Không ngẫu nhiên mà Báo Đà Nẵng xây dựng chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” đăng tải bài viết gần như đều đặn mỗi thứ Năm hằng tuần… Bởi lẽ, trong quá trình tác nghiệp, không ít nhà báo có cơ hội tiếp cận những mảnh đời yếu thế, kém may mắn và viết về họ như một mệnh lệnh thôi thúc từ chính tấm lòng trắc ẩn, yêu nghề và say nghề.
![]() |
Qua bài viết “Người mẹ trẻ cần kinh phí điều trị để vượt qua cơn nguy kịch”, chị Lê Thị Thùy Dung (SN 1987, tổ 16, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được bạn đọc Báo Đà Nẵng hỗ trợ hơn 23 triệu đồng. Ảnh: T.Y |
Người cầm bút với an sinh xã hội
Bệnh tật luôn là nỗi lo thường trực của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hầu hết bài viết đăng trên mục “Nhịp cầu nhân ái” là những ca bệnh nặng không có điều kiện chữa trị. Còn nhớ, năm 2018, qua các bác sĩ, chúng tôi biết đến hoàn cảnh sản phụ Diệp Thị Phước (SN 1985, thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị tràn dịch màng phổi, phải mổ cấp cứu. Chỉ trong hai ngày, sức khỏe chị Phước chuyển biến phức tạp, tiên lượng xấu. Để cứu sống chị, đội ngũ bác sĩ liên tục hội chẩn, mổ phổi phải, phổi trái và lồng ngực để hút dịch tràn vào các hốc phổi, tim… Tình trạng bệnh chồng bệnh khiến cơ thể chị suy yếu nhưng gia đình không có tiền chữa trị. Từ thông tin này, chúng tôi đã đến bệnh viện gặp gỡ chồng chị và các bác sĩ để tìm hiểu câu chuyện và sau đó viết bài “Vừa sinh con, mẹ lâm bệnh nặng” đăng tải trên chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái”.
Chỉ vài ngày sau khi bài viết xuất hiện trên mặt báo, nhiều bạn đọc đã liên hệ hỗ trợ, giúp đỡ gia đình số tiền hơn 32 triệu đồng. Số tiền dù không quá lớn, nhưng là món quà vô giá đối với gia đình chị Phước trong thời điểm ngặt nghèo nhất. Đặc biệt, nhờ sự giúp đỡ kịp thời từ cộng đồng và sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, sức khỏe chị Phước dần hồi phục, mang lại niềm vui không chỉ cho gia đình mà còn cho những người đã chung tay giúp đỡ.
Mới đây qua bài viết “Người mẹ trẻ cần kinh phí điều trị để vượt qua cơn nguy kịch”, chị Lê Thị Thùy Dung (SN 1987, tổ 16, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) được bạn đọc Báo Đà Nẵng hỗ trợ hơn 23 triệu đồng. Số tiền ấy đã giúp gia đình chị trang trải gánh nặng viện phí trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Chồng chị, anh Nguyễn Viết Cường, chia sẻ trong xúc động: “Khi đọc bài báo và nhận sự giúp đỡ từ mọi người, tôi thực sự biết ơn vì giữa lúc khó khăn nhất, gia đình tôi không bị bỏ lại phía sau. Số tiền vừa hỗ trợ về vật chất, vừa là nguồn động viên tinh thần lớn lao để chúng tôi tiếp tục cố gắng trong thời gian tới”.
Những câu chuyện về chị Phước, chị Dung không hiếm gặp trên chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” nhiều năm qua. Ở đó, mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện nhưng điểm chung đều khát khao vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật. Nhìn lại hành trình của chuyên mục này, có thể thấy những nhà báo không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, mà còn là cầu nối gắn kết nhân vật với cộng đồng. Đó có thể là câu chuyện của nhà báo Phạm Ngọc Đoan trong thời gian công tác tại Phòng Bạn đọc (nay là Phòng Cuối tuần - Bạn đọc).
Anh nhớ lại, giữa năm 2017, anh nhận điện thoại của người bạn là bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với giọng thảng thốt: "Chiều nay khoa em tiếp nhận một bệnh nhi người Cơ tu ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) bị hoại tử 2 chân, chắc phải cắt cụt. Gia đình cháu quá nghèo, anh có cách gì giúp cháu viện phí để chữa trị". Nhìn hình ảnh Pơloong Quốc Quân với đôi chân bị hoại tử do nhiễm trùng huyết, anh không cầm được nước mắt. Sau đó, anh trao đổi với phóng viên Nguyễn Trọng Huy thực hiện bài viết “Bé trai người dân tộc Cơ tu cần giúp đỡ” với mong muốn được bạn đọc chia sẻ, hỗ trợ. May mắn thay, qua bài viết, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm kịp thời giúp Quân kinh phí thực hiện ca phẫu thuật thành công.
