Danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Từng viên đá, từng hang động gắn liền với bao huyền thoại, từng ngôi chùa cổ tự đã được vinh danh trong lịch sử, từng tấm biển, bức hoành phi, liễn, từng tấm bia cũng là chứng tích của quá khứ. Tìm hiểu sâu hơn ta còn thấy danh thắng Ngũ Hành Sơn ẩn chứa giá trị về nhiều mặt.
Quang cảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: N.T |
Giá trị địa chất học
Cụm núi Ngũ Hành Sơn thuộc loại hình núi đá vôi chuyển hóa thành cẩm thạch. Đó là hình ảnh trực quan về quá trình kiến tạo địa chất hàng triệu năm. Đá vôi được hình thành từ xác các sinh vật tích lũy dưới lòng biển cổ đại. Trong quá trình trồi sụt của vỏ trái đất, các dãy núi đá vôi trồi lên trên mực nước biển. Sau đó là quá trình xâm thực của các nguồn nước, tạo ra các hang động trong lòng núi đá vôi cùng các nhũ đá và măng đá.
Trên trần các hang động ở Ngũ Hành Sơn có các nhũ đá hình thù đa dạng, với hình ảnh rồng cuộn, mây bay, hạc lượn… trong trí tưởng tượng phong phú của khách tham quan. Nhũ đá được hình thành do quá trình lắng đọng canxi; các giọt nước chứa khoáng chất nối tiếp nhau rơi xuống, để lại một ống rỗng phía sau, tạo thành nhũ đá. Theo nghiên cứu của các nhà địa chất, ước tính trong khoảng 100 năm, ống thạch nhũ chỉ dài ra 2,5cm. Đây là đề tài của các câu chuyện ly kỳ, dí dỏm trong dân gian. Có chuyện kể rằng, khi vua Minh Mạng du hành đến Ngũ Hành Sơn, nhà vua hiếu kỳ sờ vào giọt nước long lanh dưới nhũ đá, khiến nhũ đá từ đó e thẹn và tắt dòng.
Đồng thời với việc hình thành nhũ đá trên vòm hang động, khi giọt nước rơi xuống nền, các khoáng chất trong nước sẽ tích tụ, tạo ra măng đá. Đến khi cột nhũ đá phía trên dài dần và tiếp xúc với măng đá nhô lên từ phía dưới, sẽ hình thành một cột đá. Các cột đá này thường rỗng bên trong, khi vỗ nhẹ có thể nghe các âm vang như tiếng trống. Đây là một cấu tạo địa chất thú vị còn lại ở Ngũ Hành Sơn và nếu lỡ mạnh tay, các trống đá, chuông đá có tuổi đời hàng triệu năm này sẽ gãy vỡ, không thể nào tái tạo được.
Giá trị lịch sử - văn hóa
Các chứng cứ khảo cổ cho thấy con người đã cư trú tại khu vực Ngũ Hành Sơn liên tục từ mấy ngàn năm trước. Năm 2001, 2015 và 2017 các nhà khảo cổ tiến hành khai quật ở khu vực Vườn đình Khuê Bắc, phát hiện hai lớp di tích văn hóa riêng biệt; lớp trên là lớp văn hóa Champa sớm, có niên đại khoảng thế kỷ II, III sau Công nguyên; lớp dưới mang tính chất di chỉ xen mộ táng, thuộc giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.500 đến 3.000 năm. Bên trong các hang động Ngũ Hành Sơn có các hiện vật chế tác từ sa thạch theo phong cách nghệ thuật Champa, trong đó có các khối đá chạm khắc tương tự như khối đài thờ ở di tích Đồng Dương (thế kỷ IX-X). Đây là dấu tích về hoạt động tín ngưỡng của cư dân Champa, sử dụng các hang động tự nhiên làm nơi thờ tự.
Sau thế kỷ XV, không gian hang động của Ngũ Hành Sơn trở thành điểm gặp gỡ của những tăng lữ và tín đồ Phật giáo từ các xứ thuộc Đại Việt, Trung Hoa, Nhật Bản. Các cụm núi Ngũ Hành được gọi là Phổ Đà Sơn, một danh xưng gắn với các vùng đất thiêng ở Ấn Độ, Trung Hoa và nhiều nước ở Đông Á. Trên vách đá trong hang động Ngũ Hành Sơn hiện còn lưu lại nhiều bản văn khắc của các danh tăng đến đây lập chùa và của các tao nhân mặc khách từ khắp nơi đến vãn cảnh.
Bản văn 普陀山靈中佛 (Phổ Đà Linh Trung Sơn Phật), khắc trên vách động Hoa Nghiêm, lối vào động Huyền Không (khắc năm 1640), ghi tên nhiều thiện nam, tín nữ đã góp tiền lập chùa, trong đó có những thương nhân đến từ Nhật Bản và lưu trú tại Hội An lúc bấy giờ. Vị thượng khách của chúa Nguyễn Phúc Chu là Hòa thượng Thích Đại Sán (từ Trung Hoa) đã ghi lại cuộc viếng thăm chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn năm 1695, với những ấn tượng đẹp trong sách Hải Ngoại Kỷ Sự.
Sức sống đương đại
Tiếp nối dòng chảy lịch sử, danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm tựa cho cuộc sống dân cư tại đây. Không chỉ là cái nôi của nghề khắc văn bia, điêu khắc đá, với những sản phẩm giao thương khắp năm châu bốn biển, Ngũ Hành Sơn còn là chỗ dựa tâm linh của đông đảo dân cư trong vùng. Kế thừa niềm tin về một Phổ Đà Sơn, trú xứ của Bồ Tát Quán Thế Âm, và đặc biệt là linh ảnh Bồ Tát thấp thoáng ở các nhũ đá trong hang động, hằng năm, hàng vạn người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế đã tề tựu về đây để hòa mình trong không khí Lễ hội Quán Thế Âm, cùng lắng nghe âm thanh huyền diệu của thiên nhiên và cuộc sống, vang vọng từ giọt rơi của nhũ đá có mạch nguồn hàng triệu năm.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn cần được chủ động trân trọng giữ gìn, hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình khai thác phục vụ dân sinh, thương mại, du lịch. Hơn thế nữa, nên có giải pháp phục hồi hệ sinh thái động vật, thực vật của quần thể cụm núi đá vôi - cẩm thạch, đã bị hủy hoại nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây. Lập hồ sơ đăng ký với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) để cùng quan tâm, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm bảo tồn di sản cũng có thể đem lại những tác động tích cực, góp phần bảo tồn Ngũ Hành Sơn, một di sản có tính chất hỗn hợp, đa giá trị.
VÕ VĂN THẮNG