Tục ăn trầu, ăn thuốc là tập quán ẩm thực lâu đời của dân tộc Ca Dong. Nó thể hiện nét độc đáo trong giao tiếp, ứng xử cộng đồng của tộc người, như cách nói của người Kinh: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Ống đựng thuốc, món trang sức của các cô gái là vật dụng ẩm thực quan trọng của người Ca Dong. Ảnh: T.V |
Hình ảnh cây cau, cây trầu khá quen thuộc ở những làng nóc, nương rẫy của đồng bào các huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), Bắc Trà My (Quảng Nam), vùng đất từng nổi tiếng về sản phẩm quế, được mệnh danh là vùng “Cao sơn ngọc quế” và cũng là xứ sở của trầu, cau.
Người Cor - tộc người láng giềng, có quan hệ thân thiết với dân tộc Ca Dong - trồng nhiều quế và trầu. Nếu vỏ cây quế bán cho người miền xuôi để đổi lấy đồ vật quý giá như trang sức, nồi đồng, chiêng, cồng, ché, vải lụa... thì lá trầu (kwái) để ăn và mang ra chợ bán cho người Việt lấy tiền mua mắm muối. Ở nguồn Trà Bồng, Trà My đã từng tồn tại trong thời gian rất dài một số “tộc danh” mà người Việt dành cho người Cor: “bộ tộc Trầu”, “mọi Trầu”, “mọi Trà Bồng”, “người Trầu”.
Lá trầu quả cau từ lâu gắn bó với tập quán ẩm thực và lễ nghi của người Ca Dong. Họ là tộc người thích dùng trầu, đàn ông, đàn bà, người già, thậm chí người trẻ cũng ăn trầu. Bộ đồ ăn trầu của họ là cái mủng/mẹt/rá nhỏ đan bằng mây tre, hình dạng giống như cái mâm bồng bằng đất nung của cư dân văn hóa Sa Huỳnh cách nay hàng nghìn năm. Đây cũng là đồ dùng để dựng cơm, thịt, bánh trái dọn ăn hàng ngày và trong các lễ nghi.
Bên cạnh chiếc rá lớn, người Ca Dong còn có một loại rổ tre, cái giỏ nhỏ đan bằng tre nứa để dựng trầu, cau. Cái giỏ đựng trầu có nắp đậy, khi đậy lại hình dạng giống như chiếc gùi có nắp - một sản phẩn đan lát độc đáo của các dân tộc miền núi. Hằng ngày, lúc ở nhà hay đi làm rẫy, đồng bào luôn nhai trầu. Khi gặp bàn bè hay khách đến thăm nhà, bà con lại mang trầu, cau ra mời. Vì vậy, đôi môi của phụ nữ Ca Dong luôn đỏ thắm như son, toát lên một vẻ đẹp dân dã của người miền sơn cước.
Cùng với tục ăn trầu, người Ca dong ở Sơn Tây (Quảng Ngãi), Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), còn có tục ăn thuốc. Theo khẩu vị, người ăn trầu cần có thêm một ít thuốc lá sợi hoặc bột. Thuốc lá và trầu có thể giúp giữ ẩm cơ thể khi thời tiết rét buốt. Đồng bào mua thuốc lá của người Kinh mang lên tận làng hoặc các chợ huyện để bán. Họ cũng trồng cây thuốc (loong grao) trên rẫy hay trong vườn nhà. Nếu nhà nào không trồng thuốc lá thì phải đổi gà hoặc đổi một ngày công để lấy một bó thuốc lá khô bằng 2 gang tay úp lại (chừng nửa ký). Lá thuốc được phơi khô trên giàn, trên xuyên nhà rồi được bó lại bằng mo cau, lá chuối hay giấy báo sau đó cất lên giàn bếp.
Người Ca Dong “ăn” thuốc lá bằng cách lấy thuốc bột hoặc sợi chấm vào chân răng rồi lấy ngón tay trỏ chà nhẹ nhàng vào nơi đó để thuốc dính đều vào hàm răng, lợi và từ đó vị thuốc sẽ thấm và lan dần vào đầu lưỡi. Muốn có bột thuốc, họ lấy thuốc lá đã khô trên giàn bếp, bỏ vào chiếc cối gỗ nhỏ để giã rồi bỏ vào ống nhôm hay ống nứa có nắp đậy, gọi là chiếc talok grao. Người Ca Dong ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thường trang trí ống đựng thuốc bột khá đẹp mắt. Họ gắn vào phần chui chiếc talok những chùm lục lạc đồng, gọi là talok grao cring ning. Đây là thứ vật dụng không chỉ để “ăn trầu, ăn thuốc” mà còn là quà biếu trân trọng vào dịp lễ Tết, là cách thể hiện tấm lòng thơm thảo, bình dị.
Đặc biệt, ống nứa đựng thuốc bột là tặng phẩm quý giá của cha mẹ dành cho con gái, được xem như của hồi môn. Để có món quà mừng con gái vừa mới sinh ra, người cha vào rừng tìm đoạn trúc chừng một gang tay mang về chạm khắc, gọt tỉa thành ống đựng thuốc bột. Sau đó, người mẹ buộc thêm vào chiếc ống này một chùm lục lạc nhỏ xíu, những chuỗi cườm và chùm sợi chỉ làm từ cây gai vreang xe lại rồi đem nhuộm màu để gắn vào phần chui.
Với người phụ nữ Ca dong, chiếc ống này không chỉ là vật dùng ăn trầu, ăn thuốc mà còn là món trang sức. Vào dịp lễ hội, các cô gái Ca dong thường đeo nó trên eo hông kèm theo những chiếc vòng cổ, vòng tay. Đây còn là kỷ vật thiêng liêng nhất của người con gái, cả khi người đó trở thành người phụ nữ già nua sau này.
Ống thuốc bột, khay trầu là những vật dụng liên quan đến các thủ tục, nghi lễ cưới xin của người Ca Dong. Lễ vật nhà trai mang đến nhà gái gồm có 2 vòng đồng đeo tay, 2 vòng bạc hoặc nhuôm đeo cổ, 2 ống đựng bột thuốc lá, chiêng, ché, một bó trầu, một buồng cau… Nhà gái chuẩn bị 2 vòng cườm đeo tay, rượu cần, khay đựng trầu cau và các món ẩm thực khác để chiêu đãi họ hàng.
Sau khi được nhà gái mời vào nhà, đàng trai trình lễ vật để ông chủ hôn cúng thần linh và trao tặng lễ vật. Đầu tiên, chủ lễ đeo vòng tay, vòng cổ, xâu cườm cho cô dâu, sau đó trao ống đựng thuốc bột, hai miếng trầu cho cô dâu và chú rể. Cách trao của ông chủ hôn rất trang trọng, ông ta bắt chéo tay để trao từng miếng trầu, ống thuốc bột cho cô dâu, chú rể. Người trao và người nhận đều thực hiện lễ nghi một cách trang nghiêm, đánh dấu thời khắc nên vợ nên chồng.
Tục ăn trầu, ăn thuốc là tập quán ẩm thực lâu đời của dân tộc Ca Dong. Nó thể hiện nét độc đáo trong giao tiếp, ứng xử cộng đồng của tộc người, như cách nói của người Kinh: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Khay trầu, ống thuốc là sự sáng tạo vật dụng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, chứa đựng nét thẩm mỹ và mang ý nghĩa, biểu tượng của sự chia sẻ, tình thân, kết nối cộng đồng của những chủ nhân vùng đất “Cao sơn ngọc quế”.
TÂN VỊNH