Nếu không nghe qua giọng nói, rất khó nhận ra những người con ở khắp mọi miền Tổ quốc đang sinh sống, làm việc và cống hiến tại Đà Nẵng không phải… người Đà Nẵng gốc. Bởi lẽ, cùng với năm tháng gắn bó, họ đã và đang âm thầm góp thêm bản sắc vào dòng chảy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
NSƯT Quang Hào luôn cố gắng xây dựng một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Y |
Cống hiến cho thành phố
Tấm Huy chương Bạc cho tổng thành tích 290kg hai nội dung cử đẩy và cử giật ở Olympic 2008 đưa tên tuổi vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn (SN 1985, quê Bắc Ninh) đi vào lịch sử thể thao Việt Nam. Thời điểm đó, anh đang đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo Vận động viên thể dục, thể thao Đà Nẵng từ chính sách thu hút nhân tài trong ngành thể dục, thể thao của thành phố. Ở hạng cân 56kg, Hoàng Anh Tuấn nhiều lần vô địch Việt Nam và được giới hâm mộ thể thao chú ý khi liên tục đạt thành tích cao tại các giải vô địch cử tạ trẻ thế giới và khu vực châu Á.
Cùng kinh nghiệm tích lũy từ những năm tháng chinh chiến trên các đấu trường trong nước, quốc tế, Hoàng Anh Tuấn chọn gắn bó với thể thao Đà Nẵng - nơi giúp tên tuổi anh tỏa sáng những năm đầu sự nghiệp. Anh cho đầu quân về Đà Nẵng năm 2007, đến nay gần 20 năm. Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thành tích cao, anh trở thành huấn luyện viên đội cử tạ trẻ tại Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo vận động viên thể dục, thể thao Đà Nẵng trước khi chuyển sang huấn luyện cho đội cử tạ trẻ quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 3 năm 2020.
Trong mỗi buổi tập, ngoài kỹ thuật thi đấu, Tuấn thường nhắn nhủ học trò môn cử tạ ngoài sức mạnh thể chất, còn là bài học về sức mạnh tinh thần: khi bạn vượt qua áp lực trên sàn đấu, bạn có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Thời gian qua, từng thế hệ học trò từng được anh dìu dắt vừa tiến bộ về kỹ thuật thi đấu, vừa trưởng thành trong tư duy, lối sống và đạt thành tích đáng kể, góp phần khẳng định vị thế của thể thao Đà Nẵng. Bên cạnh vai trò huấn luyện viên thể thao thành tích cao, Hoàng Anh Tuấn tích cực tham gia thể thao cộng đồng, đặc biệt là những hoạt động khuyến khích thanh, thiếu niên tiếp cận với cử tạ và các môn thể thao sức mạnh.
Anh Tuấn chia sẻ bản thân muốn góp phần xây dựng phong trào thể thao cơ sở, nơi thành công không chỉ đến từ những tấm huy chương mà từ việc giúp nhiều người hiểu được giá trị của thể thao trong cuộc sống. Gắn bó với Đà Nẵng, Hoàng Anh Tuấn không ngừng cống hiến với tâm niệm không có con đường nào dễ dàng, nhưng nếu tin vào chính mình, mỗi người đều có thể nâng được những “mức tạ” mà trước đó nghĩ là không thể.
Với Hoàng Anh Tuấn, kỷ lục trên sàn đấu hay những tấm huy chương lấp lánh là dấu ấn cá nhân, nhưng hơn hết, anh muốn góp sức để thể thao Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ cả nước. Trong khi đó, Đinh Thị Trang (SN 1990), Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng với tâm huyết dành cho văn hóa dân gian đã không ngừng lan tỏa tình yêu ấy đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, qua những hoạt động thực tế hay những công trình nghiên cứu đầy tâm huyết.
Trang chia sẻ, năm 2009, khi rời quê nhà Hà Tĩnh vào Đà Nẵng học ngành Văn hóa học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chị nhận ra rằng giữa nhịp sống hiện đại, thành phố vẫn còn nhiều không gian dành cho các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa làng biển. Vì thế, từ thời sinh viên, Trang đã bắt đầu tham gia hoạt động nghiên cứu cũng như sưu tầm, tìm hiểu những giá trị văn hóa tại địa phương. Có thể kể đến những công trình nghiên cứu tâm huyết được chị tập hợp trong các cuốn sách đã xuất bản như Tìm hiểu miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (NXB Thông tin và Truyền thông, 2014), Từ ngữ nghề biển của ngư dân Đà Nẵng (NXB Hội Nhà văn, 2016), Văn hóa Đà Nẵng từ những góc nhìn (NXB Đà Nẵng, 2018) và một số tác phẩm in chung.
