Gió tháng Chạp

.

Về cuối năm, trời thường nhiều gió. Ở nơi này thì se se, ở nơi khác thì lại rét buốt. Trước hiện tượng tự nhiên này, lòng người thường chùng xuống, gợi niềm nhớ điều gì không rõ dáng hình. Ở phương Nam đất nước, thời tiết đã vào mùa khô nhưng đôi khi vẫn còn rớt lại vu vơ dăm sợi gió se. Ở miền Trung, gió giấu trong lòng bao hoài niệm sắt se của chốn quê nhà đã trôi vào thời gian xa lắc… Cuối năm, khi ngọn gió mùa đông bắc tê tái thổi về, có ai mà không cảm nhận được những niềm riêng se thắt. Không hiểu vì sao mà câu thơ xưa của Ức Trai bỗng dưng trở về: "Tịch mịch u trai lý/ Chung tiêu thính vũ thanh/ Tiêu tao kinh khách chẩm/ Điểm trích sổ tàn canh… (Vắng vẻ phòng trai tối/ Suốt đêm nghe tiếng mưa/ Não nùng lay gối khách/ Giọt giọt điểm canh mờ… - Thính vũ - Nguyễn Trãi)…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đầu tháng Chạp, trời dần lạnh hơn. Bên chung trà thoảng nhẹ làn hương ấm, cuộc sống vẫn đều đặn theo vòng quay quen thuộc. Chậm. Đều.

Bác hưu trí nhà bên cạnh với chiếc xe nhỏ trước hiên và dăm tách cà phê bình dân cho những người láng giềng quen; đến với cà phê để trò chuyện cùng bằng hữu hơn là vì nhu cầu bản thân. Chiếc xe đẩy bán vài món điểm tâm đi qua, là hình ảnh quen thuộc của cư dân nơi  xóm nhỏ ven biển của thành phố này, giờ đây đang được nhiều khách xa tìm đến. Đâu đây, có tiếng hát nhẹ bay trên những mái nhà còn ngái ngủ ở khu vực ngoại vi, bên bãi tắm biển Mân Thái, vào thời khắc này chỉ có những khách Tây, khách Hàn đang dạo những bước vui để đón một năm mới với tâm trạng nô nức khám phá về một vùng đất mới... Và cuộc sống thì vẫn trôi, như không biết đến những gì đang thầm lặng hay ồn ào diễn ra…

Và trong tiết điệu của gió, quê nhà một thời đã xa lắm chợt hiện ra với phiên chợ Tết nhiều màu và những đôi mắt hiền lành của những người nông dân một đời lam lũ. Vậy là lại thêm một dấu mốc thời gian đang đến để rồi sẽ qua đi, để cho niềm tin lại tiếp tục nuôi dưỡng hồn người, để cho cuộc sống này không ngừng tiến về phía trước. Để sống với những gì bình thường nhất và với lòng tin gửi vào những mỹ tục được truyền lưu trong tập quán sinh hoạt của tộc Việt… Tha thẩn mà hỏi, thì nếu như không có những gì mà một số người vẫn cho là… xưa cũ ấy, thì đời sống sẽ như thế nào?

Và gió. Gió trong những thời khắc cuối của một cột mốc trên dòng sống xô chuyển vẫn đang thổi qua bao thịnh-suy của lịch sử. Đó là kiểu nói triết lý thẩn thơ. Còn đối với người nông dân ngày ngày vẫn cần cù trên vườn ruộng, thì gió vẫn gọi về niềm hy vọng trên đất đồng quen thuộc. Để cho hy vọng về tiết Giêng Hai giáp hạt bớt đi nỗi cơ hàn của những ngày xưa. Và như thế, tháng Giêng lẽ nào là tháng ăn chơi, như vẫn thường nghe quen tai theo cách nhìn - cách nói cũ mà quên mất cuộc sống thực của người nông dân trong thời xưa ấy, vốn chuyên cần rất mực.

Cuối năm. Trên những toa tàu đông đúc, những chuyến xe chật người, có biết bao người con đi xa tìm về quê nhà nhung nhớ giữa khi xuân sắp về. Và gió không chỉ thổi lạnh bên ngoài mà còn trở thành nỗi niềm của những suy tính dè sẻn giữa đồng tiền của mồ hôi lương thiện trên tay sau cả năm dài làm việc. Và may thay, sau khi bao tai ương đã bay vuột ra khỏi chiếc bình của nàng Pandora trong thần thoại Hy Lạp, vẫn còn lại niềm hy vọng mãi mãi, để cho con người có thể tiếp tục bước đi về phía trước. Đi trong gió. Miên man. Như gió. Bởi vì, bản thể của gió là… hy vọng.

Gió ơi!...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
;
.
.
.
.
.