Khi chữ và hình cùng kể chuyện

.

Từ những trang sổ tay đầy màu sắc của nhà văn Orhan Pamuk trong suốt 13 năm, một cuộc cách mạng nghệ thuật đang hé lộ. Ở đó, văn bản và hình ảnh không còn là hai thực thể riêng biệt mà hòa quyện thành một ngôn ngữ kể chuyện hoàn toàn mới.

Nhà văn Orhan Pamuk đã biến 30 cuốn sổ tay Moleskine thành một câu chuyện qua các bức hình minh họa và văn bản, sắp xếp theo mạch cảm xúc thay vì thời gian.  Ảnh: Orhan Pamuk
Nhà văn Orhan Pamuk đã biến 30 cuốn sổ tay Moleskine thành một câu chuyện qua các bức hình minh họa và văn bản, sắp xếp theo mạch cảm xúc thay vì thời gian. Ảnh: Orhan Pamuk

Trong căn phòng nhìn ra eo biển Bosphorus ở Istanbul, nhà văn Orhan Pamuk ngồi trước cuốn sổ tay Moleskine, vừa viết vừa vẽ. Đôi khi ông để lại khoảng trống trên trang giấy để sau này điền vào đó những hình vẽ. Có lúc ông lại viết đè lên những bức tranh đã vẽ. "Văn bản không giải thích tranh vẽ, tranh vẽ cũng không minh họa cho văn bản", nhà văn từng đoạt giải Nobel Văn học 2006 chia sẻ với tạp chí The Art Newspaper.

Cuộc hội ngộ của chữ và hình

Cuốn "Memories of Distant Mountains: Illustrated Notebooks 2009-2022" (tạm dịch: Ký ức về những ngọn núi xa: Tập sổ tay minh họa 2009-2022) vừa xuất bản là tuyển tập từ hơn 30 cuốn sổ tay của nhà văn Orhan Pamuk trong 13 năm qua.

Theo ông Michael Pearson, nhà phê bình của trang New York Journal of Books, đây là một tác phẩm độc đáo trong sự nghiệp của Pamuk, khi ông kết hợp những bức tranh sống động với các ghi chép về mọi thứ, từ thói quen bơi lội, giấc ngủ cho đến những suy tưởng về nhà văn Leo Tolstoy hay đạo diễn, nhà biên kịch Woody Allen.

Với Orhan Pamuk - người đã từ bỏ ước mơ làm họa sĩ ở tuổi 22 để theo đuổi con đường văn chương - việc cầm cọ vẽ trở lại không đơn thuần là thú vui tao nhã của một nhà văn. Đó là cuộc cách mạng trong cách kể chuyện, nơi ranh giới giữa chữ và hình được xóa nhòa, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật mới. Như chính ông đã viết: "Đã có một thời chữ và hình là một. Đã có một thời, chữ là hình và hình là chữ”, trang LA Review of Books trích dẫn.

Bình luận trên tạp chí LA Review of Books, nhà phê bình Erdağ Göknar cho rằng những trang sổ tay của Pamuk là "những cửa sổ nhìn vào phương pháp sáng tạo của một nhà văn tự nhận mình là một “visual writer” - người viết bằng hình ảnh".

Nghệ thuật của sự giao thoa

Khám phá cội nguồn sáng tạo của Orhan Pamuk
"Ký ức về những ngọn núi xa" không chỉ là một cuốn nhật ký minh họa thông thường. Như chính tên gọi của nó, cuốn sách là cuộc phiêu lưu vào những vùng đất xa xôi của tâm trí, nơi ranh giới giữa chữ và hình tan biến, nơi ngôn từ có thể trở thành hình ảnh và hình ảnh có thể kể những câu chuyện. Theo ông Erdağ Göknar, với những ai muốn tìm hiểu cách vận hành của một trí tuệ xuất chúng, những trang sổ tay này mang đến niềm say mê khó cưỡng, hé lộ những nguồn cội sáng tạo trong quá trình viết của Pamuk.

Những trang sổ tay của Orhan Pamuk không chỉ là không gian thể hiện của một nhà văn hay một họa sĩ, mà còn là nơi hai hình thức nghệ thuật này đối thoại và hòa quyện. Theo nhà phê bình Michael Pearson, Pamuk “buộc người đọc phải ngắm nhìn những bức vẽ đầy màu sắc của ông, và như một dư âm hay chú thích, ông đặt bên cạnh đó một đoạn văn hay một dòng triết lý sâu sắc”.

Trong cuốn sách này, chúng ta bắt gặp những khoảnh khắc đời thường xen lẫn những suy tư sâu sắc. Từ những chuyến đi qua Berlin, Bombay, Bursa, Beverly Hills, Barcelona đến những giây phút yên tĩnh trong căn phòng nhìn ra eo biển Bosphorus. Như tạp chí Publishers Weekly nhận xét, những suy tưởng của ông thu hút người đọc, dù đó là về điều cao siêu ("Ý tưởng biến mất sau ngọn núi xa nhất là một ảo tưởng về sự đoàn tụ với tổ tiên"), hay về điều bình dị ("Âm thanh của sóng vỗ nhẹ vào bờ và tiếng máy tàu. Những bài dân ca trên radio vẫn đang du dương").

Trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi hình ảnh, sự trở lại với hội họa của Pamuk không chỉ là hành trình cá nhân của một nhà văn. Nó còn là lời gợi ý về một khả năng mới trong nghệ thuật kể chuyện đương đại. Như Erdağ Göknar, giảng viên Đại học Duke, người thường xuyên giảng dạy về văn học Pamuk, đã nhận xét, những trang sổ tay của Pamuk là "con mắt điềm tĩnh giữa cơn bão sáng tạo. Chúng vừa là hành trình, vừa là tư duy thô, vừa mang tính thiền định vừa mang tính phiếm du”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.