Sinh thời, vua Tự Đức từng khuyên răn các bề tôi của mình: “Về phần các khanh nên chăm lo bổn phận, theo đúng phép tắc thanh liêm. Đó là điều rất mong mỏi của trẫm vậy”. Nhà vua là tác giả của một bài châm được một vị đại thần người Quảng đương triều rất tâm đắc mà đến nay nội dung của nó còn giữ nguyên tính thời sự đối với công tác quản lý cán bộ, giáo dục đạo đức xã hội và phát triển văn hóa đọc.
![]() |
Bài thơ “Quan châm” do vua Tự Đức thủ bút. Nguồn: Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hán Nôm Hội An |
Từ bài “Quan châm” độc đáo
Năm 2016, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) tổ chức sưu tầm từ tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, dịch và giới thiệu trong tập sách “Di sản Hán Nôm Hội An” (tập 2), tr. 186-187, bài thơ “Quan châm” (Khuyên kẻ làm quan) nổi tiếng của vua Tự Đức.
Bài châm được viết vào ngày 7 tháng 7 năm Tự Đức thứ 8 (1855) trên nền giấy điệp vàng có viền đặc biệt và được đóng dấu “Tự Đức Thần hàn” (Văn từ ở cung vua Tự Đức)(*).
Phiên âm:
Xuân khí bất khả ly khẩu; xuân diệp bất khả ly thủ. Công thằng bất khả vô; tư thằng bất khả hữu. Duy tư thanh thận cần, công tư đa tại đãi. Bột liêm châm: Bất ngữ quai khí, bất thụ sủng hóa. Hiền nhi đa tài tắc tổn kỳ chí; ngu nhi đa tài tắc ích kỳ quá. Sủng khinh thuật tàn tắc phi liêm khinh. Di tử hoàng kim mãn doanh bất như nhất kinh.
Dịch nghĩa:
Miệng phải nói lời thơm tho (như gió mùa xuân); tay phải làm điều tốt đẹp (như cây lá mùa xuân). Sự ràng buộc của việc công không thể không có. Đừng để việc riêng tư ràng buộc mình. (Luôn) nghĩ đến (sống) thanh liêm, cẩn trọng, cần mẫn (trong công việc) thì cả công tư đều theo (đúng chỗ) như thế (mà làm)! (Thốt nhiên làm) bài châm (nói về) sự liêm chính: Không nói điều trái ngang, không nhận của cầu thân. Người hiền mà nhiều của cải sẽ hao tổn chí khí; Kẻ ngu mà nhiều của cải sẽ thêm điều lỗi lầm (Được) ưu ái chưa đủ, noi theo (gương tốt) còn thiếu sót; (không phải vì thế) mà xem nhẹ chữ liêm. Để cho con vàng đầy rương không bằng (để lại cho con) một quyển sách.
Bài châm ngắn nhưng ý tứ quả rất sâu sắc, lời lẽ khá gần gũi, có sức cảm hóa lòng người khi gợi nhớ đến câu chuyện về quan Trung thư lệnh Từ Miễn thời nhà Lương (Trung Hoa). Ông này suốt đời giữ địa vị cao nhưng nghiêm khắc khép mình vào kỷ luật, hành xử công bằng mà cẩn thận, tiết kiệm, không tham lam, không mua sắm gia sản. Lương bổng của ông phần lớn đem chia cho bạn bè, người thân và dân chúng nghèo khổ, vì vậy trong nhà không tích tụ bất cứ tiền của dư thừa nào. Có người khuyên phải sắm gia sản để lại cho đời sau, ông trả lời rằng: “Người ta để lại tài sản cho con cháu, tôi để lại sự thanh bạch cho con cháu. Con cháu nếu có đức thì chúng tự mình có thể sắm được gia sản. Nếu chúng không thành tài thì dù có để lại tài sản, cũng vô dụng”.
