Những ngày giáp Tết cái lạnh vẫn theo gió sượt qua mang tai. Huy khoác ba lô, đi bộ ngang qua cánh đồng làng về nhà nội ăn Tết sớm. Cây bàng cổ thụ giữa đồng vẫn đứng im lìm như những ngày Huy còn nhỏ. Gió đã thổi hết lá đỏ xuống đất, trên những nhánh cây gầy guộc đã nhu nhú vài mầm non màu xanh pha tím e ấp. Bao nhiêu mùa bão qua làng vẫn không xô ngã được gốc cây có bộ rễ ăn sâu vào cánh đồng làng. Đất trời đã râm ran Tết mà trên đồng vẫn nhấp nhô dáng người. Mạ xanh non mượt như nhung. Vài người vác cuốc đi thăm ruộng, đắp lại lỗ mội, tranh thủ rải phân. Cái nếp của người quanh năm gắn bó với ruộng đồng là thế, phải làm xong hết mới yên tâm “lên bờ” ăn Tết.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ hồi Huy còn bé tí, khi tờ lịch chuyển sang tháng Chạp là bà nội lại bắt đầu đỏ lửa rang nếp, rang đậu. Rồi nội sẽ đổ vào cái bao, cột chặt sau yên xe đạp sai Huy chở đi xay bột. Nội làm bánh thuẫn, bánh nổ, bánh tổ. Rồi nội làm bánh in gói trong mấy miếng giấy gương đủ màu xanh đỏ vàng tím để bỏ mối cho người ta. Những cái bánh từ bàn tay nhăn nheo của nội làm ra ai cũng mê. Cắn miếng bánh ngọt thơm, người ta gật gù ăn rất khác so với mấy loại bánh bán ngoài chợ.
Hễ cứ thấy ngoại sửa soạn cho mùa bánh Tết là Huy lại thở dài. Huy rầu dữ lắm khi nội sai cạo đường táng, gọt gừng, hay ngồi nhận mớ bột nội đã nhào sẵn vào mấy cái khuôn để phụ nội làm bánh in. Nhưng rồi cái rầu qua nhanh khi Huy là đứa sở hữu giấy gương sớm nhất lớp. Những giờ ra chơi, tụi bạn lé mắt khi Huy lôi bộ sưu tập từ trong cặp ra. Đưa miếng giấy gương lên mắt, màu trời màu nắng lập tức chuyển thành màu đỏ, màu xanh, màu hồng lạ lẫm. Đất trời này là của mình, muốn màu gì cũng được. Tụi bạn xin nhòm ké, bởi phải qua Tết tụi nó mới có giấy gương. Nhờ nội mà Huy nghiễm nhiên trở thành đứa giàu nhứt lớp.
Nhìn ngọn khói chiều lởn vởn trên mái nhà nội từ đằng xa, Huy nhanh chân bước. Chắc nội sẽ bất ngờ lắm vì mọi năm phải 29, 30 Tết Huy mới về. Đang nhanh chân thì chợt có tiếng gọi, Huy quay lại thấy thím Thà đang lúi húi ở mấy luống rau non mưng. Tay thím thoăn thoắt nhổ cải rồi bó lại bằng cộng lá chuối, vẫn không ngơi tay thím nói: “Năm ni Huy về ăn Tết sớm hỉ”. Thím ngoắc Huy lại gần, đôi bàn tay dính đầy bùn đất lấy cho Huy mớ cải, vài cây xà lách bảo mang về ăn. Thím nói năm nay không mưa dầm dề, rau nhà ai cũng xanh tốt. Tết ni tha hồ có rau ngon cuốn bánh tráng thịt heo.
Hồi xưa lắc xưa lơ Huy đã thấy thím suốt ngày loay hoay với đám đất này. Hết đậu phụng tới khoai lang, cà tím. Gần tới Tết, thím lên luống gieo cải, tần ô, hành ngò. Trời lạnh ngắt, đưa đôi tay lên hà hơi không bớt lạnh mà Huy vẫn thấy thím lui cui ngoài đồng. Người trong xóm khen thím mát tay, trồng rau mà luống nào luống nấy vun y mâm xôi. Thím cười, tại thím chăm chút kỹ chứ có mát tay gì đâu. Khi Huy chào thím về thì thím nói với theo “Bé Yên về khi sáng rồi đó. Biết bây về sớm nó mừng dữ lắm”.
