho Toom Sara từ những ngày đầu là già làng Bríu Pố (xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) - “cây đại thụ” Cơ tu của núi rừng xứ Quảng. Chính ông là người kết nối để đưa ngôi nhà Gươl lâu đời ở thôn Arớh về Toom Sara cho các nghệ nhân phục dựng.

Tại đó, còn có già làng A Lăng Đợi lặn lội từ thị trấn P'rao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) xuống Hòa Phú để trao truyền và hỗ trợ phát triển văn hóa Cơ tu; có Bí thư chi bộ thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa - người tâm huyết với những ché rượu cần truyền thống… Rồi những người làm việc tại Toom Sara từ nấu bếp, dịch vụ, hỗ trợ du khách lưu trú… cũng phần lớn là người Cơ tu.

Tại Toom Sara, “Cơ tu show” diễn ra vào mỗi thứ Bảy hằng tuần như một hoạt động nghệ thuật, sân khấu hóa những chất liệu truyền thống như “vũ điệu dâng trời” Tung tung da dá, trình diễn cồng chiêng, hát lý, nói lý, mô tả đời sống người Cơ tu… để du khách trải nghiệm. Trong đó, dấu ấn bản địa được thể hiện rõ với 90% nghệ sĩ là người đồng bào Cơ tu ở thôn Phú Túc, còn lại từ huyện Đông Giang. Trong đó nhóm nghệ sĩ ở thôn Phú Túc có hơn 50 người.

Theo già làng A Lăng Dũng, người Cơ tu tự hào nói về Cơ tu show như một sự đổi thay ở địa phương. Ban ngày, họ lên rừng trồng cây, dọn cỏ; tối đến thì tập văn nghệ, mời du khách quây quần bên ngọn lửa, kể những câu chuyện của đại ngàn… Hay như chị Zơrâm Thị Nguyệt (thôn Phú Túc), đại diện đội múa chia sẻ, cuộc sống đồng bào địa phương phần nào ổn định hơn khi có nguồn thu nhập từ chính hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc mình.

Mấy tháng Đà Nẵng vào đông, núi rừng Hòa Phú chìm trong mưa, bước chân du khách vơi dần, những người Cơ tu ở Toom Sara theo anh Pháp về phố.

Giữa lòng “phố Tây” An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn), họ vận hành một góc ẩm thực nho nhỏ với tên gọi “Bếp làng xuống phố”. Ở đó, du khách thích thú với những hình ảnh của một góc làng Cơ tu thu nhỏ, với quầy phục vụ mang dáng dấp căn nhà Moong, với cây nêu, bếp lửa, cối giã gạo… Thực đơn là những món ăn với 100% nguyên liệu của núi rừng với những tên gọi đặc biệt: ếch nấu tiều phu, cơm ghế sắn, sắn rang, gà gùi, lá sắn xào…

Một trong những người đứng bếp là chị Bríu Hái (huyện Đông Giang). Năm nay 40 tuổi, người phụ nữ Cơ tu nhấn mạnh câu chuyện mang vẹn nguyên hương vị núi rừng của mâm cơm quê mình đến những du khách ở thành phố biển, trong đó có nhiều du khách nước ngoài.

Theo anh Pháp, việc đưa ẩm thực đại ngàn về phố, trước hết là tạo công việc cho mọi người trong mùa du lịch thấp điểm, kế đó là hình thành không gian quảng bá ẩm thực và văn hóa Cơ tu với du khách tại một trong những điểm du lịch nhộn nhịp nhất thành phố - khu An Thượng, qua đó kết nối du khách với Toom Sara nói riêng và vùng du lịch phía Tây thành phố nói chung. “Đưa ẩm thực Cơ tu từ rừng xuống phố và tiếp cận, kết nối du khách từ phố lên rừng - nơi có thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ với cộng đồng người Cơ tu hiếu khách, đó là mong muốn của chúng tôi”, anh Pháp chia sẻ.

