1. Thuộc dòng sách tâm lý kỹ năng, cuốn sách Trồng một người cha - Gieo lên người mẹ của tác giả nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú (NXB Phụ nữ, 12-2024) phơi bày những giọt nước mắt của trẻ với mong muốn cha mẹ hiểu. Bởi chỉ khi chúng ta hiểu thì cái thương mà chúng ta dành cho con mới trở thành thương đúng và chạm tim con.
Nhiều người luôn tách bạch chuyện nuôi dạy con với chuyện hôn nhân của cha mẹ. Hoặc chỉ coi chúng là một cấu phần nhỏ trong hôn nhân. Nhưng hơn 12 năm làm anh Chánh Văn của báo Hoa học trò, hơn 20 năm đồng hành cùng thế hệ 7X, 8X, 9X và giờ là gen Z, tác giả nhận ra một điều: hôn nhân và nuôi dạy con cái có mối liên quan trực tiếp, tác động qua lại với nhau vô cùng mạnh. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Và ngược lại, chính những đứa trẻ là chất keo gắn kết và nuôi dưỡng hôn nhân bền vững hơn. Ngay cả khi cuộc hôn nhân đó không còn lành lặn, nếu người cha, người mẹ vẫn yêu thương con cái, mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con thì ly dị không phải là bi kịch với lũ trẻ.
Cuốn sách này tác giả đã viết trong suốt 4 năm, khi Covid-19 bùng phát với rất nhiều trải nghiệm trực tiếp từ các cuộc hôn nhân mùa khủng hoảng. Mỗi bài viết của anh đều nỗ lực hướng tới hạnh phúc, cách để cha mẹ và con cái cùng hạnh phúc. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình. Cuốn sách phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng, hôn nhân của bạn dạy con cái rất nhiều điều mà chưa chắc bạn đã nhận ra, sử dụng nó và biến nó thành cách để làm cho con cái mình hạnh phúc.
2. Nhà văn Trang Thụy vừa ra mắt cuốn sách Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về (NXB Hội Nhà văn, 12-2024). Sách gồm 11 truyện ngắn, viết về mùa đông, đề tài miền núi, số phận và hạnh phúc của phụ nữ nơi đây.
Nhân vật của Trang Thụy là những con người nghèo khổ, ít học, ở dưới đáy xã hội. Ở trong cái tăm tối ấy, chúng ta yêu họ vì khát vọng hạnh phúc lấp lánh như ngọn than hồng. Các nhân vật không cam chịu số phận, chấp nhận để người khác định đoạt hạnh phúc. Ở “Mùa cỏ đắng”, Trang là mẹ đơn thân nhưng quyết không nghe theo sự sắp đặt của mẹ để ở lại làng quê và trở thành vợ của Cường, người đàn ông làm nghề chèo đò, đánh cá.
Tác phẩm khắc họa hình ảnh người con tìm về với bố mẹ sau cuộc hôn nhân tan vỡ. Nhân vật tôi trong "Mùa trắng xóa" về nhà để báo tin mình sắp ly hôn, cô có suy nghĩ thấm thía về mẹ và hôn nhân: "Ngày tôi cãi cha, cãi mẹ vì người dưng cũng vào một mùa thu đầy khói. Ngày tôi đi, khói hoen nhèm mắt mẹ, có ai ngờ lúc long đong nhất vẫn chỉ biết về làng, tìm tới vai mẹ khóc tu tu. Nhân gian này rộng lớn như vậy, chỉ có đôi vai mẹ là rộng lượng vô cùng".
Nhà văn gửi gắm thông điệp về hạnh phúc của phụ nữ. Xuyên suốt tác phẩm sẽ cảm nhận được một nỗi buồn như đá. Để rồi hy vọng và thương những thân phận đàn bà. Những truyện ngắn mang màu sắc tự truyện, sự hòa quyện, những vùng đau giữa khách thể và chủ thể khơi gợi rất sâu vào những buồn vui của kiếp người. Sự tinh tế và biểu cảm trong ngôn ngữ là điểm mạnh trong văn Trang Thụy.
Nhà văn Trang Thụy tên thật là Nguyễn Thị Trang, 35 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện sinh sống và làm việc tại Hội An (Quảng Nam), được biết đến với các truyện ngắn đăng trên diễn đàn văn học như "Duyên muộn", "Ô mai gót", "Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về".
MẪU ĐƠN