Khi chính quyền Berlin công bố cắt giảm 130 triệu euro ngân sách dành cho văn hóa, họ đang đánh cược với tương lai kinh tế của thành phố. Với hơn 50% du khách đến thành phố này vì nghệ thuật, những tổn thất về kinh tế có thể lớn hơn nhiều lần số tiền họ cho rằng sẽ tiết kiệm được.
Một cảnh trong vở kịch “Nathan the Wise” tại Nhà hát Volkstheater Deutsch-Sorbisches ở Bautzen, nơi cũng bị cắt kinh phí. Ảnh: DW |
Trước cửa nhà hát Schaubühne danh tiếng ở Berlin, một nhóm du khách đứng ngẩn ngơ trước tấm biển "Đóng cửa" treo trên cánh cửa Studio - không gian thử nghiệm sáng tạo của nhà hát. Đây chỉ là khởi đầu của một chuỗi đóng cửa có thể xảy ra, khi nhà hát này đối mặt với viễn cảnh phá sản vào cuối năm 2025 sau quyết định cắt giảm ngân sách của chính quyền Berlin, theo trang Euronews.
Khi “cơm áo không đùa với khách thơ”
Quyết định cắt giảm 130 triệu euro (tương đương 12%) ngân sách văn hóa của Berlin cho giai đoạn 2025-2026 không chỉ là một con số. Theo trang Domusweb, đó sẽ là dấu chấm hết cho nhiều dự án nghệ thuật, là mối đe dọa sinh tồn của hàng loạt tổ chức văn hóa, và quan trọng hơn, có thể là một sai lầm tốn kém về mặt kinh tế của thành phố vốn tự hào là thủ đô văn hóa của châu Âu.
Theo số liệu thống kê mà Domusweb trích dẫn, hơn 50% số khách du lịch chọn đến Berlin vì không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng của thành phố này. Với một thành phố sở hữu 185 viện bảo tàng, 150 nhà hát, 99 rạp chiếu phim và hơn 170 phòng trưng bày, quyết định cắt giảm này đang đặt dấu hỏi lớn về tương lai không chỉ của nghệ thuật mà còn của cả nền kinh tế Berlin. Cũng bởi thế, theo AFP, các con số cắt giảm khiến cộng đồng nghệ thuật choáng váng.
Thị trưởng Kai Wegner, thành viên đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), bảo vệ quyết định này bằng cách đổ lỗi cho chính quyền cánh tả trước đây với "giấc mơ xanh" khiến tài chính thành phố căng thẳng. Ông tuyên bố Berlin cần "thay đổi tư duy, kể cả trong văn hóa”, trang The Art Newspaper trích dẫn.
Trong khi đó, bà Emma Enderby, giám đốc Viện Nghệ thuật Đương đại KW, chỉ ra một thực tế đáng lo ngại với The Art Newspaper: "Ở Berlin, văn hóa chỉ chiếm khoảng 2% tổng ngân sách, vậy mà họ cắt giảm từ 10% đến trong một số trường hợp là 50%”.
Theo trang Artnews, tình hình càng trở nên phức tạp khi các viện bảo tàng Đức không thể áp dụng mô hình gây quỹ từ thiện kiểu Mỹ do hạn chế của luật pháp. Chi phí cố định cho việc bảo quản đã chiếm tới 80-90% ngân sách của họ.
Sẽ mất nhiều hơn được?
Có lẽ đã đến lúc Berlin cần nhìn nhận lại liệu việc cắt giảm 130 triệu euro ngân sách văn hóa có thực sự là một giải pháp tiết kiệm? Hay đây sẽ là một nước cờ sai lầm, khiến thành phố phải trả giá đắt trong tương lai, không chỉ về mặt văn hóa mà còn cả về kinh tế, khi mà như bà Patricia Rahemipour, đồng chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Berlin và giám đốc Viện Nghiên cứu Bảo tàng đã cảnh báo trên tờ The Art Newspaper: những cắt giảm này đang chia rẽ toàn bộ không gian văn hóa Berlin. |
Những con số cắt giảm chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo bà Emma Enderby, tác động sâu xa nhất sẽ rơi vào các chương trình đa dạng, giáo dục và tiếp cận cộng đồng. "Chúng tôi đang phải đóng cửa một số sáng kiến theo chương trình, chẳng hạn như một trong các chương trình hòa nhập của chúng tôi”, bà chia sẻ với trang The Art Newspaper.
Trong khi đó ông Paul Spies, đồng chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Berlin, cảnh báo với Euronews về vòng xoáy tài chính nguy hiểm: "Việc hủy bỏ các hợp đồng và nghĩa vụ hiện tại sẽ dẫn đến bồi thường và tranh chấp pháp lý. Điều đó không hề tiết kiệm hay hiệu quả về mặt kinh tế”.
Phát biểu trên đài DW, bà Dorothea Gregor, chuyên gia văn hóa đến từ Quỹ Liz Mohn - tổ chức phi lợi nhuận lớn của Đức chuyên nghiên cứu và phát triển văn hóa nghệ thuật cho rằng, cần có sự cân bằng hơn: "Không có ai, kể cả ở Berlin, nói rằng chúng ta không còn cần nghệ thuật nữa”. Theo một khảo sát của quỹ này, 91% người dân Đức muốn các hoạt động nghệ thuật như nhà hát được bảo tồn cho các thế hệ tương lai vì chúng là một phần trong bản sắc văn hóa của đất nước.
Trở lại Nhà hát Schaubühne, nơi mà từ năm 1999 đã được dẫn dắt bởi đạo diễn danh tiếng Thomas Ostermeier với nhiều giải thưởng quốc tế. Theo AFP, ban lãnh đạo nhà hát đã phải đưa ra tuyên bố đầy chua xót: Schaubühne đang đứng trước hai lựa chọn đều tồi tệ - một là chấp nhận phá sản vào cuối năm 2025, hai là thực hiện một chương trình tái cơ cấu quy mô lớn, cắt giảm toàn diện, nhưng điều này sẽ khiến nhà hát đánh mất chính mình và những giá trị văn hóa mà nó đã gây dựng bấy lâu nay.
TRẦN ĐẮC LUÂN