Từ nhà nội, men theo mấy hàng chè tàu là tới nhà Yên. Yên nhỏ hơn Huy một tuổi nhưng chưa khi nào Yên gọi Huy là anh. Lý lẽ của Yên là nếu tính theo tháng Huy chỉ hơn Yên đúng ba tháng. Ba tháng ngắn ngủn, sao gọi là anh được? Hồi nhỏ, những ngày tháng Chạp, Yên hay sang nhà coi bà nội làm bánh, rồi phụ nội cạo đường, rang nếp. Thấy Yên, Huy mừng dữ lắm vì đôi bàn tay lóng ngóng của Huy cạo đường táng đã mỏi rã rời. Yên say mê ngồi nghe bà nội kể những chuyện xưa lắc lơ cả ngày mà không biết chán.
“Con bé Yên coi vậy mà gan”. Bà nội bỏm bẻm nhai trầu kể có bữa chạng vạng thấy Yên còn đi ngoài đồng, ngang qua cây bàng cổ thụ. Trong làng này, có đứa con nít nào mà không biết cây bàng ấy có ma. Có lần Huy hỏi Yên không sợ ma hả? Yên cười để lộ lúm đồng tiền. Sợ chi, ma cũng là người làng mình cả thôi!
Huy lấy làm lạ nhưng ngẫm ra cũng đúng. Mùng một năm nào Huy cũng theo nội ra ngoài khu mả thắp hương. Nội không chỉ thắp hương cho ông nội, người trong họ hàng mà còn thắp cho những nấm mộ xung quanh. Ngày đầu năm, hầu như nhà nào cũng đi thắp hương giống nội. Có vài ngôi mộ Huy biết, còn lại thì không. Mùi nhang ấm cúng loang cả khu mả xanh rì cỏ. Nội cũng nói như Yên, lạ quen gì thì cũng là người làng mình cả, giờ họ bình yên nằm dưới đất và vĩnh viễn thuộc về làng.
Nội thường tặc lưỡi, Yên còn nhỏ mà suy nghĩ già dặn, chắc do hoàn cảnh. Ý của nội là chuyện thím Thà sinh Yên mà không có ba. Thím cực dữ lắm, phải quần quật ngoài ruộng, ngoài đồng từ sáng sớm tới tối mịt. Những buổi chạng vạng Yên hay ra đồng phụ má đem rau về để sáng mai thím mang ra chợ sớm. Nhà Huy cũng neo người, quanh năm suốt tháng chỉ có Huy ở nhà với nội. Ba má Huy ra Đà Nẵng làm công nhân, sát Tết mới về.
Yên hít hà mùi nếp rang nói chưa năm nào nhà Yên làm bánh cả. Nội gật đầu, má bây trồng rau bán Tết, cực thí mồ thì thời gian đâu ra mà làm bánh. Yên khéo tay lắm, từng chiếc bánh Yên làm vuông vức, sắc cạnh chứ không sứt mẻ, thiếu góc vì nhận bột vào khuôn không chặt như của Huy. Yên học nội gói bánh in trong những miếng giấy gương hình vuông đẹp đẽ. Khi nội ngồi canh lửa cho nồi bánh tổ, Yên cũng ngồi bên. Nội nói bánh tổ nấu kỹ để được rất lâu. Ra Giêng, trên bánh sẽ có một lớp mốc. Nhưng không sao, chỉ cần gọt bỏ lớp bánh hư, đem chiên lên là có ngay miếng bánh tổ chiên vàng ruộm. Bánh tổ mà kẹp thêm miếng bánh tráng giòn nữa thì còn chi bằng. Yên nghe nội nói chép miệng thèm. Nội cười, học nghề của nội, mai mốt làm dâu nhà nội thì hay quá. Huy lúc đó đang trên nhà, nghe câu đó mặt Huy đỏ bừng may mà Yên ở dưới bếp không nhìn thấy.
Hồi đó hễ cứ tới ba mươi Tết, nội bỏ vào cái giỏ đi chợ mớ bánh, thêm mấy đòn bánh tét, ổ bánh tổ sai Huy mang sang nhà thím Thà thắp hương cho ông bà. Huy biết, kiểu gì buổi chiều thím cũng lại tạt qua nhà nội để lên bàn gói trà xanh Mai Hạc và một mớ rau xà lách, rau cải biếu nội cuốn bánh tráng. Có năm, thím còn biếu nội một nhánh mai nhiều búp đẹp mê hồn từ cây mai trước sân nhà thím. Hồi đó người làng có thú chưng cành mai trong độc bình chứ không phải chơi mai nguyên cây như bây giờ. Cành mai của thím chưng ngay bàn, nội dặn Huy nước chưng phải là nước sạch mai mới lâu tàn. Ba ngày Tết, những cánh mai vàng rụng trên bàn thơm phức, nội cứ để nguyên mà không dọn đi.