“Trong gần 2 tháng Pơloong Quốc Quân điều trị tại bệnh viện, bạn đọc trong và ngoài thành phố hỗ trợ cháu tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Ngày cháu bình phục, trở về quê, qua mối quan hệ quen biết, tập thể Phòng Bạn đọc xin cho cháu 1 chiếc xe lăn làm phương tiện đi lại”, anh Ngọc Đoan chia sẻ.
Báo Đà Nẵng thực hiện những bài về an sinh xã hội, về người yếu thế không phải để làm từ thiện, mà là để khơi nguồn cho dòng chảy yêu thương không bao giờ cạn. Và chính những dòng chảy ấy đã làm nên giá trị bền vững cho nghề báo cũng như tiếp thêm niềm tin xây dựng một xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn. |
Nối dài những yêu thương
Chính tác động mạnh mẽ từ những câu chuyện nhân văn đã giúp chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” trở thành điểm tựa cho bao phận đời kém may mắn và là động lực để nhà báo tiếp tục dấn thân. Còn nhớ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát khiến đời sống kinh tế bao gia đình rơi vào cảnh khó khăn, Báo Đà Nẵng nhanh chóng đồng hành cùng chương trình Hạt gạo tình thương (ATM gạo) do Hội Doanh nhân trẻ, Thành đoàn Đà Nẵng và UBND quận Cẩm Lệ tổ chức. Thời gian ấy, ngoài liên tục chuyển tải thông tin hoạt động của ATM gạo, báo tích cực kêu gọi sự đóng góp của cán bộ, phóng viên, người lao động, đồng thời kết nối nhiều tấm lòng chung tay ủng hộ chương trình.
Thời điểm chương trình ATM gạo diễn ra, không khí tại cơ quan báo luôn tất bật nhưng đong đầy ý nghĩa. Nhiều bạn đọc không chỉ gọi điện thoại mà trực tiếp đến tòa soạn để đóng góp. Đơn cử như trường hợp em Cao Nguyễn Anh Khoa (học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và THCS FPT Đà Nẵng) đến báo ủng hộ 1 triệu đồng và rụt rè nói đây là số tiền em tiết kiệm: “Con muốn ủng hộ để các cô, chú mua gạo giúp đỡ những người khó khăn”.
Hay một nhóm bạn trẻ ở Công ty TNHH Phát triển Kỹ thuật công nghệ Việt Nhật cùng Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Phúc Đại Nam chở đến báo 1 tấn gạo ủng hộ. Trước đó, một thanh niên đến tòa soạn đóng góp 500.000 đồng cho “ATM gạo” nhưng khi chúng tôi hỏi danh tính để ghi vào danh sách ủng hộ, anh liền cười từ chối. Cảm động hơn là một phụ nữ đến ủng hộ 6 triệu đồng nhưng đề nghị viết tắt tên của chị. Cứ thế, thông qua Báo Đà Nẵng, rất nhiều tấm lòng đã tìm đến để “tiếp sức” hơn 10 tấn gạo cho chương trình ý nghĩa này.
Có thể nói, những đóng góp từ cộng đồng, dù nhỏ bé hay lớn lao, đều là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần nhân ái mà Báo Đà Nẵng thắp lên qua chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” và các chương trình thiện nguyện do cơ quan tổ chức. Có thể kể đến “Tủ sách yêu thương” gồm trang thiết bị, đồ dùng dạy học trực quan, sách, tranh ảnh, vở viết… được Báo Đà Nẵng quyên góp kinh phí trong đội ngũ phóng viên, người lao động trao tặng Trường Chuyên biệt Tương Lai (cơ sở 2, số 88A Huy Cận, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) năm 2023 hay loạt chương trình hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học do Đoàn Thanh niên báo tổ chức trong nhiều năm liền.
Phóng viên Đắc Mạnh khá xúc động khi kể lại những lần cùng Chi đoàn Báo Đà Nẵng vượt chặng đường dài mang những món quà đến tặng học sinh nghèo hiếu học tại hai xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Anh chia sẻ: “Đến nơi, thấy niềm vui ánh lên trong mắt những đứa trẻ khi cầm trên tay cuốn tập mới, tôi thấy lòng ấm áp như chính mình vừa nhận được món quà lớn”.
Từ những câu chuyện cụ thể, Báo Đà Nẵng đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội và thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng. Mỗi bài viết, mỗi chương trình thiện nguyện là sự dấn thân không mệt mỏi của người cầm bút, khi luôn đặt mình vào vị trí của người yếu thế để lắng nghe, thấu hiểu và hành động. Khi viết những dòng này, chúng tôi chợt nhớ câu nói của một đồng nghiệp Báo Đà Nẵng, đại ý nhà báo khi viết những bài về an sinh xã hội, về người yếu thế không phải để làm từ thiện, mà là để khơi nguồn cho dòng chảy yêu thương không bao giờ cạn. Và chính những dòng chảy ấy đã làm nên giá trị bền vững cho nghề báo cũng như tiếp thêm niềm tin xây dựng một xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn.
TIỂU YẾN