Dưới tán rừng, sắp tới, cộng đồng người Cơ tu ở Toom Sara có dịp tham gia vào một dự án với tên gọi “Hơi thở của rừng” - một chương trình kết hợp trồng cây phủ xanh rừng bản địa bền vững với hoạt động trình diễn âm nhạc, giao lưu nghệ thuật điêu khắc… để lan tỏa câu chuyện yêu thiên nhiên với du khách.

Giữ rừng bền vững để làm du lịch

Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang và gần đây nhất là Luật đất đai năm 2024 sửa đổi có hiệu lực từ 1-8-2024 trở thành “bệ phóng” cho người dân khai thác đất nông nghiệp vào mục đích làm dịch vụ, tạo ra vùng sinh thái, du lịch nông thôn để đầu tư những công trình lắp ghép phục vụ cho dịch vụ du lịch, phát huy tiềm năng địa phương.

Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Bana Rita Glamping Farm (gọi tắt là Bana Rita) tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, năm 2024 chính thức trở thành sản phẩm du lịch OCOP du lịch đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, với chuẩn OCOP 4 sao. Nằm ngay dưới chân núi Bà Nà tại khu vực giáp ranh 3 xã Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Nhơn, nơi này được hình thành bởi tâm huyết về một mô hình tiên phong kết hợp du lịch sinh thái với nông nghiệp trải nghiệm từ những người địa phương yêu thiên nhiên.

Theo anh Tuấn, trước đây du khách đến Đà Nẵng thường chỉ biết những điểm du lịch ở Hội An (Quảng Nam) và sau này có Hòa Bắc, trong khi đó thành phố còn thiếu những không gian trải nghiệm du lịch sinh thái theo mô hình hoạt động bài bản, chính thống dù có tiềm năng, trong khi loại hình này mà đặc biệt là glamping đang phổ biến tại nhiều nơi trong và ngoài nước, đơn cử như Đà Lạt (Lâm Đồng). Đó là lý do mà anh Lê Thanh Tuấn, đại diện Bana Rita và những người đồng hành cải tạo khu vực rộng 5ha theo hướng thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của núi rừng Hòa Phú, kết hợp vườn thú, trồng cây ăn trái…

Cảnh quan thiên nhiên nhiên được giữ gìn gần như nguyên trạng, hạn chế bê tông hóa. Nhân sự làm việc tại đây cũng đa số là người địa phương, họ tường tận những con dốc, cái cây, ngọn đồi hay con suối bởi đó là một phần quê hương và thấu hiểu chia sẻ của đội ngũ quản lý: “Không can thiệp, không xáo trộn những thứ tươi đẹp sẵn có của thiên nhiên mà hãy làm cho nó đẹp hơn”.

Tinh thần đó được người dân chia sẻ với du khách. Đó là những gia đình, học sinh hay khách từ các đơn vị lữ hành. Lần đầu tới Bana Rita cùng gia đình, anh Lê Hoàng Vũ (phường An Hải Nam, quận Sơn Trà) cho hay: “Chúng tôi đã quen với sự phát triển du lịch mạnh mẽ của thành phố với biển, bán đảo Sơn Trà, sông Hàn… và ít có dịp đến vùng ven của huyện Hòa Vang. Ở đây còn quá nhiều điều khám phá, cảnh đẹp, cây cối xanh tươi, thức ăn ngon, không khí trong lành… và nếu không có những người địa phương tâm huyết quảng bá, có lẽ những nơi này sẽ mãi không được biết tới”.

Những người dân địa phương chúng tôi gặp ở các điểm đến, từ Hòa Phú về Hòa Bắc và những nơi khác ở vùng ven thành phố dường như chung một tâm huyết. Trên vai trò những người làm du lịch, họ kể câu chuyện về văn hóa, về việc ứng xử tốt với thiên nhiên và định hình quê mình trên bản đồ du lịch.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.