ĐIỂM ĐẾN THÂN THIỆN

"Sứ giả" xích lô

.

Với tiêu chí thân thiện, nhiệt tình, mến khách, xích lô đã trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch thành phố, được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đặc biệt là khách quốc tế. Còn gì thú vị hơn khi ngồi trên chiếc xích lô du lịch, vừa thưởng ngoạn, khám phá nội thành thành phố vừa nghe những “bác tài’ giới thiệu về vùng đất và con người nơi đây. 

Những
Những "sứ giả" xích lô góp phần đem đến màu sắc tươi mới cho du lịch thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nét văn hóa của du lịch Đà Nẵng

Được thành lập năm 2003, những năm qua, Đội Xích lô du lịch đã trở thành một loại hình du lịch thú vị, góp phần mang đến sắc màu tươi mới cho ngành du lịch thành phố. Với phong cách phục vụ lịch sự, văn minh, nhiệt tình, không tranh giành, chèo kéo khách, những thành viên trong Đội Xích lô du lịch từ lâu đã được gọi với cái tên quen thuộc, “những sứ giả xích lô”.

Ở tuổi gần 60, Đội trưởng Đội Xích lô du lịch Nguyễn Quốc Thịnh gắn bó với đội từ những ngày đầu mới thành lập. Trước đó, ông Thịnh mưu sinh bằng nghề thợ đụng, tới năm 1991 ông bén duyên với nghề đạp xích lô. Trong ký ức của mình, ông Thịnh nhớ lại Đà Nẵng những năm 1990 của thế kỷ XX có hẳn một Hợp tác xã xích lô Đà Nẵng với số lượng thành viên lên đến trên 1.000 người. Thuở ấy, người hành nghề đạp xích lô là những lao động phổ thông với công việc vận chuyển hàng hóa, hành khách. Năm 2003, cùng với sự phát triển của thành phố, Đội Xích lô du lịch Đà Nẵng được thành lập với 83 hội viên và duy trì hoạt động cho đến bây giờ.

Những chiếc xích lô cũ kỹ, hoen gỉ trước đây được thay thế bằng những chiếc xe mới, thiết kế đồng nhất về kiểu dáng, màu sắc, kích thước; toàn bộ khung sườn đều bằng inox, có nệm ngồi và mái che màu đỏ; luôn được bảo quản và giữ gìn sạch sẽ. Các thành viên trong Đội Xích lô du lịch có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, am hiểu luật giao thông, ngoại ngữ và có kiến thức về các điểm tham quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Thịnh bộc bạch, từ những lao động mưu sinh kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, khi Đội Xích lô du lịch hình thành, những người hành nghề như ông cũng thay đổi hẳn về tâm thế. Đó là niềm tự hào khi ngành nghề được nâng lên một vị thế mới, trang trọng, chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Còn hơn thế, khi khoác lên mình tấm áo mới, nghề đạp xích lô những tưởng đã xưa cũ bỗng trở nên mới mẻ, tạo được chỗ đứng riêng, phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành du lịch thành phố. “Hằng năm, chúng tôi được tham gia các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng về văn hóa ứng xử văn minh trong công tác phục vụ khách du lịch do Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố tổ chức. Nhiều thành viên trong đội có thể giao tiếp thành thạo tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc… Thông thường, mỗi bác tài sẽ có khoảng vài "cuốc xe" mỗi ngày. Vào những ngày lễ, ngày nghỉ có thể còn nhiều hơn.

Bà Lý Vân Nam, du khách đến từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bày tỏ sự thích thú khi tham quan, thưởng ngoạn Đà Nẵng trên những chiếc xích lô. Nó mang đến cho bà những giây phút thư thả để ngắm nhìn phố phường sạch đẹp, lắng tai nghe bác đạp xích lô giới thiệu về cảnh quan thành phố. Còn với anh Đinh Tấn Cư, một du khách đến từ thành phố Nha Trang thì xích lô đã là hình ảnh đặc trưng cho du lịch ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Khoác lên tấm áo mới

Du lịch bằng xích lô đã là một sự thú vị, gặp được bác tài hay lại càng thú vị hơn. Trên những con phố xưa cũ, ngồi trên những chiếc xích lô có lịch sử lâu đời, lắng tai nghe những câu chuyện từ bác tài về Đà Nẵng xưa, về những con phố, về những số nhà đã gắn liền với thời gian cùng những hoài tưởng đi cùng năm tháng.

Chẳng biết khi nào, tiếng leng keng của những chiếc xích lô đã bắt đầu gắn bó với người dân Đà Nẵng. Nó giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây. Từ những việc đi lại nhỏ nhặt như đi chợ cho tới những việc quan trọng của đời người như ăn hỏi, rước dâu…, xích lô vẫn luôn góp mặt tạo nên nét văn hóa truyền thống. Cuộc sống ngày càng nhộn nhịp và phát triển nhưng việc di chuyển bằng xích lô vẫn là lựa chọn hấp dẫn để tham quan, khám phá vẻ đẹp của thành phố bằng một chuyến đi thong thả, chậm rãi. Du lịch bằng xích lô, du khách có thể quay phim, chụp ảnh, thỏa sức chiêm ngưỡng, quan sát, ngắm nhìn và hòa mình vào cuộc sống tất bật của người dân Đà thành. Đi xích lô đã là một sự thú vị, gặp được bác tài hay lại càng thú vị hơn. Trên những con phố xưa cũ, ngồi trên những chiếc xích lô, lắng tai nghe những câu chuyện từ bác tài về Đà Nẵng xưa, về những con phố, về những số nhà đã gắn liền với thời gian cùng những hoài tưởng đi cùng năm tháng.

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến du lịch thành phố cho biết, với tiêu chí thân thiện, nhiệt tình, mến khách, xích lô du lịch Đà Nẵng đã trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Đà Nẵng, được du khách trong và ngoài nước yêu thích, đặc biệt là khách quốc tế với hành trình mỗi chuyến đi thường kéo dài 30 đến 45 phút hoặc 60 phút. Bên cạnh phục vụ vận chuyển khách và các hoạt động sự kiện du lịch, xích lô còn là phương tiện được các cặp đôi lựa chọn tổ chức đám cưới (rước dâu bằng xe xích lô).

Không biết từ bao giờ, xích lô đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là một phần ký ức không thể thiếu đối với mỗi người dân Đà Nẵng. Hình ảnh những “sứ giả xích lô” trong màu áo vàng, xếp hàng ngay ngắn để chở khách nổi bật giữa phố phường. Cứ tưởng đã qua rồi “một thời vàng son” khi xã hội ngày càng phát triển, thế nhưng, nghề xích lô khi được khoác lên mình tấm áo mới lại trở nên phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

NHÂN HÒA ANH

;
;
.
.
.
.
.