Tướng Quảng làm Thành hoàng phương Nam

.

Tại khu vực Bình Triệu (phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có một ngôi đền thờ Thành hoàng được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX để thờ phụng, tri ân công đức vị tướng quê Quảng Nam.

Đình thần Bình Triệu - nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Quang Đăng. Ảnh: Tư liệu
Đình thần Bình Triệu - nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Quang Đăng. Ảnh: Tư liệu

Làng Bình Triệu hồi đầu thế kỷ XIX thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, trấn Biên - tức Biên Hòa sau này. Theo những tư liệu của hậu duệ đời thứ sáu và thứ bảy (hiện đang sinh sống tại thành phố Thủ Đức) của ông Nguyễn Quang Đăng cung cấp thì vị Thành hoàng của làng Bình Triệu thuộc dòng dõi của chúa Nguyễn Phước Chú (ở ngôi từ 1725-1738) - là vị chúa Nguyễn thứ bảy trong lịch sử Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Đăng (không rõ năm sinh) sinh ra ở làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có ba anh em, anh ruột là Nguyễn Quang Hoàng.

Năm 1820, khi vua Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai (1820-1832) thì hai anh em Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Quang Đăng đều theo Lê Văn Duyệt vào vùng đất phía Nam. Tác giả Kiều Diễm cho biết trong bài “Đất phương Nam in dấu chân người Quảng” đăng trên Đặc san Người Quảng ở phía Nam số Xuân Đinh Dậu 2017: “Nhờ có công lớn với triều đình nên ông Nguyễn Đăng Quang được ban tặng cho một vùng đất lớn rộng khoảng 1.500 hecta ở thôn Bình Triệu, tổng An Thủy, tỉnh Biên Hòa. Ông quản làng Bình Triệu suốt 14 năm cho đến khi ông mất…” (có thể vào năm 1834 hoặc 1835). Khi ông mất, tưởng nhớ công lao quy dân, lập ấp, nhân dân tôn ông làm Thần và lập nên ngôi đình Bình Triệu nằm ở tả ngạn sông Sài Gòn để tri ân, thờ cúng và hương khói.

Đến năm Tự Đức thứ năm (1852), vua ban sắc Thành hoàng Bổn cảnh cho làng Bình Triệu với nội dung bảng sắc phiên âm như sau: “Sắc bản cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chánh trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu khả gia tặng Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Trang chi thần. Chuẩn Biên Hòa tỉnh, Bình An huyện, An Thủy tổng, Bình Triệu thôn y cựu phụng sự thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Tự Đức ngũ niên thập nhất nguyện nhị thập tứ nhật”.

Dịch nghĩa: “Sắc cho Thần bổn cảnh Thành hoàng, nguyên đã được tặng tước hiệu là Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện, Thần đã giúp đất nước che chở nhân dân, nhiều năm linh ứng. Thần cho tước hiệu là Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Trang. Chuẩn cho nhân dân thôn Bình Triệu, tổng An Thủy, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa noi theo lệ cũ để phụng thờ, để Thần bảo hộ con dân của ta. Hãy kính theo lệnh này. Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm”.

Theo nội dung sắc phong, thần Bổn Cảnh Thành Hoàng được phong cho thôn Bình Triệu có mỹ hiệu Quảng Hậu Chánh Trực Hữu Thiện Đôn Trang Chi thần. Tuy trong sắc phong không nhắc đến tên ông Nguyễn Quang Đăng nhưng người dân Bình Triệu vẫn xác tín Thần Thành hoàng của làng là ông Nguyễn Quang Đăng và đồng nhất vị thần dân phong này với Thần Thành hoàng được vua phong cấp.

Theo nội dung trong phim tài liệu “Các vị thần dân phong ở đất Gia Định” tập 1 do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) sản xuất tháng 1-2024, thì: “Vào đầu thế kỷ XIX, được vua sai trấn nhậm cai quản ba vùng đất thuộc thành phố Thủ Đức ngày nay, Nguyễn Quang Đăng cùng vợ đến định cư ở làng Bình Triệu, nay là phường Hiệp Bình Phước. Từ đó đến nay đã sáu đời, trải qua biết bao đổi thay, song ngôi từ đường thờ tự ông vẫn được con cháu bảo tồn, tôn tạo và duy trì việc tế tự hằng năm nghiêm cẩn…

Việc dân làng tôn ông Nguyễn Quang Đăng làm thần và đưa vào thờ tự trong đình từ thời điểm nào đến nay không thể truy cứu được, song dân chúng xác tín chính áo mão, ấn tín của ông được thờ trong đình là truyền thống lâu đời và việc tế lễ ông đã trở thành việc không thay đổi từ xưa đến nay”.

Do thời gian và chiến tranh tàn phá, đình làng Bình Triệu bị xuống cấp, hư hỏng. Mãi đến năm 1999, chính quyền địa phương và người dân hai phường Hiệp Bình Phước và Hiệp Bình Chánh mới chính thức trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình để làm nơi thờ tự các vị Thành hoàng, Tiền hiền của vùng đất này. Đặc biệt, ban thờ ngay chính điện trong đình thờ trang trọng di ảnh đức Tả quân Lê Văn Duyệt hàng trăm năm nay.

Lý giải cho điều này, hậu duệ của ông Nguyễn Quang Đăng và các vị cao niên tại Bình Triệu cho biết, do ông Nguyễn Quang Đăng và người anh ruột Nguyễn Quang Hoàng là những vị tướng giỏi dưới quyền đã góp công cùng Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt lập nên nhiều công trạng nên dân làng tôn kính, tri ân đưa di ảnh Lê Văn Duyệt vào thờ tự chung với vị Thành hoàng của làng.

Bên cạnh đó, vào năm 1902, hậu duệ trong dòng tộc của ông Nguyễn Quang Đăng đã xây dựng lại ngôi từ đường trên nền nhà cũ của ông để thờ phụng ông và các vị Tiền hiền tộc Nguyễn. Nhưng đến năm Mậu Thân (1968), ngôi từ đường đã bị chiến tranh tàn phá. Sau ngày quê hương giải phóng, con cháu trong tộc kẻ góp công, người góp của trùng tu lại ngôi từ đường. Hiện nay ngôi từ đường tọa lạc tại đường số 7, khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, tại phường Hiệp Bình Chánh hiện vẫn còn ngôi mộ của ông Nguyễn Quang Đăng nằm trên khuôn viên khoảng 200m2.

Hiện nay, bản gốc sắc phong của vua Tự Đức ban cho làng Bình Triệu vào năm 1852 đã bị thất lạc do thiên tai, chiến tranh. Do đó, chư tộc đã liên hệ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục chế lại bản sao sắc phong này vào tháng 1-2008. Hằng năm, trong dịp lễ tế Kỳ Yên vào ngày rằm và ngày 16 tháng 2 âm lịch, chính quyền và người dân nơi đây tổ chức trang trọng lễ rước Sắc phong từ ngôi từ đường của gia tộc về đình thần Bình Triệu để tiến hành tế lễ. Vào ngày 16 tháng Chạp hằng năm, con cháu trong dòng tộc của ông Nguyễn Quang Đăng cũng tề tựu về ngôi từ đường để tổ chức ngày kỵ và dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của ông.

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.