Là ông vua hay chữ, đọc nhiều sách thánh hiền, Tự Đức hiểu khá sâu sắc về giá trị của lập đức và học vấn. Bài châm của ông có tác dụng giáo hóa to lớn khi nhắc lại các cổ ngữ: “Hiền nhi đa tài, tắc tổn kỳ chí; ngu nhi đa tài, tắc tăng kỳ quá” (Hiền sĩ nhiều tiền của ắt nhụt chí khí, người ngu nhiều tiền ắt gây lỗi lầm); “Di tử hoàng kim mãn doanh bất như nhất kinh” (Để lại cho con một rương vàng chẳng bằng lưu lại một pho kinh (sách)”. Nét độc đáo ở đây là nhà vua đã khéo léo biến các cổ ngữ trên trở thành những “nguyên tắc vàng” mà tất cả quan lại và thần dân của mình phải thực hiện.
Đến bài thơ “thu hoạch” của Phạm Phú Thứ
Trong cuốn “Phạm Phú Thứ Toàn tập” (NXB Đà Nẵng, 2014), tr. 674-675 có in một bài thơ của danh nhân đất Quảng Phạm Phú Thứ mà “lai lịch” của nó lại bắt nguồn từ bài “Quan châm” độc đáo trên đây.
Chuyện rằng, năm Tự Đức thứ 8 (1855), quân Man(**) ở Thạch Bích, tỉnh Quảng Ngãi quấy nhiễu vùng biên giới. Cụ Phạm lúc bấy giờ là Viên Ngoại lang bộ Lễ (Chánh ngũ phẩm) được sung chức Mạc tá Thừa biện Quân vụ theo giúp Tổng đốc Nam Nghĩa (vị này được sung Tổng thống Quân vụ) đi trừ giặc.
Thắng trận, ngày 15-9 năm ấy, trên đường từ sông Thu Bồn về quân thứ Nghĩa Sơn, Phạm Phú Thứ được vua ân ban bài “Quan châm”. Ông hết sức cảm động làm bài thơ tạ tấm lòng của vị quân vương có tựa đề: “Khâm tứ ngự chế Quan châm Khuyến liêm châm cung kỷ” (Kính được ban bài Quan châm, khuyến liêm châm do vua làm, kính ghi”.
Dịch nghĩa:
Thu tái phương ca khải/ Thần chương hà sủng lâm/ Thiện ngôn nghi tự khẩu/ Yểu hóa mạc manh tâm/ Công pháp nghiêm tư tội/ Truyện kinh thắng di câm (kim)/ Thịnh tai thiên cổ ngữ/ Trung tựu lưỡng thiên châm/ Bái thủ khuê quang diệu/ Đề thân bảo huấn khâm/ Nguyện ngôn giai hữu vị/ Trường thử bội dao âm.
Dịch thơ:
Ải thu vừa khải hoàn/ Vua khen, dụ đã ban/ Miệng nên nói điều tốt/ Tâm thấy của chẳng ham/ Phép công, nghiêm trị tội/ Kinh, sách quý hơn vàng/ Cổ ngữ vốn sâu sắc/ Bài châm rút tâm can/ Vái sao Khuê cao diệu/ Được “châm” lòng vui tràn/ Xin khuyên người giữ chức/ Nhớ lời ngọc vua ban.
Có thể xem đây là bản “thu hoạch” ngắn nhưng khá thú vị của một bề tôi thân tín khi lĩnh hội tư tưởng của vị vua thứ tư của triều Nguyễn chăng? Cũng xin được nhắc lại rằng, sinh thời cụ Phạm Phú Thứ là biểu tượng sáng ngời về một vị quan thanh liêm, chính trực. Thác bản “Hội nguyên kiều bi ký” (tức bia cầu Hội nguyên), được Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ, cung cấp thông tin: Mặc dù làm quan lớn của triều đình, song để có số tiền hỗ trợ cho làng Đông Bàn quê cụ xây dựng cây cầu, Phạm Phú Thứ đã phải dè xẻn chi tiêu cá nhân và tích cóp trong gần ba chục năm trời!
VÂN TRÌNH
(*) Đây là kim ấn (ấn bằng vàng), đúc vào ngày lành tháng 2 năm Tự Đức thứ 1 (1848), ấn có 2 cấp hình vuông, quai là tượng rồng chầu, 2 chân trước chống, 2 chân sau quỳ, đầu ngẩng, mũi cao, bờm dài, đuôi xoáy. Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Triện trong khung diềm: Tự Đức Thần hàn.
(**) Man: chỉ người dân tộc thiểu số.