Tôi yêu tiếng nước tôi

.

Trong một buổi thảo luận về dạy văn học nước ngoài cho học sinh, nhiều sinh viên sư phạm cho rằng, điều khó nhất của dạy văn học nước ngoài, là dạy qua bản dịch. Tôi đồng ý, làm việc bằng bản dịch là một hạn chế, một rào cản; nhưng không phải khó nhất, khó quá. Bởi vì, tiếng Việt của chúng ta đủ hay và đẹp để chuyển ngữ tất cả các loại văn bản, từ khoa học, chính trị đến văn chương nghệ thuật. Không phải đến bây giờ - thời hiện đại, mà ngay từ thuở xa xưa, tiếng Việt đã có một nội lực phi phàm và vững chãi để tự khẳng định mình.

Chương trình Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do NXB Trẻ tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2024. Ảnh: Tư liệu
Chương trình Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do NXB Trẻ tổ chức tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9-2024. Ảnh: Tư liệu

Có hai bài thơ giống nhau như đúc về nội dung, nhưng khác về ngôn ngữ và thể loại - những đặc điểm mang tính bản sắc. Đó là bài thơ thời Đường làm theo thể cổ phong, có tên là Mẫn nông của Lý Thân và bài ca dao Cày đồng đang buổi ban trưa của người Việt. Nguyên văn bài Mẫn nông như sau:

Sừ hòa nhật đương ngọ,
Hãn trích hòa hạ thổ.
Thùy niệm bàn trung xan,
Lạp lạp giai tân khổ.

(Cày lúa ngày đang lúc trưa,
Mồ hôi giọt xuống chân cây lúa.
Có ai nghĩ rằng bát cơm trong mâm,
Mỗi hạt đều là đắng cay cực khổ?)


Và đây là bài ca dao Việt Nam:

Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Có nhiều tranh luận xung quanh bản quyền của bài ca dao này. Có người cho rằng, việc hai bài thơ giống nhau là do ngẫu nhiên, bài ca dao là sáng tạo của người Việt. Có người lại khẳng định bài ca dao là bản dịch, vì sử dụng thể thơ lục bát - thể thơ dân gian, dễ nhớ, dễ thuộc cho nên dễ lưu truyền; lâu dần, nó được xem như một bài ca dao độc lập. Dĩ nhiên, ý kiến thứ hai có tính thuyết phục mạnh hơn, và như thế, càng thể hiện công năng và vẻ đẹp của tiếng Việt.

Cũng như nhiều bản dịch thơ Đường khác, mà đa số là của thi sĩ Tản Đà, bài ca dao đã Việt hóa một cách thành công bài thơ vốn được làm bằng thứ ngôn ngữ của “chi hồ dã giả” khó đọc, khó hiểu đối với cả người Trung Quốc bình dân thời tiền hiện đại. Tác giả ca dao đã sử dụng hai phép so sánh ở câu thứ hai và thứ tư: “mồ hôi thánh thót như mưa” và “một hạt (là) đắng cay muôn phần”. Cả hai phép so sánh này, kết hợp với từ láy “thánh thót” đã khiến cho bài ca dao gợi hình hơn, sống động hơn, sâu sắc hơn so với bài thơ chữ Hán.

Nhiều người, nhiều công trình khoa học đã khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt. NXB Trẻ còn phát hành bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” với các tên sách như Tình ca tiếng nước ta (Dương Thành Truyền); Vẻ đẹp ngôn ngữ văn chương (Lê Xuân Mậu); Nỗi oan thì, mà, là (Nguyễn Đức Dân); Đi tìm bản sắc tiếng Việt (Trịnh Sâm)… Đó là công việc của những nhà nghiên cứu, còn với chúng ta, chỉ cần đọc lên những câu ca dao, những câu hát ru của bà, của mẹ, là có thể thấy được tiếng Việt tuyệt vời như thế nào. Những chơi chữ, những ví von của ông cha ta ngày xưa thật sâu sắc, tinh tế biết bao. “Sáng mai xuân em đi chợ hạ/ Mua cá thu về, chợ hãy còn đông/ Ai nói với anh là em đã có chồng/ Bực mình em đổ cá xuống sông em về”. Hai câu thơ đầu có đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông được đan cài một cách khéo léo trong câu chuyện của cô gái. Cách chơi chữ hết sức tự nhiên và độc đáo, chỉ mùa xuân là được nhắc đến trực tiếp, ba mùa còn lại xuất hiện trong các từ đồng âm. Hai câu sau diễn tả được sự ngúng nguẩy, thẳng thắn, dứt khoát một cách đáng yêu của cô gái mà đặc biệt là câu cuối với một trạng thái cảm xúc: bực mình và hai động tác dồn dập: đổ cá, về.

Với bài ca dao sau, ta lại thấy vẻ đẹp tuyệt vời của những ẩn dụ trong tiếng Việt: “Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợi gàu dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây”. Sự thất vọng vốn vô hình vô tướng, khi được biểu đạt bằng các hình ảnh cụ thể và quen thuộc như “nước giếng”, “sợi gàu” là trở nên hiện hữu, cụ thể. Người đọc, người nghe có thể nhận ra nghĩa cần biểu đạt trong bài thơ, và ngậm ngùi, cảm thông, chia sẻ với nỗi tiếc nuối của chủ thể trữ tình.

Còn nhiều nữa, nào là “Trèo lên cây khế giữa ngày/ Ai làm chua xót lòng mày khế ơi”; “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than”; “Yêu nhau mà đứng ở xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”; “… Có rửa thì rửa chân tay/ Chớ rửa chân mày chết cá ao anh”…

Lời ăn tiếng nói, đối đáp của người xưa thật uyển chuyển, sắc sảo, dí dỏm và thâm thúy. Không biết cái thuần thục, toàn vẹn của tiếng Việt đã được xác lập tự bao giờ; chỉ biết rằng từ văn truyền miệng cho đến văn viết, mỗi câu chữ đều đẹp đẽ và giàu cảm xúc.

Dĩ nhiên, trong tiến trình lịch sử, ngoài yếu tố nội sinh, tiếng Việt còn có yếu tố ngoại nhập. Đó là sự thâu nhận vốn từ ngữ từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh... Từ Hán Việt có lịch sử lâu đời nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trong các yếu tố ngoại lai. Khi cần thiết phải thể hiện sự trang trọng, người ta dùng từ Hán Việt. Tuy nhiên, nếu không nhất thiết, thì việc sử dụng từ thuần Việt, ngoài “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” còn tạo được sự giản dị, gần gũi.

Tôi rất có thiện cảm với quỹ từ thiện Bông sen bởi vì cách đặt tên của họ. Quỹ Bông sen, quán cơm Nụ cười, quán cơm Yên vui, những cái tên thuần Việt này là lựa chọn đầy nhân văn. Nụ cười, Yên vui vừa dễ hiểu, vừa giản dị, gần gũi, thân thiện; chắc chắn trong các từ ngữ này còn chứa cái tâm nghĩ đến người khác. Đồng thời, những từ thuần Việt này còn thể hiện tình yêu tiếng Việt và sự khéo léo của những người sáng lập. “Tôi yêu tiếng nước tôi” như thế, tôn vinh tiếng Việt như thế, quả là đáng nể phục!

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

;
;
.
.
.
.
.