TẾT BÌNH AN

Trên môi nở một nụ cười

.

Có những người dành phần lớn cuộc đời để… đi xin, nhưng không phải xin cho mình mà cho những mảnh đời bất hạnh. Với họ, niềm hạnh phúc hơn nữa trong những ngày cận Tết này khi biến mình thành “cầu nối” để tấm lòng nhân ái đến gần hơn người cần giúp đỡ.

Thầy giáo Phan Quốc Hùng trong chương trình
Thầy giáo Phan Quốc Hùng trong chương trình "Tôi hát cho em" do mình tâm huyết tổ chức dành tặng học trò nghèo. Ảnh: T.Y

Trong niềm vui “đi xin”

Ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị A, cô giáo hưu trí tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu vẫn đều đặn mỗi năm vận động hàng chục suất quà Tết cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ gạo, dầu ăn, nhu yếu phẩm đến những bộ quần áo mới, tất cả đều được gom góp bằng sự nỗ lực không mệt mỏi. Quý ở chỗ, chủ nhân những phần quà này phần lớn là thế hệ học trò từng học lớp cô giáo A. “Tôi không giàu có gì, nhưng tôi có thời gian, có những mối quan hệ cô trò gắn bó bao năm. Chỉ cần mở lời, tôi tin sẽ có người sẵn sàng đồng hành”, bà A tâm sự, đôi mắt ánh lên sự lạc quan.

Hành trình giúp đỡ người khác của bà A bắt đầu từ những học trò nghèo sống dọc sông Cu Đê. Bà kể, thời đi dạy học ở Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, mùa đông, không ít học trò đến trường với manh áo mỏng và “cái bụng xẹp lép”. Vì thế, mỗi buổi lên lớp, ngoài giáo án, bà thường mang theo ít bánh, trái cây chia sẻ với các em. Thỉnh thoảng, bà xin thêm người quen chiếc áo ấm, bộ sách cũ hay đồng phục mới cho học trò.

Ngày đó, thu nhập từ nghề giáo ít ỏi nên không đủ để bà A làm nhiều hơn việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Thế nhưng khi về hưu, được địa phương đề nghị giữ chức Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu, bà không từ chối vì hiểu rằng, ở vai trò mới, bà có thêm cơ hội kết nối những tấm lòng. Bắt đầu công việc của người “đi xin để cho”, cô giáo A nói đó là “niềm vui lớn nhất ở tuổi xế chiều”.

Bà kể mỗi lần trao quà, nhìn ánh mắt hân hoan của các cháu nhỏ, nụ cười hạnh phúc của những người mẹ, bà thấy mình trẻ lại, vui hơn. Nhiều năm trong vai trò mới, bà không chỉ vận động quà Tết mà kết nối nhiều chương trình hỗ trợ dài hạn như học bổng cho học sinh nghèo, vốn vay cho phụ nữ đơn thân lập nghiệp.

Vài năm nay, kể cả khi không còn giữ vị trí Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu, cô giáo A vẫn duy trì công việc “xin - cho” của mình như một thói quen. Những ngày cận Tết, bà dành thời gian theo dõi tin tức, đến thăm gia đình khó khăn mình từng giúp đỡ hoặc đến các chợ vận động tiểu thương ủng hộ chương trình từ thiện. Một trong những chương trình bà tự hào nhất là duy trì bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nơi bà thường xuyên lui tới với lỉnh kỉnh túi to, túi nhỏ trên tay. “Tôi đã sống với công việc này quá lâu, giờ bảo nghỉ thì không đành. Thấy ai cần, ai khổ là chân tay tôi lại muốn làm gì đó để giúp họ”, bà chia sẻ với nụ cười hiền.

Nhìn lại chặng đường dài đã qua, bà A không tính được mình đã giúp bao nhiêu người và cũng không quan trọng điều đó. Bởi với bà, niềm vui là những nụ cười hạnh phúc mà bà nhìn thấy, là cảm giác ấm áp khi biết rằng, nhờ sự cố gắng của mình, một gia đình có thêm bữa cơm no, một đứa trẻ có thêm chiếc áo ấm.

