Nắng lên.
Đầu ngày, mặt trời ẩn đâu đó trong không gian trắng mỉm cười. Nắng đã bắt đầu lên. Nắng lên vội vàng, chói chang và rực rỡ.
Khoác thêm chiếc áo ấm dày có chiếc mũ lông giữ ấm. Mở cửa bước ra bên ngoài, chân bước từng bậc xuống thềm như bước vào không gian tranh vẽ trong khu vườn tuổi thơ.
Tuyết bắt đầu tan.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sau hai ngày tuyết rơi phủ kín mặt đất, nhuộm trắng mái nhà và đeo bám cành cây. Không gian một màu trắng xóa, tinh khôi đến ngỡ ngàng. Bất chợt, gió từng cơn nhè nhẹ lướt qua. Rồi thổi thốc một cơn mạnh mẽ trước khi dừng. Thịt da lạnh buốt.
Khi tuyết rơi thì trời không lạnh lắm, giống như khi yêu chỉ toàn sự ngọt ngào. Nhưng khi tuyết tan và gió nổi thì cái lạnh giật mình đến thấu xương như gia vị giận hờn của tự nhiên và cuộc sống.
Dưới ánh nắng mặt trời chói chang nhưng lạnh lùng đến lạ, tuyết tan và bốc hơi. Mặt đất lộ dần từng khoảng nhỏ. Xe chầm chậm khởi động và lăn bánh. Hướng mắt nhìn qua khung cửa kính, dọc bờ đường và các sân vườn trong ngày tuyết tan không còn có cảm giác tuyết rơi tràn ngập mà cứ liên tưởng như đang đi qua miền quê cát trắng Điện Dương, Thăng Bình…, quê mẹ Quảng Nam phía bên kia địa cầu…
Những cụm tuyết đâu đó ven đường, dưới gốc cây, trên vạt cỏ mang lại cảm giác hiền hòa, dễ chịu. Tuyết trong cảm nhận của trí tưởng không còn là tuyết mà là cát trắng tạo hóa ban tặng để tô điểm thêm vẻ đẹp cho cảnh vật tự nhiên của cuộc sống.
Đi loanh quanh một hồi, xe chúng tôi dừng ở Chợ 38 để mua thức ăn và một số đồ dùng lặt vặt. Chợ 38 là chợ của người Việt. Chủ nhân là người Việt. Và khách hàng đại đa số cũng là người Việt. Người không một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng có thể tự tin đi mua sắm ở chợ này mà không gặp bất cứ sự khó khăn nào. Chợ có tên “Chợ 38” vì nó nằm bên cạnh con đường lớn mang tên “Đường 38” (38 Road).Và mọi người đều có thói quen gọi một cách ngắn gọn và bình dân là “Chợ 38”.
Mùa Giáng sinh và Tết Tây đã qua. Mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Riêng những người Việt xa quê thuộc thế hệ thứ nhất và cả thứ nhì lại tiếp nối những nao nức, bồi hồi của những ngày cận Tết, chuẩn bị Tất niên, cúng rước ông bà và đón Giao thừa. Tôi biết có những gia đình người Việt vẫn duy trì nền nếp này như là sự níu kéo bản sắc văn hóa chảy trong huyết quản, dù cho năm tháng, không gian và điều kiện dần phai nhạt…
Trước ngày Giáng Sinh, đi thăm một gia đình ở thành phố khác, thấy có đến cả chục người đang xúm nhau gói bánh tét để chuẩn bị đón “vọng” Tết Âm lịch trên đất khách quê người. Gói xong, bánh tét chưa nấu cho hết vào tủ đông lạnh bảo quản. Đến ngày cận Tết Âm lịch thì nấu. Ở đây, không nhóm bếp ngoài trời vì không có củi và tiết trời có nơi lạnh giá và đầy tuyết. Người ta nấu bánh tét bằng… bếp ga trong nhà.
Để tiết kiệm thời gian nấu bánh, người ta nghĩ ra cách nấu chín nếp thành xôi. Xôi pha thành hai màu khác nhau cho đẹp mắt. Lá chuối mua ở siêu thị có nguồn gốc từ Indonesia, Mexico, Thái Lan hay Việt Nam. Trong khi 2-3 người trãi lá thì một người cân xôi. Xôi được cân mỗi thứ 1/2 đổ vào lá chuối chuyển cho người gói. Người gói dàn đều xôi 2 màu trên lá. Rồi đặt vào chính giữa một lõi nhân đã được làm sẵn. Xong thì cuộn tròn lá chuối lại thành đòn. Dây cột không gì khác hơn là dây nilong… Thời gian nấu loại bánh tét này chỉ cần khoảng 8-9 giờ mà thôi. Tôi có may mắn ăn loại bánh tét này. Nó cũng khá thú vị. Lạ miệng nên ngon.
Đi lang thang trong khu Chợ 38 rộng rãi, bất ngờ bắt gặp một góc xuân Việt. Dừng chân trong tâm trạng của một người đang bắt đầu nhớ không khí Tết ở quê nhà… Chủ quầy căng một tấm phông đỏ làm nền. Mứt bánh, dưa kiệu… được bày biện bán xung quanh. Mấy cây mai vàng thắm tươi bung hết cánh rực rỡ. Mai được làm bằng nhựa. Đứa cháu ngoại đi cùng trố mắt chạy quanh và reo lên ngạc nhiên: Hoa mai ông ngoại ơi!… Hoa mai ông ngoại ơi!…
Hoa mai ở phương nam ấm áp và đầy nắng như sứ giả mang đến thông điệp Xuân về.
MAI HỮU PHƯỚC