Thấy biết ơn

.

Cánh cửa ô-tô đóng lại, người con dâu thở phào khi cuối cùng bà cụ cũng chịu lên phố ăn Tết mà không tay xách nách mang cả đống đồ đạc theo cùng. Lũy tre làng dần lùi lại phía sau, những ngón tay già nua của bà cụ đan vào nhau bứt rứt. Bà thấy trống trải khi hành trang lên phố không có dấu vết gì của quê nhà. Người con trai cả biết tính mẹ mình hay nhìn vật nhớ người, thấp thỏm không yên trong mấy ngày dưới phố. Có phải vì thế mà vợ chồng anh không muốn bà mang theo bất cứ thứ gì?

Cũng chẳng phải, thật ra ở phố đâu có thiếu gì, Tết cũng không kệch rệch nấu nướng như ở quê nên mang xuống có khi bỏ phí. Xe trôi xa, bà cụ không còn nhấp nhổm nhìn ngoái lại qua cửa kính. Bà ngồi dính chặt xuống ghế xe, yên phận với một cuộc dịch chuyển xa nhất trong đời. Đứa cháu nội chạy ra mở cổng, tay ôm theo chú chó mặt xệ, hớn hở chào: “Hello bà nội”.

“Mẹ thấy không, Tết thành phố nhàn tênh”, con dâu nói vậy lúc hai bà cháu co chân ngồi trên ghế sofa nhìn đội thợ dọn dẹp, lau chùi từng xó xỉnh trong nhà. Họ dọn ào ào, chiếc máy hút bụi dồn hai bà cháu chạy từ chỗ này qua chỗ khác. Chẳng mấy chốc nhà cửa, bàn ghế sạch bong, bóng loáng. Thấy bà giơ ngón tay vừa quệt xuống bàn lên soi trên nắng, đứa cháu cười bảo: “Mắt của bà có dùng kính lúp cũng không thấy bụi”. Nhàn thật! Chứ ở quê cứ Tết đến là mệt nhất vụ dọn nhà. Dọn từ nhà ra ngõ, từ ngày hai ba Tết đến tận tối Giao thừa vẫn thấy còn bề bộn.

Mấy ngày ở phố bà gần như không đi đâu ra khỏi nhà. Các con bận rộn đi từ sáng đến tối muộn mới trở về. Bà ngạc nhiên khi thấy đã hai bảy Tết mà nhà cửa vẫn lạnh tanh lạnh ngắt, chưa thấy không khí Tết đâu. Con dâu cười bảo: “Đâu vào đó hết rồi, mẹ không phải lo. Bây giờ người ta sắm Tết trực tuyến hết mẹ ạ. Cần cái gì đặt hàng người ta giao đến tận cửa nhà”.

Đúng thật, suốt ngày hai tám, hai chín Tết tiếng chuông cửa cứ một lúc lại reo khiến bà giật thót. Đứa cháu nội chạy bình bịch mấy tầng nhà xuống nhận đồ. Từ quả ớt, nải chuối, bánh chưng, thịt đông, mứt kẹo… chẳng thiếu thứ gì. Bà già tự nhiên thấy mình thừa thãi quá. Suốt bao nhiêu năm nay bà chưa từng ngơi tay vào những ngày Tết đến. Lúc nhỏ, là chị cả, bố mẹ bận bịu đồng áng, bà ở nhà vừa trông em vừa vun vén Tết theo từng lời mẹ dặn. Lớn lên làm vợ, làm mẹ, một mình bà quán xuyến cả gia đình. Lúc nhìn bánh chưng đã vớt, mứt kẹo đủ đầy, nhà cửa bếp núc gọn gàng bà thường nở nụ cười hạnh phúc.

Thỉnh thoảng bà vẫn càm ràm chồng con kiểu: “Nếu không có tôi thì cái nhà này còn chưa thấy Tết”. Niềm kiêu hãnh của một người đàn bà nằm trong sự “năm đầu sáu tay” vun vén chu toàn. Con dâu như đọc được ý nghĩ của mẹ chồng nên cười bảo: “Mẹ xem, thời này chẳng cần phải tất bật ngược xuôi mà vẫn có cái Tết đủ đầy”. Bà già bỏm bẻm nhai chiếc kẹo nhập khẩu mà đứa cháu nội vừa dúi cho mình, thủng thẳng nói: “Đủ thì đủ thật. Nhưng sau này khi nghĩ về Tết đâu có gì để nhớ. Đâu có gì để kể cho con cháu nó nghe”.

Thật ra bà cụ nói cũng có cái lý của mình. Trong ký ức của những người như bà niềm vui của Tết nằm trong chính sự bận rộn của những ngày hai chín, ba mươi tháng Chạp. Ăn miếng bánh chưng thấy dẻo thơm hương vị sum vầy. Cha chẻ lạt, mẹ gói bánh, mấy đứa nhỏ xung phong trải chiếu nằm canh nồi bánh, không quên vùi vài củ khoai trong đống than hồng. Tụi nhỏ mang những ký ức ấy đi xuyên suốt cuộc đời. Cũng chính chúng là người giữ Tết cho những đời sau. Vài phong tục đã rơi rụng đi để cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhưng cuối năm con cháu không bao giờ quên tảo mộ, tự tay dọn dẹp cửa nhà, cúng ông Công ông Táo, ngào mứt kẹo thơm lừng gian bếp nhỏ…

Dù ông bà tổ tiên đã khuất núi nhưng mỗi khi ăn một món ngon đều thấy biết ơn. Bởi món ăn đó được truyền từ đời này sang đời khác. Cụ dạy cho bà, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy cho con cháu đời sau. Tết thiếu đi những sum vầy, bận rộn vun vén, chắt chiu thì có khi đã không còn là Tết. Tụi nhỏ sẽ thấy Tết cổ truyền cũng chẳng khác gì mấy lễ hội du nhập từ nước ngoài về. “Như cái kẹo nhập này, ngon thì ngon thật đấy mà thiếu đi hương vị quê nhà”, bà cụ nói vậy lúc mẩu kẹo cuối cùng tan trong khoang miệng mà chẳng đọng lại chút dư vị nào để nhớ. Đứa cháu nội nghe bà nói chỉ tủm tỉm cười…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.