Trong hành trình ấy, một kỷ niệm bà nhớ mãi là lần gặp lại cậu học trò cũ, giờ đã là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ. Biết cô giáo đang vận động những suất quà Tết cho phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn, cậu học trò ấy đã tài trợ gần như toàn bộ. “Nhìn học trò trưởng thành, biết giúp đỡ cộng đồng, tôi thấy mọi nỗ lực của mình đều xứng đáng”, bà A xúc động nói.

Âm thầm góp sức

Không có thời gian “đến tận nơi, trao tận tay”, vợ chồng bà Hà Thị Sính, Công ty TNHH Hà Sính Kim Anh, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) chọn góp sức bằng tài chính và hiện vật thông qua các tổ chức từ thiện. Đặc biệt, kể từ ngày bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hoạt động, mỗi tháng bà hỗ trợ hơn 100kg thịt, trứng các loại. Cùng với đó, bà âm thầm đồng hành cùng các chương trình trao quà cho hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Riêng Tết năm nay, vợ chồng bà tài trợ hàng chục suất quà gồm gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Liên Chiểu. Bà nói, mỗi lần nhận lời mời tham gia chương trình từ thiện, bà không do dự vì tin rằng dù không trực tiếp trao quà nhưng sự đóng góp của mình sẽ giúp được người khác.

Ngoài tài trợ cá nhân, gia đình bà Sính cũng tích cực kêu gọi bạn bè, đối tác tham gia. “Tôi nghĩ mình có khả năng kết nối thì không làm một mình. Bởi càng nhiều người chung tay, sức lan tỏa càng lớn”, bà Sính chia sẻ thêm.

Những việc làm giản dị ấy như những bông hoa đẹp âm thầm lan tỏa sự tử tế trong cộng đồng. Với họ, hạnh phúc không phải là nhận về mà là cho đi, là mang lại nụ cười cho những người kém may mắn. Như lời thầy giáo trẻ Phan Quốc Hùng, công tác tại Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (quận Sơn Trà) chia sẻ trong đêm nhạc “Tôi hát cho em” vừa diễn ra tại quán cà phê Mayaca, đường Nguyễn Duy Hiệu rằng, cuộc đời ngắn ngủi, hãy sống thật đẹp để khi nhìn lại, trên môi ta vẫn nở một nụ cười. Vì lẽ này, gần 3 năm nay, thầy Hùng đều đặn tổ chức chương trình “Tôi hát cho em” vào thời điểm khai giảng hay cận Tết với tâm nguyện “xin được cho các em chiếc áo mới”.

Điều đặc biệt ở những chương trình thiện nguyện do thầy Hùng tổ chức là anh không lập quỹ, không giữ lại số tiền được hỗ trợ mà trao hết cho học sinh ngay khi đêm nhạc kết thúc. Thầy Hùng nhớ lại, lần đầu tiên đến thăm nhà một học sinh ở vùng ven thành phố, anh không khỏi chạnh lòng khi thấy em đang lụi cụi học bài trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, vật dụng chẳng có gì. Lúc đó, anh chỉ nghĩ đơn giản rằng mình phải làm điều gì đó cho các em.

Từ đó, đêm nhạc "Tôi hát cho em" của thầy Hùng được tổ chức định kỳ, trở thành cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi chương trình có sự góp mặt của thầy cô, bạn bè, nghệ sĩ, ca sĩ và người yêu âm nhạc trên địa bàn.

Không sân khấu hoành tráng, không ánh đèn lộng lẫy, những bài hát được cất lên mang theo tình thương và sự quan tâm của cộng đồng. Bộ quần áo mới, cặp sách, giày dép hay phần học bổng nhỏ đã đến tay hàng trăm học sinh nhờ vào nỗ lực của thầy Hùng và những người bạn đồng hành. “Đêm nhạc vừa rồi, khi trao quà Tết xong, nhìn các em tươi cười mà tôi thấy mắt mình cay cay”, anh xúc động kể.

Những ngày này, đâu đó trên phố phường Đà Nẵng là bao ánh mắt lấp lánh của người trao và nụ cười rạng rỡ của người nhận để Tết thêm phần trọn vẹn, ngọt ngào. Nên khi đất trời vào xuân, những người chọn cách đi-xin-để-cho đã có thể mỉm cười vì biết rằng mình đang sống một cuộc đời ý nghĩa.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.