Để viết những cuốn sách này, chị dành thời gian đi thực địa nhiều nơi trên địa bàn thành phố, từ các làng nghề truyền thống đến những khu dân cư ven biển, nơi lưu giữ bao giá trị văn hóa độc đáo. Trang nói, mỗi lần đi thực tế là một lần chị được tiếp xúc, trò chuyện cùng người dân địa phương. Những chuyện trò ấy đã giúp chị làm giàu thêm kiến thức cũng như mở rộng tầm nhìn về những giá trị văn hóa địa phương.
Trong niềm vui gắn bó
Đằng sau thành tích thể thao hay các công trình nghiên cứu văn hóa là câu chuyện về niềm tin, nỗ lực và sự yêu mến của họ dành cho mảnh đất này. Đó cũng là cách mà NSƯT Quang Hào (quê Quảng Nam), Giám đốc Nhà hát Trưng Vương từng chia sẻ với chúng tôi rằng để nâng cao chất lượng nghệ thuật tại nhà hát, anh đã không ngần ngại mở lời mời các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ tài năng từ khắp mọi miền Tổ quốc đầu quân về Đà Nẵng. Đổi lại, anh cố gắng đổi mới cách vận hành nhà hát, nhất là quyết tâm xây dựng một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, nơi các nghệ sĩ có thể cùng nhau sáng tạo và phát triển.
Với tâm huyết này, NSƯT Quang Hào đưa ra nhiều sáng kiến đổi mới, từ xây dựng chương trình nghệ thuật mang tính đột phá như “Sắc màu Trưng Vương”, “Dòng sông kể chuyện”… đến tổ chức các sự kiện âm nhạc ngoài trời, show diễn chất lượng cao. Anh chia sẻ, mỗi nghệ sĩ trẻ đến với Nhà hát Trưng Vương không chỉ là một thành viên mới mà còn là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh biểu diễn nghệ thuật của Đà Nẵng.
Nhiều ý kiến nhận xét rằng, chính tinh thần cởi mở của NSƯT Quang Hào đã tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ trẻ đầu quân về Nhà hát Trưng Vương. Trong đó có thể kể đến những giọng ca đã khẳng định được dấu ấn riêng trên sân khấu như ca sĩ Thanh Trang (Khánh Hòa), Vũ Bảo, Nam Sơn (Thành phốHồ Chí Minh)... Sự hội tụ các tài năng đến từ nhiều vùng miền làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật cũng như mang đến luồng gió mới, trẻ trung cho các chương trình nghệ thuật.
Thanh Trang nhớ lại, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Âm nhạc Huế, cô quyết định về Đà Nẵng xây dựng sự nghiệp trước khi bước ra thị trường âm nhạc lớn hơn. Theo nữ ca sĩ, môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp tại nhà hát đã giúp cô có điều kiện phát triển sự nghiệp âm nhạc và hy vọng thời gian tới thành phố sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng thu hút khán giả.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế- xã hội, Đà Nẵng trở thành nơi cất cánh những ước mơ, hoài bão của nhiều người con xa quê chọn nơi đây để lập nghiệp. Đối với Đinh Thị Trang, Đà Nẵng là nơi chị tìm thấy cơ hội gắn bó với văn hóa truyền thống. Ở đây, ngoài công trình nghiên cứu, chị còn tổ chức các buổi thảo luận, hội thảo về văn hóa dân gian để khơi gợi đam mê và sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc. Chị nói, vị trí công tác đã cho chị cơ hội tham gia các hội thảo trong nước, quốc tế liên quan đến văn hóa dân gian, từ đó có thêm cách tiếp cận mới mẻ trong hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tại Đà Nẵng.
Trong công việc của mình, chị Trang nhấn mạnh việc bảo tồn văn hóa không chỉ là ghi chép và lưu giữ, mà cần đưa các giá trị văn hóa đó đến gần hơn cuộc sống cộng đồng. Chính điều này đã thôi thúc chị tiếp tục cống hiến, và theo chị, nghiên cứu văn hóa là một hành trình dài, không có kết thúc. Bởi văn hóa dân gian luôn biến đổi theo thời gian và trách nhiệm của người làm nghiên cứu là vừa giữ gìn, vừa phát huy để các giá trị này có thể sống mãi trong đời sống cộng đồng.
TIỂU YẾN