Huy lớn lên, đếm tuổi mình bằng những cái Tết bên nội. Tháng Chạp cọc cạch đạp xe chở mớ đậu, mớ nếp đã rang đem đi xay. Rồi Mùng một theo chân nội đi thắp nhang ngoài khu mả. Thời gian cứ lao vùn vụt như mỗi lần Huy đưa miếng giấy gương đủ sắc màu lên mắt. Rồi Huy xa nội lên phố học đại học, ra trường đi làm, có khi cả năm mới tạt về nhà. Còn cô bé Yên ngày nào cũng đã thành người con gái xinh đẹp. Nội nói trong làng cũng vài đám ướm lời nhưng con bé không ưng.
Đi xe về mệt, tối đó Huy nằm ngủ say, đến khi nắng rọi vào tận giường Huy mới thức giấc. Ngồi dậy xỏ dép, Huy nghe tiếng cười nói giòn tan vang lên dưới bếp. Bà nội tóc bạc như cước, tay run run trộn bột với đường táng cạo. Mùi thơm của bột nếp thơm lừng. Huy hít hà, vẫn y xì mùi của năm tháng cũ. Một cô gái đang ngồi bên nội cười nói rôm rả. Bất chợt cô ngước lên chạm mắt Huy, cái lúm đồng tiền đỏ lựng.
Huy ngồi xuống bên cạnh nội, đưa tay lấy một cái khuôn bánh in bằng gỗ đã nhẵn thín theo năm tháng rồi nhận bột vào. Khác với ngày xưa bây giờ trong làng chỉ còn vài người làm bánh Tết. Ngôi chợ quê ở Huy tháng Chạp về ngập trong bánh mứt đóng bao xanh đỏ dán nhãn tiếng Tây tiếng Tàu đủ cả. Huy từng đề nghị ra chợ mua bánh lúc thấy tấm lưng của nội còng xuống khi ngồi rang nếp bên ánh lửa bập bùng.
Huy nói nội còn làm bánh chi cho cực, giờ muốn ăn bánh gì cũng có, muốn loại ngày xưa gói trong giấy gương cũng có luôn. Nội cười móm mém, phải làm chứ! Làm bánh đâu phải chỉ để ăn ba miếng cho vui, làm ít thắp hương cho ông bà. Rồi nội nhìn xa xăm, người quê mình Tết không có bánh in, cái bánh nổ thì còn chi Tết nữa! Nội làm để giữ lại chút hương vị Tết ngày xưa. Nội đưa tay đấm thùm thụp bảo cái lưng đau quá chứ không nội còn quấy bột làm bánh tổ, qua Tết cho bây mang lên phố chiên ăn. Nội vẫn nhớ Huy ghiền món bánh tổ cắt mỏng rồi kẹp miếng bánh tráng chiên lên. Yên nãy giờ im lặng nghe nội nói vậy liền bảo để con làm cho nội, chi chứ bánh tổ con biết làm! Nội quay qua nhìn Yên, mắt hấp háy vui.
Huy nghe Yên nói quay qua đùa “tưởng cô bé lên phố rồi quên hết trơn rồi chứ”. Yên lườm Huy một cái “nay em lớn, hết cô bé rồi nha. Gì chứ bí kíp làm bánh nội truyền cho em hết rồi. Mà còn nữa, xíu rảnh anh chở em đi mua giấy gương nhé. Về bọc mấy cái bánh in lại cho đẹp để ban thờ ông bà”. Huy vừa gật đầu vừa nhìn đôi má ửng hồng của cô gái hàng xóm. Thật lạ, bao nhiêu năm lớn lên cùng nhau, sao mùa xuân này Huy lại thấy Yên xinh lạ lùng! Tim Huy len lên những cảm xúc dịu dàng chưa từng có.
Huy nhìn ra ngoài nắng, kỷ niệm ấu thơ xa xăm nhưng rất đỗi ngọt ngào ùa về trong nắng mới. Mỗi lần ăn xong một cái bánh in, Huy sẽ cẩn thận cất tờ giấy gương trong túi thật kỹ. Rồi đất trời mùa xuân sẽ chuyển thành màu đỏ, màu tím, màu vàng khi Huy đưa tờ giấy gương lên nhìn nắng…
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN