Sống đời bình yên

.

Vừa ra mắt đọc giả ngày 10-12-2024, cuốn tản văn Chúng ta sống để bước tiếp (NXB Trẻ) của tác giả Nguyễn Phong Việt đã làm nên một kỳ tích thật đặc biệt: tái bản ngay sau 24 giờ phát hành.

Câu chữ của Nguyễn Phong Việt không phải mỹ từ, không khoa ngôn lộng lẫy, chỉ bình dị như cái chất quê mộc mạc hiền lành của chàng trai dạn dày sương gió miền Trung. Điều gì khiến cuốn sách chạm đến những cảm xúc lắng đọng ở tầng sâu nhất trong trái tim độc giả, giúp anh làm nên kỳ tích này?

Màu của niềm vui

Sau hành trình dài bền bỉ với 10 năm đều đặn ra mắt các tập thơ vào đúng dịp Giáng sinh, “nhà thơ triệu bản” Nguyễn Phong Việt chọn cho mình một lối rẽ khác: mượn chữ tự tình với thể loại tản văn. Vì theo anh, chỉ có tản văn mới đủ sức chuyên chở hết những tâm tư trĩu nặng trên đoạn đường dài anh đã đi, đã sống, đã thấu cảm những vui buồn sướng khổ, những chao chát đắng cay của cuộc đời mà thơ không gánh nổi. Đó là duyên cớ để những cuốn tản văn của anh hạnh ngộ với độc giả, được đón nhận nồng nhiệt. Series tản văn “Chúng ta sống…” của anh, từ Chúng ta sống có vui không? (2020), Chúng ta sống là vì… (2022), đến Chúng ta sống để lắng nghe (2023).

Và Giáng sinh 2024, anh gặp lại độc giả qua cuốn tản văn Chúng ta sống để bước tiếp. Đây có thể xem là cuốn tản văn hay nhất - với những chiêm nghiệm nhân sinh đằm sâu nhất trong series. Những dòng văn tự sự bình dị, sâu lắng nhưng vẫn đầy thanh âm - như một dòng suối vẫn róc rách chảy, len lỏi vào tâm hồn để bắt nhịp với người đọc. Giá trị lớn nhất ở cuốn sách chính là chữa lành và mang đến những thông điệp ấm áp trong mùa Giáng sinh.

Nếu trong thơ, người đọc gặp một Nguyễn Phong Việt luôn đau đáu với những câu hỏi day dứt lòng người thì trong thể loại tản văn, bằng những bài viết ngắn nhưng súc tích, chính anh là người đã tìm ra đáp án cho cuộc đời.

"Năm 2024 là năm của màu sắc bình yên và chăm sóc. Vậy thì năm 2025, có nên là màu của niềm vui và bước tiếp?" (trích Màu của bình yên).

Màu của niềm vui, phải chăng là màu xanh đầy sức sống của những tán lá vẫn vươn mình che nắng mưa trên những đoạn đường mà anh đã đi. Và những hàng cây mà sau này, về già, anh vẫn mong mỏi được “đi bộ thật chậm rãi” dưới bóng mát. Là màu của ngọn đèn được thắp sáng trong trái tim thuần khiết của mình, khi đã “bỏ đi” hết những giận hờn, rũ hết những cay nghiệt mà cuộc đời vây phủ. Là màu của ánh bình minh rạng rỡ mỗi sớm mai thức dậy, thắp lên niềm hy vọng lớn lao.

Với anh, cho dù hôm qua có ra sao, thì ngay trong phút giây của hiện tại, biết được sứ mệnh quan trọng nhất của đời mình là sống vui, ta đâu cần phải chứng minh mình là ai cho cả thế giới biết. Cho dù ta là ai, là một con chim phượng hoàng hay một cây ngô đồng, là nhân vật xuất chúng, vĩ đại hay chỉ là một con người hết sức nhỏ bé, bình thường thì ta vẫn chỉ có một đời để sống. Cớ sao phải buồn!

Chọn dịu dàng với đời

Tôi biết Việt từ hồi anh còn là phóng viên của một tờ báo. Chúng tôi sinh hoạt chung trong bút nhóm Vòm Me Xanh của báo Mực Tím, một tờ báo rất thân quen của tuổi học trò khi đó. Những năm sau này, khi anh nổi lên như một “hiện tượng” về thơ trên văn đàn với những tập thơ gây ấn tượng mạnh với công chúng, anh vẫn rất chừng mực, gần gũi, giản đơn như anh đã từng. Bây giờ, anh không còn là chàng trai mang nặng những trăn trở trên đoạn đường đi tìm kiếm những điều gì đó lớn lao cho riêng mình.

Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên đã đủ độ “chín” về mọi phương diện: tài năng, trải nghiệm sống, suy nghĩ đằm sâu, nhìn thấu nhân sinh, bao dung, tĩnh tại hơn bất cứ lúc nào. Và trên hết, anh còn là ba của cậu con trai. Vì đã là một người ba, nên dù cuộc đời có gập ghềnh, trái tim có vết xước, thì trái tim ấy khi hướng về con vẫn thật dịu dàng. Haro vẫn luôn được anh nhắc đến trên trang viết. Cuốn tản văn lần này cũng vậy. Bóng dáng con trai vẫn thấp thoáng trong những câu chuyện nhỏ nhưng đọng lại trong lòng anh những ý niệm lớn lao (Cảm ơn ba đã chăm sóc con, Làm một người đứng ngoài…).

Hãy quên việc lục tìm điều lớn lao vĩ đại nào đó trong thơ văn, trong câu chữ của Việt. Bởi những thứ bày ra trước mắt ta, chỉ giản đơn như một tách trà, phần ngon nhất là phần hậu ngọt. Văn anh bình dị như lời thủ thỉ tâm tình của người đã đi qua bao dâu bể. Càng đọc, càng thấm thêm câu nói tôi từng nghe đâu đó: có một kiểu người, dù cuộc đời chẳng dễ chịu với họ, nhưng họ vẫn chọn dịu dàng với đời. Đó chính là Việt lúc này: bình tâm trước mọi sóng gió, nghĩ cho một tương lai bình yên nhiều hơn là mong cầu vật chất, bình thản trước mọi thứ có thể xảy ra; kể cả việc có phải rời đi anh cũng “mong tạm biệt kiếp người trong giấc ngủ”.

Từ lâu rồi, nhờ Việt, tôi luôn có lý do để háo hức chờ đón tháng Mười hai. Anh chưa bao giờ thất hứa với bạn đọc. Lần trở lại này, anh dặn tôi hãy đọc cuốn tản văn khi có dịp ngồi cà phê một mình, sẽ “thấm” hơn! Đúng vậy, tôi đã để dành cuốn sách cho một buổi sáng trọn vẹn bên ly cà phê phin trong góc quán nhỏ yên tĩnh gần nhà, đọc văn anh, chậm rãi từng chút một, chắt lọc từng ý niệm anh gửi gắm. Giống như trước đây, trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã vịn vào những câu chữ thiết tha của anh để đứng lên. Bây giờ cũng vậy.

“Bây giờ là tháng Mười hai/ Chúng ta đang ở đâu trên những dặm đường dài?”

Cho dù chúng ta đang ở đâu, vì chúng ta làm người và vì chúng ta đã đến.

Chúng ta sẽ bước tiếp những bước chân an lạc và sống đời bình yên, như Việt.

TRẦN HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.