Đã hai mùa Tết trôi qua kể từ ngày nội về nơi miền cực lạc. Những ngày này, tôi nhớ nội vô cùng, nhớ ánh mắt nụ cười, nhớ dáng người, nhớ da diết những tháng ngày yêu thương có nội.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có những điều không diễn đạt được thành lời, có tình yêu thương khắc sâu từ trong tâm tưởng, có những hình ảnh không thể phai nhòa trong lòng những người ở lại, có những nỗi nhớ còn mãi với thời gian. Dù nội không còn nữa, tôi vẫn luôn tin rằng, đâu đó trên cao, nội vẫn hằng ngày trìu mến dõi theo chúng tôi, mong cho cháu con sống đời thật ý nghĩa, như chính con đường nội đã đi và để lại niềm tin ấy…
“Chiều nay chắc nội con về, sắp đến ngày giỗ ông rồi!”
Chỉ một câu nói của má thôi là cả một niềm rạo rực dâng lên trong lòng chị em tôi. Hết ra lại vào, đứa này ngóng, đứa kia trông từ nhà ra ngõ. Hồi đó, nội ở ngoài thành phố phụ cô tôi bán bún và chăm mấy đứa nhỏ cho chú Út. Mà ở đâu nội cũng không để chân tay nghỉ ngơi, cứ làm luôn chuyện mới chịu được.
Ông nội mất từ khi còn trẻ, để lại bà một mình với bảy người con cả trai và gái, thật không dễ dàng gì cho một người phụ nữ thời bấy giờ. Nội buôn bán, làm lụng đủ thứ không ngại việc gì để có thể nuôi nấng đàn con thơ. Con đường quê gập ghềnh hằn in dấu chân không mỏi của người mẹ tảo tần sớm hôm chạy chợ. Mái nhà nhỏ liêu xiêu cũng chỉ một tay người vợ chống chèo qua từng cơn mưa bão.
Thời chiến tranh bom đạn ác liệt, nội chăm sóc, che chở cho một lúc bảy đứa con, thật vất vả trăm đường. Đến thời bình, tái thiết cuộc sống, mọi thứ cũng không ít khó khăn. Vừa là người cha, vừa là người mẹ, nội chu toàn, xếp đặt trước sau để các con lần lượt yên bề gia thất.
Thường mỗi tháng một lần hoặc khi nào có giỗ chạp là nội về thăm. Nội về từ thành phố bằng chiếc xe buýt cũ kỹ mà mọi người gọi là “xe đò” hay “xe Điện Hòa”. Chỗ xã tôi là điểm cuối tuyến đường xe chạy. Có điều xe dừng cách nhà khá xa, phải đi bộ tận hơn ba cây số mới về đến.
Mỗi khi thấp thoáng thấy chiếc nón lá nhấp nhô từ đằng xa, dáng người thấp đậm, đon đả bước đi với chiếc giỏ cói màu trắng bên tay, hai đứa reo lên “nội về, nội về!” và ba chân bốn cẳng chạy ra tận đầu thôn. Tôi vẫn nhớ như in nụ cười đầy yêu thương trên khuôn mặt nội khi thấy hai chúng tôi ùa đến, ánh mắt hiền từ không giấu được niềm vui. Mỗi đứa một bên quàng tay nội, bà cháu ríu rít nói cười đi về trên con đường đất nhấp nhô quen thuộc.
Bao giờ cũng vậy, nội sẽ mua cho chúng tôi món gì đó để làm quà, thường là ổ bánh mì, có khi thì vài cái kẹo, lúc lại là mấy bịch chè mua từ phố thị. Tôi nhớ sau chuyến xe dài, những chiếc bánh mì gói trong miếng giấy báo đã mềm dịu chứ không được nóng giòn, bên trong là mấy lát chả, ít cọng hành, vài ba lát thịt xíu. Vậy nhưng chúng tôi thấy ngon vô cùng, vì lúc đó ở quê chưa có ai bán cả.
Mỗi khi nội về, trong nhà luôn rộn rã tiếng nói cười. Bình thường ba má bận bịu nhiều việc, tụi tôi từ nhỏ đã phải tự chăm sóc mình, làm mọi việc như như quét dọn, lau nhà cửa, lo cơm nước, tự học hành… Những ngày nội ở cùng, nhà lúc nào cũng sạch sẽ, cơm nước bữa nào cũng tinh tươm. Thích nhất là mỗi khi đi học về, những món khoái khẩu đã sẵn trên bàn mời gọi. Bọn tôi chỉ việc ngồi vào và chén no nê thỏa thích.
Mỗi khi đến mùa lúa, mùa đậu, nội thường về phụ ba má phơi phóng, lặt đậu. Nhớ những ngày nhổ đậu phộng ở quê, lúc nào nội cũng sẽ lựa một rổ con những trái mập ú, chắc nịch để rửa sạch và nấu cho tụi tôi ăn cho đã cơn thèm.
Tối tối, nội cõng tôi trên lưng đi quanh tám chuyện với các bà trong xóm. Đầu óc non nớt của tôi lúc đó không thể hiểu sao người lớn lại có nhiều chuyện để nói đến thế. Chỉ biết rằng tôi có nhiệm vụ đi theo để làm chuông báo giờ cho nội về kẻo khuya.
Những đêm muộn, tôi cứ thích được vùi đầu vào lòng nội, nghe kể những chuyện ngày xưa, từ thời chiến tranh ác liệt đến khi hòa bình, về lần nội thoát chết hy hữu trong đợt tàn sát của quân địch, về những tháng ngày vất vả một mình nuôi các cô chú nên người. Rồi nội kể về những chuyện ở thành phố, về ánh đèn điện sáng lung linh, về xe cộ tấp nập rộn ràng, về tô bún bò thơm ngon của cô, về hàng xóm của chú, về những người bán hàng rong trên các nẻo phố phường. Những câu chuyện không đầu không cuối, vui có buồn có nhưng đầy hấp dẫn đã đưa tôi vào giấc ngủ mỗi đêm với bao mộng mơ về vùng đất đầy mới lạ.
Thường nội sẽ ở quê một đến hai tuần rồi lại ra thành phố. Chỉ có giỗ ông hoặc Tết thì nội về ở hẳn một tháng. Lúc về tụi tôi vui bao nhiêu thì lúc nội đi buồn bấy nhiêu. Nhìn dáng nội khuất dần sau con ngõ, lòng tôi buồn rười rượi. Mọi thứ trở nên trống vắng vô cùng.
Tôi lại nghĩ đến chuyến xe đò sắp tới, ngóng chờ được thấy dáng người đon đả nhấp nhô nón lá, ngóng chiếc giỏ đầy quà, ngóng nụ cười hiền ôm cả miền thương…
Nhớ về ai đó nghĩa là gì, tôi cũng không trả lời chính xác được. Chỉ biết rằng nhìn lên bầu trời cao tít tắp, tôi mơ màng thấy nụ cười phúc hậu trong làn mây; xuân về tôi thấy hình bóng nội trong những miếng trầu cánh phượng; hè đến, ăn múi mít quê chợt nhớ ra đây là món ăn nội thích; những ngày se lạnh, bất giác nghe hương dầu thoang thoảng lại thấy khóe mắt mình cay cay…
HIỀN NGUYỄN